TCC kinh tế: Tiếp tục hay thay đổi cách làm?

(ĐTTCO) - Việc tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế phát sinh từ việc duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là duy trì một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch - tập trung cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, thâm dụng lao động kỹ năng thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Vậy để TCC hiệu quả, phải thực hiện ra sao?

(ĐTTCO) - Việc tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế phát sinh từ việc duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là duy trì một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch - tập trung cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, thâm dụng lao động kỹ năng thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Vậy để TCC hiệu quả, phải thực hiện ra sao?

Khả năng tụt hậu xa hơn

30 năm - quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển - nền kinh tế nước ta vẫn ở đẳng cấp phát triển thấp, dựa chủ yếu vào các ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, với hơn 80% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp. Vì lẽ đó, cho dù đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm cao thứ nhì thế giới trong giai đoạn 1990-2015 (chỉ sau Trung Quốc), với xuất phát điểm thấp, sau 30 năm nước ta cũng mới chỉ “thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp”. Khả năng tụt hậu và tụt hậu xa hơn đã chuyển từ nguy cơ lớn thành hiện thực ngày càng rõ. 

Thời gian qua, dù Việt Nam có đạt được mức tăng năng suất lao động rất ấn tượng, nhưng do điểm xuất phát thấp, nên dù có tăng trưởng tiếp tục cao như vậy 20 năm nữa, Việt Nam mới chỉ bằng mức thu nhập bình quân của Malaysia hiện nay. Và theo báo cáo của ADB về “ASEAN 2050”, trong điều kiện tốt nhất, kinh tế Việt Nam vào giữa thế kỷ này mới gần bằng mức trung bình thế giới. Sau đó, mới có thể đạt bằng trình độ các nước có thu nhập cao.

Báo cáo của WB-MPI: Việt Nam 2035

Hội nhập quốc tế - với sự kiện đánh dấu là Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 - trở thành phép thử, đủ hiệu nghiệm để đẩy nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng chỉ sau vài năm. Những nỗ lực vật lộn để đạt được các thành tích ngắn hạn che lấp tầm nhìn dài hạn, hướng tới thời đại công nghệ cao và hội nhập quốc tế.

 Cách tiếp cận TCC và đổi mới mô hình tăng trưởng gợi nhớ đến tư duy đổi mới năm 1986 mang tính sống còn, cũng với khẩu hiệu “nhìn thẳng vào sự thật và nói sự thật” và quyết tâm hành động quyết liệt. Với kinh nghiệm thành công của Đổi mới, khi công cuộc TCC được khởi động, cả xã hội đều lạc quan tin rằng quá trình TCC sẽ thành công, cũng nhanh chóng và ngoạn mục như đổi mới trước đây, rằng chỉ cần 2-3 năm là sẽ cơ bản giải quyết “3 tuyến đột phá” - nợ xấu ngân hàng, TCC DNNN (trọng tâm là cổ phần hóa), thay đổi cơ chế đầu tư công. Nhưng thực tế khác xa như vậy. Vì sao? Phải chăng là có vấn đề trong tư duy, cách tiếp cận hay động lực thay đổi. Thay vì hướng triệt để tới mô hình tăng trưởng mới về nguyên tắc, nỗ lực TCC là để giữ lại mô hình cũ trên thực tế, hay cách TCC “có vấn đề"? Đây thực sự là những câu hỏi lớn, cấp bách phải trả lời.

Đẳng cấp nền kinh tế và sức ép hội nhập

5 năm vừa qua nước ta vật lộn với TCC, cũng là 5 năm khó khăn nhất trong 30 năm qua. Quá trình TCC diễn ra dường như thiếu động lực thúc đẩy, niềm tin và sự lạc quan, hào hứng như thời Đổi mới. Kết quả là TCC tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng. Cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, vẫn lấy “xin - cho” làm trụ, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh. Hệ thống ngân hàng đã trụ được qua cơn sóng gió, song cục máu đông - nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng nợ xấu còn tăng lên. Hệ thống ngân hàng đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng, song đang rất yếu, đang vận hành trên một nền tảng rất thiếu vững chắc. 

