Công nghiệp ô tô Hàn Quốc gặp khó

(ĐTTCO) - Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc vừa bị tuột mất vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu ô tô nhiều nhất thế giới, trong khi tổng sản lượng xe cũng giảm 1 bậc, xuống vị trí thứ 6. Ngành công nghiệp chiếm khoảng 3,3% GDP và 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đang đứng trước khó khăn.

(ĐTTCO) - Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc vừa bị tuột mất vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu ô tô nhiều nhất thế giới, trong khi tổng sản lượng xe cũng giảm 1 bậc, xuống vị trí thứ 6. Ngành công nghiệp chiếm khoảng 3,3% GDP và 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đang đứng trước khó khăn.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc (KAMA), 8 tháng năm 2016, Hàn Quốc đã xuất khẩu khoảng 1,69 triệu xe, giảm 14,4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng ô tô Hàn Quốc trong 7 tháng giảm xuống còn 2,55 triệu chiếc, đứng vị trí thứ 6 thế giới. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc bị tuột mất vị trí top 5 sau 12 năm. GS. Kim Pil-soo, khoa Kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Daelim, nhận định ngành ô tô Hàn Quốc đang gặp phải 5 vấn đề lớn: Chế độ tiền lương chưa được giải quyết, bất lợi về tỷ giá hối đoái, chi phí cao, năng suất thấp và tình trạng đình công. Gần đây, công đoàn Công ty Ô tô Hyundai đã đình công toàn diện lần đầu tiên sau 12 năm. Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đã không tiến hành đầu tư nhiều ở trong nước. Trên thực tế, Hyundai đã xây dựng nhiều nhà máy ở nước ngoài và 65% lượng ô tô Hyundai được sản xuất tại các nhà máy nước ngoài. Hiện trạng này làm tình hình sản xuất ô tô trong nước trở nên nghiêm trọng hơn. Nền kinh tế trong nước đang yếu kém và nhu cầu ô tô nội địa chỉ còn khoảng 1,8 triệu xe/năm, một thị trường không lớn so với các nước phát triển.

Lần đầu tiên Hàn Quốc bị tuột mất vị trí top 5 thế giới về sản lượng ô tô.

Lần đầu tiên Hàn Quốc bị tuột mất vị trí top 5 thế giới về sản lượng ô tô.

Trong khi đó, rất nhiều nước khác, trong đó có Mexico, lại đang có những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực này. Với vị trí địa lý gần Hoa Kỳ và Nam Mỹ, Mexico dễ dàng đối phó với các vấn đề về tỷ giá hối đoái hay thuế quan thông qua Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và nhiều hiệp ước quốc tế khác. Quốc gia này đang tiến hành xây dựng nhiều nhà máy và sản xuất nhiều ô tô hơn. Trình độ công nghệ và kim ngạch sản xuất của Mexico đã tăng lên đáng kể. Không những thế, quốc gia này còn đang đóng vai trò quan trọng cầu nối giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Ấn Độ cũng đã vượt Hàn Quốc về sản lượng ô tô và Mexico nhiều khả năng sẽ bắt kịp Hàn Quốc sau 4 năm nữa.

Sự ảnh hưởng của ngành công nghiệp ô tô ảnh hưởng rất lớn đến bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào của Hàn Quốc. Đặc biệt, đối với quốc gia xuất khẩu 75% tổng số ô tô sản xuất được như Hàn Quốc, ngành công nghiệp ô tô là trụ cột chính chống đỡ nền kinh tế. Khi ngành công nghiệp ô tô rơi vào khủng hoảng, toàn bộ nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, theo ông Kim Pil-soo việc cấp bách là cần phải tìm giải pháp cho vấn đề này. Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cần phải sản xuất nhiều xe với mức giá phải chăng. Đồng thời, tối đa hóa doanh thu thông qua các dòng xe cao cấp sang trọng. Để khắc phục tình trạng chi phí sản xuất cao đối với các dòng xe cao cấp, các nhà sản xuất xe Hàn Quốc cần sản xuất dòng xe cao cấp ngay trong nước. Chỉ có như vậy mới duy trì được lợi nhuận. Hàn Quốc cũng cần sản xuất nhiều dòng xe phổ thông với giá cả hợp lý tại các nhà máy ở nước ngoài do dòng xe sang trọng chưa được công nhận rộng rãi trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất các dòng xe thân thiện với môi trường hay xe tự lái của Hàn Quốc đang bị tụt hậu 3-4 năm so với các quốc gia phát triển. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của các nhà sản xuất xe tại Hàn Quốc dường như không đủ để có thể thu hẹp khoảng cách công nghệ. Do đó, việc hợp tác giữa giới chuyên môn trong lĩnh vực ô tô và các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, với vai trò của Chính phủ như một tháp điều khiển trong quá trình phối hợp này.

Các tin khác