Bắc Sơn du ký

(ĐTTCO) - Bỏ qua những cánh đồng lúa chín vàng óng và dòng sông uốn lượn ở giữa, Bắc Sơn (Lạng Sơn) còn vô vàn những điều thú vị, cảnh đẹp, món ngon… cuốn hút lòng người.

(ĐTTCO) - Bỏ qua những cánh đồng lúa chín vàng óng và dòng sông uốn lượn ở giữa, Bắc Sơn (Lạng Sơn) còn vô vàn những điều thú vị, cảnh đẹp, món ngon… cuốn hút lòng người.

1. Thị trấn Bắc Sơn cách Hà Nội khoảng 160km. Để đến khám phá cảnh đẹp Bắc Sơn, du khách có thể đi theo Quốc lộ 1A Hà Nội-Lạng Sơn, tới Hữu Lũng rẽ vào Tỉnh lộ 265 đi tới Đình Cả-Thái Nguyên rồi theo Quốc lộ 1B 30km nữa sẽ tới thị trấn Bắc Sơn.

Ai lần đầu đến thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn đều có thắc mắc không biết mọi người đứng đâu để chụp được những bức ảnh đẹp mê hồn như đã có trên báo, mạng. Sau nhiều lần hỏi thăm người dân bản địa, chúng tôi cũng biết được một ngọn núi nằm giữa thung lũng. Đỉnh ngọn núi này chính là nơi sản sinh ra các bức ảnh toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn của các nhiếp ảnh gia. Đi theo những cái gì đã quen thuộc mang tính biểu tượng ở Bắc Sơn như thung lũng lúa nhìn từ trên cao, con người thường háo hức, vội vã. Chính điều đó có thể làm chúng ta vô tình bỏ qua những chỗ khác cũng đầy diệu kỳ. Mùa này du khách đến Bắc Sơn rất ít, dù vào những ngày cuối tuần. Nhưng có một điều lạ dù người già hay trẻ, nam hay nữ, trái mùa hay đúng mùa lúa chín đều chỉ muốn leo núi để ngắm một Bắc Sơn toàn cảnh rồi ra về.

Làng nhà sàn Quỳnh Sơn với mái màu nâu đất nhìn từ xa.
 Làng nhà sàn Quỳnh Sơn với mái màu nâu đất nhìn từ xa.

Sau cuộc trò chuyện với chủ quán nước mía bên đường, chúng tôi bắt đầu cuộc trải nghiệm riêng của mình. Từ trung tâm thị trấn Bắc Sơn chúng tôi tiến về phía chân tượng đài Du kích Bắc Sơn. Đây chính là biểu tượng cho lòng quả cảm, chiến thắng của quân, dân Bắc Sơn trong cuộc khởi nghĩa năm 1940. Tượng đài nằm sát chân núi, giữa màu xanh của cỏ cây, hoa lá.

Thật ý nghĩa khi bắt gặp những cô cậu học sinh vào đây tham quan, vui đùa. Nó như truyền đi một thông điệp, thế hệ hôm nay vẫn luôn biết ơn và khắc ghi những gì ông cha đã làm được trong quá khứ.

Từ tượng đài Du kích Bắc Sơn, băng băng tiến về chân đèo Tam Canh, từ đây theo tấm biển chỉ dẫn chúng tôi vào thăm làng nhà sàn Quỳnh Sơn. Đây là ngôi làng có đến 98% trong số hơn 400 hộ dân là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Gần như giữ nguyên truyền thống, những gia đình Tày ở đây vẫn dựng nhà sàn để ở. Nhà sàn ở Quỳnh Sơn đơn sơ, bình dị như thuở ban đầu với mái lợp ngói ta, vách bằng tre nứa, sàn gỗ đơn giản.

Căn nhà thiết kế bằng những nguyên vật liệu như vậy rất mát khi mùa hè đến. Những con ngõ trong làng đều khá nhỏ với tường bao xếp bằng đá hoặc xây bằng đất càng tạo cho Quỳnh Sơn nét đơn sơ, cổ kính. Gặp bất kỳ ai chúng tôi cũng nhận được lời chào trước. Từ người già đến trẻ nhỏ đều rất thân thiện, sẵn sàng chụp hình chung hay mời khách vào nhà uống nước.

