Thái Lan - Nguy cơ suy thoái kinh tế

(ĐTTCO) - Từ một nước nông nghiệp trở thành một đầu tàu kinh tế của khu vực, quá trình phát triển mạnh mẽ của Thái Lan có đóng góp không nhỏ của Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, người vừa băng hà sau 70 năm trị vì. Theo giới quan sát, sự mất mát to lớn của người dân Thái Lan là thách thức rất lớn với kinh tế nước này. Giai đoạn kế vị đầy bất trắc có thể khiến kinh tế Thái Lan lâm vào suy thoái.

(ĐTTCO) - Từ một nước nông nghiệp trở thành một đầu tàu kinh tế của khu vực, quá trình phát triển mạnh mẽ của Thái Lan có đóng góp không nhỏ của Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, người vừa băng hà sau 70 năm trị vì. Theo giới quan sát, sự mất mát to lớn của người dân Thái Lan là thách thức rất lớn với kinh tế nước này. Giai đoạn kế vị đầy bất trắc có thể khiến kinh tế Thái Lan lâm vào suy thoái.

Vua Adulyadej rất được sùng kính và là một hình tượng mang lại sự thống nhất quan trọng đối với Thái Lan. Các chuyên gia lo ngại sự ra đi của ông khiến các căng thẳng chính trị trước đây trở lại, kìm hãm tăng trưởng Thái Lan. Đây là điều rất tồi tệ cho quốc gia Đông Nam Á này, vốn đang trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn, tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn khu vực. Trước khi Vua Adulyadej băng hà, trong lúc Chính phủ Thái Lan hy vọng tăng trưởng sẽ đạt mức 3%, Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ đưa ra con số 2%, thấp hơn hẳn so với mức 2,8% năm ngoái. Đầu tư nước ngoài vào Thái Lan năm 2015 cũng giảm đến 90%.

Các nhà phân tích của Văn phòng Tư vấn The Economist Intelligence Unit dự báo kinh tế Thái Lan sẽ chững lại trong 1 năm, trước mắt sức mua trong nước sẽ giảm mạnh những tuần tới. Và du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất, trong bối cảnh không khí bạo lực có thể trở lại. Du lịch là con gà đẻ trứng vàng của Thái Lan, chiếm tới 10% GDP, thậm chí tới hơn 20%, nếu tính cả các thu nhập gián tiếp. Năm ngoái, quốc gia 65 triệu dân này đón đến 33 triệu lượt khách du lịch.

Người dân Thái Lan đau buồn khi nghe tin nhà vua băng hà.
Người dân Thái Lan đau buồn khi nghe tin nhà vua băng hà.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, rất quan tâm đến những diễn biến sắp tới với nền kinh tế Thái Lan. Quốc gia này hiện có khoảng 4.500 công ty đang làm việc tại Thái Lan. Kinh tế Thái Lan suy thoái sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản đã thông báo sẽ trợ giúp các công ty nước này đang làm ăn tại Thái Lan nếu kinh tế Thái Lan rơi vào suy thoái.

Các doanh nghiệp Nhật cũng lo lắng sẽ phải ngừng sản xuất trong thời gian nhân viên người Thái để tang, và phải ngừng giới thiệu các sản phẩm mới, để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, theo tập quán. Tuy nhiên, để giảm bớt các áp lực đối với nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, chính quyền quân sự bất ngờ ra quyết định không áp đặt các quy định cấm trong thời gian để tang nhà vua, điều từng khiến các doanh nghiệp rất lo ngại. Tất cả doanh nghiệp trên toàn quốc vẫn hoạt động bình thường.

Nhà phân tích chứng khoán Jeffrey Halley, làm việc cho Công ty Oanda, dự đoán để trấn an giới đầu tư, chính phủ Thái Lan có thể sẽ triển hạn cầm quyền thêm ít nhất 1 năm nữa để bảo đảm ổn định chính trị. Theo các chuyên gia về Thái Lan, điểm then chốt trong tương lai chính trị của quốc gia này là thế cân bằng trong quan hệ giữa hoàng gia và quân đội, với vai trò trụ cột của vị quốc vương rất được sùng kính. Sự cân bằng nay đã mất đi khi Vua Adulyadej băng hà. Uy thế của Hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, vẫn còn là một dấu hỏi. Đặc biệt, ông Vajiralongkorn không được Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda, người được coi là cố vấn số 1 của Vua Adulyadej, dành nhiều thiện cảm. Vài giờ sau khi người dân Thái Lan nhận hung tin, Hoàng thái tử Vajiralongkorn đã đề nghị hoãn thời gian đăng quang. Hiện chưa có bất cứ quyết định nào về thời gian chuyển tiếp quyền lực và Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda sẽ đảm nhiệm vai trò nhiếp chính.

Các tin khác