Hỗ trợ thuế, tín dụng mang tính... khuyến khích

(ĐTTCO) - Hôm qua 19-10, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 sắp tới. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu những hỗ trợ về thuế, tín dụng mang tính khuyến khích sẽ khó là động lực cho DNNVV phát triển.

(ĐTTCO) - Hôm qua 19-10, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 sắp tới. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu những hỗ trợ về thuế, tín dụng mang tính khuyến khích sẽ khó là động lực cho DNNVV phát triển.

Mấu chốt tín dụng và thuế

Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), đây là dự luật cực kỳ quan trọng. Đi sâu vào phân tích, theo ông Mại, trong 97% DNNVV ở Việt Nam cần có sự phân biệt 2 loại nhỏ và siêu nhỏ, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Nếu lấy thống kê về DN giai đoạn 2005-2014 có thể thấy tiềm lực trung bình của DN nhỏ và siêu nhỏ càng ngày càng nhỏ hơn. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách. “10 năm qua chính sách không nâng được tiềm lực cho DN vì chúng ta không có chính sách để DN nhỏ và siêu nhỏ tích lũy, nâng dần quy mô” - ông Nguyễn Mại nói và cho rằng luật này ra đời phải đáp ứng được yêu cầu của DN nhỏ và siêu nhỏ về thuế và tiếp cận vốn.

NHTM có đặc thù xã hội trao cho là nhiệm vụ đảm bảo huyết mạch nền kinh tế, lưu thông tiền tệ, cung cấp tín dụng cho phát triển kinh tế, dành tối thiểu 30% dư nợ cho DNNVV.

Ông Đặng Huy Đông

Theo khảo sát của Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT), giai đoạn 2011-2014, doanh thu DNNVV dao động liên tục, có năm giảm mạnh có năm tăng, nhưng lợi nhuận lại không tăng bao nhiêu trong khi thu ngân sách lại tăng đều. Điều này thể hiện DN không có tích lũy để lớn lên. Dù Bộ Tài chính có đề xuất giảm thuế thu nhập DN về 17% cũng khó hỗ trợ DN vì DN không có lãi lấy đâu nộp thuế. Vì thế, để DN lãi, có tích lũy vấn đề không phải chỉ ở thuế thu nhập DN mà là thuế giá trị gia tăng (GTGT). Các nước, khi hỗ trợ DN họ giảm 50% thuế  GTGT so với mặt bằng chung. Điều đó mới quyết định việc tích lũy của DN. Còn các sắc thuế khác đánh trực tiếp thu, chi phí, tích lũy ban đầu của DN. “Ai đó nghĩ rằng giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ, từ đó giảm ngân sách là sai lầm. Chúng ta đã bàn nhiều lần vấn đề này khi hội nhập quốc tế, Bộ Tài chính đều nói giảm thu ngân sách nhưng không lần nào giảm thu mà chỉ tăng thu. Tôi đề nghị nên có quan điểm tổng thể về thuế để có hệ thống thuế riêng cho DNNVV, để DN thành lập từ năm 2016 đến 2020 có thể nâng cao quy mô 2-3 lần. Từ đó có hệ thống DN đủ mạnh đương đầu trong nước và quốc tế” - ông Mại kiến nghị.

Về vấn đề tín dụng, những quy định tại dự thảo này, thực tế đã có rồi nhưng DN nhỏ và siêu nhỏ không tiếp cận được. Nguyên nhân do những yêu cầu phải có tài sản thế chấp là bất động sản. Trong khi đó, DN nhỏ và siêu nhỏ không có bất động sản. “Tài sản thế chấp để vay không nên chỉ áp dụng với bất động sản mà nên cả với động sản như chứng từ thanh toán, hợp đồng mua bán, tiền sẽ thu… Nếu không chuyển hình thức thế chấp sẽ không thể hỗ trợ được DNNVV, thậm chí đẩy họ vào hoàn cảnh khốn khó hơn” - ông Mại cảnh báo

Ưu đãi tín dụng thiếu thực tế

Phản hồi về quan điểm của ông Mại, bà Đặng Thị Điểm, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết quan điểm thế chấp bằng động sản hay bất động sản đã có quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật khác. NHTM cũng là một DN nên phải đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, bảo toàn vốn là tiền huy động. Việc cho vay thế chấp tài sản nào an toàn là quyền của họ, NHNN cũng không can thiệp được. Tuy nhiên, ông Mại cho rằng NH là DN nhưng có chức năng đặc thù là chia sẻ rủi ro. Việc quy định NH dành tỷ lệ cho DNNVV vay, các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ... đã làm và hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ của DN, TCTD. Thực tế hiện nay một số NH đã thiết kế gói tín dụng cho DN nhỏ và siêu nhỏ, nhận thế chấp bằng động sản. Nghĩa là họ đã thấy có hướng tiếp cận DN theo cách này, vì vậy, nếu quy định trong luật sẽ đảm bảo hơn việc hiệu quả trong thực thi.

NHTM cũng là một DN nên phải đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, bảo toàn vốn là tiền huy động. Việc cho vay thế chấp tài sản nào an toàn là quyền của họ.

Bà Đặng Thị Điểm

Về vấn đề thuế, theo bà Phạm Thị Hồng, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc hỗ trợ DNNVV, trong đó đề xuất mức thuế với DNNVV 17% và DN siêu nhỏ 15%. Tỷ lệ này đưa ra trên cơ sở mặt bằng chung, quy mô ngân sách, đối tượng được hưởng, so sánh với các nước tương đồng... Còn việc thiết kế hệ thống thuế riêng cho DNNVV, theo bà Hồng, đây là vấn đề lớn cần phải báo cáo với Chính phủ, Quốc hội. Trong khi đó, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết thuế, tín dụng là chủ đề nóng trong suốt quá trình soạn thảo, trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan thẩm tra. Quan điểm lúc đầu của ban soạn thảo là đưa tỷ lệ phần trăm thuế vào trong dự thảo, nhưng các cơ quan khác đối chiếu các quy định hiện hành và cho rằng để chính sách thuế đồng bộ, hoàn chỉnh nên đưa về các luật về thuế, nên ban soạn thảo không đưa vào dự án luật, chỉ đưa cụ thể đối tượng sẽ được hưởng thuế ưu đãi.

Còn về tín dụng, theo ông Đông, đây là vấn đề gây tranh luận gay gắt. Quan điểm của ban soạn thảo là làm giống các nước. Đó là quy định trong dự thảo yêu cầu các NHTM dành tối thiểu 30% dư nợ cho DNNVV. Tuy nhiên, sau đó với nhiều tranh luận, ban soạn thảo rút lại và chỉ đưa ra quy định mang tính khuyến khích các NH cung cấp tín dụng, tạo điều kiện cho DNNVV được tiếp cận. Quy định tại dự thảo mới nhất không có tính áp đặt NH cho DNNVV vay bằng mọi giá nhưng nếu làm, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ. 

Các tin khác