Sức mạnh tàu sân bay (K1): Vị trí độc tôn

(ĐTTCO) - Ngay sau khi Pháp quyết định đưa tàu sân bay Charles de Gaulle đến Địa Trung Hải để tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, Nga cũng gấp rút điều tàu sân bay Đô Đốc Kuznetsov đến để tham chiến. Đây là 2 trong số chưa đầy 20 quốc gia đang sở hữu tàu sân bay, một sức mạnh quân sự vượt trội.

(ĐTTCO) - Ngay sau khi Pháp quyết định đưa tàu sân bay Charles de Gaulle đến Địa Trung Hải để tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, Nga cũng gấp rút điều tàu sân bay Đô Đốc Kuznetsov đến để tham chiến. Đây là 2 trong số chưa đầy 20 quốc gia đang sở hữu tàu sân bay, một sức mạnh quân sự vượt trội.

Tổng số tàu sân bay đang hoạt động của các nước ngoài Hoa Kỳ hiện nay chỉ 21 chiếc. Vì vậy, với 19 tàu sân bay đang hoạt động, 3 chiếc đang đóng, 1 chiếc đã được đặt hàng và 16 chiếc trong kế hoạch được đóng, Hoa Kỳ đang là một thế lực siêu cường về hàng không mẫu hạm. Không chỉ hơn về số lượng, tàu sân bay của Hoa Kỳ còn vượt trội cả về kích thước lẫn uy lực.

Siêu mẫu hạm Nimitz

Những tàu sân bay có trọng lượng rẽ nước từ 64.000 tấn trở lên được gọi là siêu hàng không mẫu hạm. Trong khi những cường quốc hàng không mẫu hạm khác không có chiếc siêu mẫu hạm nào, Hoa Kỳ sở hữu tới 10 siêu mẫu hạm thuộc lớp Nimitz (3 chiếc) và Nimitz cải tiến (7 chiếc), gọi chung là lớp Nimitz. Đây là lớp tàu sân bay uy lực nhất trên thế giới hiện nay.

Tàu sân bay Nimitz có tổng chiều dài 333m và trọng lượng rẽ nước 102.000-106.000 tấn; bề ngang ở mực nước 41m và chỗ rộng nhất của sàn bay 77,76-78,41m; thủy thủ đoàn có thể lên đến 3.200 người (không kể không đoàn gồm 2.480 người). 10 tàu lớp Nimitz đều được đóng trong giai đoạn 1968-2006 tại Công ty Newport News, Virginia. Tất cả tàu lớp Nimitz đều được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân A4W, bố trí trong các khoang riêng biệt (ngoài Hoa Kỳ, Pháp là nước duy nhất có hàng không mẫu hạm chạy bằng lò hạt nhân). Các lò hạt nhân cung cấp năng lượng cho 4 cánh quạt, giúp tàu có thể đạt tốc độ tối đa trên 30 hải lý/giờ (56km/h) và công suất tối đa 260.000bhp (190MW). Các tàu lớp Nimitz được đóng kể từ năm 2003 còn có mũi tàu phồng ra để cải thiện tốc độ và nâng cao hiệu năng của nhiên liệu bằng cách giảm sức cản thủy lực. Nhờ sử dụng năng lượng hạt nhân, những tàu này có khả năng hoạt động liên tục trong vòng 20 năm không cần phải nạp nhiên liệu và có thể phục vụ trong 50 năm.

Các tàu lớp Nimitz còn được trang bị thêm vũ khí để chống lại máy bay và tên lửa đối phương. Chúng bao gồm 3 hoặc 4 bệ phóng tên lửa RIM-7 Sea Sparrow để chống máy bay và tên lửa chống hạm, cũng như 3-4 pháo Phalanx CIWS 20mm. Ngoài ra các tàu còn được trang bị mới RIM-116 RAM.

Anh cả George H.W.Bush

Nổi bật và tối tân nhất trong các tàu thuộc lớp Nimitz là tàu sân bay hạt nhân USS George H.W.Bush, đặt theo tên Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ (Bush cha) - người đã từng là phi công trẻ nhất trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đây là con tàu lớp Nimitz cuối cùng của Hoa Kỳ. Do chế tạo muộn, nó sử dụng công nghệ năng lượng nguyên tử tiên tiến hơn, mức độ hiện đại hóa cao hơn. Tàu sân bay Bush được cải tiến mang tính thực chất và áp dụng nhiều công nghệ mới. Chẳng hạn, nó sử dụng hệ thống vệ sinh chân không trên biển mới, hệ thống phân phối nhiên liệu mới (cho máy bay), cùng với một lượng lớn hệ thống điều khiển và vật liệu đường ống mới. Những cải tiến này làm giảm chi phí bảo dưỡng, đồng thời kéo dài tuổi thọ tàu sân bay. Tàu George Bush còn sở hữu công nghệ mới nhất, như radar và thiết bị dẫn đường tiên tiến hơn; dây cáp và ăng-ten đều được lắp đặt ở bên trong, từ đó làm nổi bật hơn khả năng tàng hình; mức độ quản lý tự động hóa cao hơn; thức ăn vận chuyển 1 lần trên tàu có thể cung cấp cho 6.000 binh sĩ sử dụng trong 90 ngày.