Công cuộc đổi mới 30 năm qua, tạm gọi là Đổi mới lần 1 đã tạo nhiều kỳ tích nhờ thắng được sức ì của trì trệ thời bao cấp, vượt lên thói quen ỷ lại, dựa dẫm của cơ chế (bao cấp cả lương thực và tư tưởng, thể chế, ban phát từ “trên”). Đến nay các tác động tốt đẹp đó dường như đã hết tác động, đòi hỏi có cuộc Đổi mới lần 2. Nếu nói gọn lại, nền kinh tế phải tiến sang thị trường hiện đại và hội nhập theo hướng phát triển bền vững.

GS. Nguyễn Quang Thái, Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam

Trong khi đó, hệ thống doanh nghiệp nhìn chung là yếu, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân: thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh. Cho đến nay Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít DNNN, song thực chất TCC thông qua cổ phần hóa - phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng đạt được không đáng kể, chỉ khoảng 10-15% tổng số vốn của các DNNN được cổ phần hóa. Đó thực sự là một tỷ lệ quá ít ỏi để thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp, yếu tố cốt lõi để cải thiện căn bản hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

 Kết quả TCC khiêm tốn cũng có nghĩa mô hình tăng trưởng không thay đổi được bao nhiêu. Từ đó nảy sinh câu hỏi: Phương cách TCC của 5 năm qua hợp lý đến mức nào? Nếu phương cách đó là đúng, vấn đề ở đâu? Đây cũng là nhiệm vụ phải giải quyết hiện nay, nếu không, khó có thể thúc đẩy quá trình TCC trong giai đoạn tới mạnh mẽ và đúng hướng.

Bối cảnh phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam rất khác. Hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất. Chỉ trong năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và đi vào thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có trình độ rất cao. Nhiều đối tác trong các FTA là những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, 27 nền kinh tế EU, Nga và Hàn Quốc. Các điều khoản cam kết của các hiệp định đều đòi hỏi về trình độ và tiêu chuẩn rất cao, điều kiện thực thi rất nghiêm ngặt. Vì vậy, Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực của mình mới bám vào được các cấu trúc hội nhập. Nghĩa là, nước ta phải ráo riết TCC, nhưng là TCC theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy, nền kinh tế nước ta mới tránh khỏi lặp lại tình thế hậu WTO, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên.

Mô hình kinh tế lâu nay quá chú trọng thâm dụng lao động kỹ năng thấp. Ảnh: LONG THANH

Mô hình kinh tế lâu nay quá chú trọng thâm dụng lao động kỹ năng thấp. Ảnh: LONG THANH

Đột phá tư duy, cải cách triệt để

Một yếu tố đặc biệt quan trọng, có tác động rất mạnh đến tư duy và định hướng TCC kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới là triển vọng nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong bất ổn, để đạt được trạng thái tăng trưởng bình thường thì “hạ cánh”, là điều không tránh khỏi. Nhưng hạ cánh “cứng” hay “mềm”? Vấn đề này đang là một ẩn số lớn. Trung Quốc đang nỗ lực tối đa để nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng thay đổi mạnh mẽ cấu trúc và các quan hệ quốc tế của nền kinh tế khổng lồ. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những chấn động cơ cấu lớn cho cả thế giới. Việt Nam gần kề Trung Quốc, đang bị lệ thuộc khá nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, lại đang trong giai đoạn khó khăn, sẽ chịu tác động rất mạnh từ cú “hạ cánh” của Trung Quốc. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm sao để giảm thiểu tác động gây sốc từ cú hạ cánh của nền kinh tế Trung Quốc.

Mặt khác, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào vận hành đã và đang tác động rất mạnh đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của AEC là hình thành “một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất”, nhưng công cụ thực hiện vẫn chủ yếu dựa trên nguyên lý sức mạnh cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên, của các tập đoàn doanh nghiệp. Trong cuộc đua tranh chiến lược này, Việt Nam đang bị kém thế trên nhiều phương diện.

Những vấn đề nói trên đều hàm nghĩa sự cần thiết phải tư duy lại vấn đề TCC và đổi mới mô hình tăng trưởng, và cần thiết xây dựng một chương trình TCC toàn diện và mô hình tăng trưởng mới. Đó phải là một sự thay đổi tư duy phát triển triệt để, theo logic của một cuộc Đổi mới lần 2, được dẫn dắt bởi một tầm nhìn phát triển mới, tầm nhìn thời đại, bảo đảm nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc bên ngoài và hội nhập được với thế giới. 

Các tin khác