Tỷ phú thế giới lo mất của

(ĐTTCO) - Lần đầu tiên trong 2 thập niên, tổng tài sản của các tỷ phú thế giới đã giảm trong năm và những người giàu nhất đang lo lắng.

(ĐTTCO) - Lần đầu tiên trong 2 thập niên, tổng tài sản của các tỷ phú thế giới đã giảm trong năm và những người giàu nhất đang lo lắng.

Tổng tài sản của các tỷ phú thế giới đã tăng gấp 7 lần trong 2 thập niên qua, nhưng riêng trong năm 2015, tài sản của gần 1.400 tỷ phú thế giới đã bay mất 300 tỷ USD, từ 5.400 tỷ USD xuống còn 5.100 tỷ USD, thậm chí khi châu Á đã tiếp tục có thêm 1 tỷ phú mới mỗi 3 ngày - theo báo cáo nghiên cứu mới của UBS và PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố ngày 13-10. Chuyển giao thừa kế, giá hàng hóa giảm và đồng USD mạnh đã làm giảm tổng tài sản của các tỷ phú thế giới trong năm 2015, trung bình 1 tỷ phú có tài sản chỉ 3,7 tỷ USD. Khoảng 60 tỷ phú và những người thừa kế của họ cho biết lo lắng nhiều hơn những năm trước vì lãi suất thấp tiếp tục duy trì, bảo hộ thương mại toàn cầu gia tăng và tài sản suy giảm do chuyển giao thừa kế.

Nghiên cứu phân tích tài sản của 1.397 người siêu giàu trong danh sách tỷ phú thế giới 2015 của Forbes, sử dụng dữ liệu của 14 khu vực chính trên thế giới, gồm Hoa Kỳ, châu Âu (Đức, Anh, Pháp), châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ)... Trong năm qua có thêm 210 tỷ phú mới nhưng cũng có 160 người siêu giàu rớt khỏi danh sách tỷ phú. Hoa Kỳ chỉ thêm ròng 5 tỷ phú vào danh sách (41 tỷ phú mới vào và 36 tỷ phú rớt khỏi danh sách), trong lúc Trung Quốc, nhờ lĩnh vực công nghệ, đã có thêm 80 tỷ phú mới. Châu Á chiếm hơn một nửa số tỷ phú thế giới có tài sản giảm chỉ còn dưới 1 tỷ USD, tức đang trở thành những triệu phú.

Amancio Ortega, ông chủ của đế chế Zara, vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu nhất trên thế giới.

 Amancio Ortega, ông chủ của đế chế Zara, vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu nhất trên thế giới.

Nghiên cứu cho thấy, thời kỳ hơn 20 năm tạo tài sản nhiều chưa từng có của các tỷ phú thế giới đã dừng lại và ước tính có khoảng 460 tỷ phú sắp chuyển giao cho thế hệ thừa kế của họ đến 2.100 tỷ USD - tương đương GDP của Ấn Độ hay số tiền đã bị xóa khỏi thị trường thế giới hoảng loạn sau khi người dân Anh bỏ phiếu chọn Brexit. Ước tính có 40% số tỷ phú thế giới đã ở độ tuổi 70 và có thể chuyển giao tài sản từ nay đến năm 2040, trong đó đến 48% các tỷ phú Hoa Kỳ (nắm giữ tài sản 1.100 tỷ USD), 50% các tỷ phú châu Âu (600 tỷ USD) và 20% các tỷ phú châu Á (300 tỷ USD). Đây là đợt chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử và lần đầu tiên tài sản cực lớn như vậy được chuyển giao cho thế hệ thứ 2 trên khắp thế giới cùng lúc, đặc biệt tại phần lớn các nền kinh tế trẻ ở châu Á, nơi có đến 85% số tỷ phú giàu từ tay trắng.

 Đợt chuyển giao tài sản cực lớn sắp tới này đặt ra vô số nguy cơ thổi bay tài sản. Những người thừa kế thường quan tâm các hoạt động từ thiện hoặc theo đuổi đam mê riêng hơn duy trì hoạt động kinh doanh hay kỳ vọng gia đình. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 70% số người thừa kế tỷ phú thế hệ thứ 2 sẽ bị mất tài sản, trong lúc 20% nữa tiếp tục mất tài sản ở thế hệ thứ 3. Điều gì sẽ xảy ra với tài sản cực lớn các tỷ phú sắp chuyển giao là mối quan tâm. "Tài sản có thể thực sự phù du. Lập kế hoạch là hoàn toàn cần thiết. Khi chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ khó giữ hơn. Vấn đề là họ có được chuẩn bị. Những người giàu mới của châu Á có thể học hỏi từ các tỷ phú ở những thị trường phát triển như châu Âu, đặc biệt Đức và Thụy Sĩ, vốn rất giỏi quản lý tài sản chuyển giao qua các thế hệ" - theo Michael Ryan, Giám đốc chiến lược đầu tư của UBS Wealth Management Americas.

Các tin khác