Thật đặc biệt khi 3 ngôi trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở Quỳnh Sơn đều nằm dưới những gốc đa cổ thụ. Có một cây đa đã khiến chúng tôi phải dừng lại vài giờ để chiêm ngưỡng. Cây đa này có gốc tạo thành thế chân kiềng với 3 nhánh khổng lồ. Một trong 3 nhánh đã bị mục rỗng đến mức thân bị teo tóp bằng cánh tay nhưng vẫn sống xanh tươi, lạ kỳ. Hình thù kỳ quái, cùng nét cổ kính của cây đa già trước cổng 3 ngôi trường càng khiến những ai đến Quỳnh Sơn muốn ở lại dài ngày để sống và cảm nhận.

Đình Nông Lục dưới gốc đa cổ thụ
Đình Nông Lục dưới gốc đa cổ thụ

2. Tạm biệt làng nhà sàn đơn sơ, cổ kính Quỳnh Sơn chúng tôi bắt đầu rong ruổi trên Tỉnh lộ 241. Một điểm ai cũng sẽ nhìn thấy khi đi trên cung đường này chính là đình Nông Lục. Với lối kiến trúc nửa nhà sàn của người Tày kết hợp nửa đình làng dưới xuôi của người Kinh, có thể nói Nông Lục thuộc loại đình có kiến trúc độc đáo nhất miền Bắc. Với niên đại gần 90 tuổi (khởi dựng năm 1927, nhà Nguyễn) cùng cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã tạo ra một vẻ đẹp cổ kính.

Chính tại ngôi đình này, tối 25-9-1940 các đảng viên thuộc châu Bắc Sơn đã họp bàn phương án khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp. Đình Nông Lục với kiến trúc độc đáo và ý nghĩa lịch sử nên đã sớm được công nhận Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962. Gốc đa xanh mát, mái đình cổ kính đã trở thành điểm dừng chân nghỉ ngơi, vãn cảnh tuyệt vời cho du khách khi đến Bắc Sơn.

Và khi những nương hoa tam giác mạch ở xã Trấn Yên đồng loạt nở màu trắng, đó cũng là điểm khác biệt so với tam giác mạch hồng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Vào đến nương hoa chúng tôi được gặp một số du khách từ phương xa cũng tìm tới đây ngắm hoa. Hỏi chuyện mọi người cho biết đi tham quan nương hoa nhờ có thông tin trên facebook của một số người bản địa từ trước, chứ không phải tình cờ như chúng tôi. Trong cuộc hội ngộ vui vẻ giữa căn lều nhỏ bên nương hoa, chúng tôi được chủ nhà mời ăn bánh rán từ bột của hạt tam giác mạch. Mục đích gieo nương hoa tam giác mạch của những nông dân Tày cần cù ở đây là để lấy hạt xay bột rán bánh ăn hoặc bán kiếm tiền. Còn nghề chính của họ là chăn dê, trâu, bò và làm ruộng…

Có một điều không thể không nhắc đến những đặc sản độc đáo của người Tày vùng Bắc Sơn như: gà ta nuôi bằng ngô ở nương, bánh làm từ bột hoa tam giác mạch, đặc biệt là bánh chưng đen. Để gói bánh chưng đen người dân ở đây phải chọn gạo nếp trồng ở nương, đỗ xanh bóc vỏ và đặc biệt là tro đen sau khi đốt rơm nếp. Sau khi đỗ ngâm và gạo nếp đã đãi, đồng bào rắc một ít tro đen của rơm nếp vào. Tất cả trộn đều rồi thêm gia vị, sau đó đem gói với nhân thịt lợn. Màu sắc miếng bánh chưng rất đặc biệt, đó là màu trắng của nhân thịt mỡ, màu vàng của đỗ và bên ngoài màu nâu đen của gạo trộn tro.

Không hùng vĩ như những bức ảnh toàn cảnh mùa lúa chín, nhưng chuyến khám phá Bắc Sơn đã cho chúng tôi nhiều điều mới mẻ. Như một ống kính máy ảnh khi ta chiếu lại từng góc cảnh, từng điểm nhìn sẽ cho ta những cảm nhận và hình ảnh đẹp mà có thể ta vô tình đã bỏ qua.

Các tin khác