Tàu sân bay Bush được thiết kế nhằm đảm bảo việc phòng thủ tự vệ dưới nước và đối với tên lửa chống hạm. Theo đó, 2 mạn tàu, đáy tàu, kho chứa máy bay, đường băng đều có kết cấu 2 tầng, trong tàu có hàng chục vách ngăn kín nước dày, bộ phận dưới nước được tăng dày cho sàn tàu, khoang chống ngư lôi nhiều tầng. Về phương diện khả năng tấn công, nó có thể mang tối đa 100 máy bay và có nhiều hệ thống phóng tên lửa đối không và pháo phòng thủ gần. USS George H.W.Bush được cho là chiến hạm đắt nhất thế giới hiện nay, với giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.

Tàu sân bay hiện đại nhất USS George H.W. Bush.

Tàu sân bay hiện đại nhất USS George H.W. Bush.

Mẫu hạm của thế kỷ 21

Hiện Hoa Kỳ đang chế tạo lớp siêu mẫu hạm mới, được cho là mẫu hạm của thế kỷ 21, đó là tàu sân bay lớp Ford. Chiếc đầu tiên, Gerald R. Ford (CVN-78), được đặt tên theo Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ Gerald R. Ford, hạ thủy vào ngày 9-9-2013. Gerald R. Ford sẽ thay thế USS Enterprise (CVN-65) - chiếc tàu đã dừng hoạt động vào tháng 12-2012 sau 51 năm phục vụ. Tàu Ford được cho có giá lên tới 13 tỷ USD.

Về kỹ thuật, Gerald R. Ford có những tính năng vượt trội so với lớp tàu sân bay Nimitz. Cụ thể, tàu lớp Ford đảm bảo khả năng cất cánh và hạ cánh cho các máy bay không người lái thế hệ mới sẽ được sử dụng nhiều hơn trong tác chiến thời gian tới. Công suất của 2 lò phản ứng nguyên tử tăng thêm 25%, không phải thay các thanh nhiên liệu trong suốt vòng đời của tàu sân bay (50 năm). Tỷ lệ sử dụng vật liệu composit và các loại vật liệu khác của công nghệ tàng hình tăng nhiều so với Nimitz, giúp trọng tải hữu ích, độ bền tăng lên đáng kể. Gerald Ford có thể mang 90 máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng, trong đó có cả máy bay tiêm kích tấn công F-35.

Gerald R. Ford dùng hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS) để hỗ trợ máy bay cất cánh, thay cho hệ thống phóng thủy lực trước đây, nên có khả năng phóng phi cơ tăng 25% và cần ít hơn 25% thủy thủ so với lớp Nimitz. Hải quân Hoa Kỳ dự tính nó sẽ tiết kiệm hơn 4 tỷ USD cho chi phí vận hành trong khoảng thời gian phục vụ 50 năm. Phương tiện phòng không của tàu là các tên lửa ESSM với 2 bệ phóng, mỗi bệ phóng có 32 tên lửa. Để tác chiến phòng không tầm gần, tàu có các tên  lửa phòng không RAM. Hệ thống radar 2 dải tần DBR có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu của đối phương. Gerald Ford có thể đạt tốc độ hơn 30 hải lý/giờ (hơn 56km/h).

Bên cạnh tàu Gerald R. Ford, hồi tháng 8 năm nay Hoa Kỳ đã khởi công đóng chiếc tàu lớp Ford thứ 2 là USS John Kennedy (CVN 79). Tàu được trang bị 2 hệ thống phóng thẳng đứng kiểu mới, dùng để phóng tên lửa hải đối không RIM-7 Sea Sparrow. USS John Kennedy có khả năng mang được 75 máy bay chiến đấu các loại, trong đó bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35C, tiêm kích hạm F/A-18E/F, máy bay cảnh báo sớm E-2C, trực thăng. Ngoài ra còn có lượng lớn máy bay không người lái như X-47B.

(Còn tiếp)

Các tin khác