Cảm hứng Tây Nguyên

(ĐTTCO) - Tây nguyên luôn có sức quyến rũ lạ thường bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ và kỳ bí. Vùng không gian văn hóa cồng chiêng và sử thi này cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị...

(ĐTTCO) - Tây nguyên luôn có sức quyến rũ lạ thường bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ và kỳ bí. Vùng không gian văn hóa cồng chiêng và sử thi này cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị...

Vùng đất giàu tiềm năng

Tây nguyên là vùng đất rộng lớn bao gồm nhiều cao nguyên nằm liền kề nhau hợp thành ở phía Tây miền Trung nước ta. Từ nửa cuối thế kỷ 15, khi vua Lê Thánh Tông thân chinh phương Nam, vùng đất hoang hóa này trở thành một phần của Đại Việt, dưới cái tên tiểu quốc Nam Bàn. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử, mãi cho tới thế kỷ 20, vùng cao nguyên được vua Bảo Đại đặt tên Hoàng Triều Cương Thổ mới thực sự được quan tâm khai thác. Đây cũng là chiến trường trọng yếu trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nơi xuất phát cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Hiện nay, Tây nguyên bao gồm 5 tỉnh, thứ tự từ Bắc xuống Nam: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, trong đó có 4 tỉnh (trừ Lâm Đồng) giáp giới với Lào và Campuchia. Điều đặc biệt tổng dân số chỉ hơn 5,3 triệu người nhưng Tây nguyên lại có gần 50 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Kinh, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Kơ Ho, Xơ Đăng, Tày, Nùng, Mường, Mán, Cơ Tu, Châu Mạ, Chu Ru, Hơ Roi, Giẻ Triêng…

Phần lớn các dân tộc thiểu số nơi đây đã chuyển từ đời sống du canh du cư sang định canh định cư, gắn liền với việc phát triển mạnh trồng cây công nghiệp lâu năm, bên cạnh những cây nông nghiệp truyền thống. Giàu tài nguyên và khoáng sản, trước hết là thổ nhưỡng đất đỏ bazan màu mỡ với 2 triệu ha, giúp Tây nguyên có thể trồng, chế biến sản phẩm từ các loại cây công nghiệp để xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, chè, dâu tằm… Nếu như trước đây cây cà phê vốn độc tôn làm nên thương hiệu cho Tây nguyên, giờ đây cây cao su đang phát triển mạnh, chỉ đứng hàng thứ hai cả nước sau Đông Nam bộ. Cà phê và cao su là 2 loại cây đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần quan trọng giúp người dân Tây nguyên thoát khỏi nghèo khó, biến vùng đất này ngày càng trở nên trù phú…

Điểm qua vài nét để thấy Tây nguyên là vùng đất mới giàu tiềm năng nhưng cũng rất phức tạp, nhất là về dân cư. Vùng cao nguyên này cũng có vị thế chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Tây nguyên bây giờ không còn biệt lập, mà “nối mạng” khắp cả nước nhờ hệ thống giao thông đường bộ và hàng không ngày càng hoàn chỉnh.

Già làng bên bếp lửa kể chuyện sử thi. Ảnh: Hoàng Quốc Tuấn
Già làng bên bếp lửa kể chuyện sử thi. Ảnh: Hoàng Quốc Tuấn

Khơi nguồn sáng tạo

Lịch sử còn cho thấy, thiên nhiên và con người Tây nguyên đã dựng nên không gian văn hóa cồng chiêng huyền thoại được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại từ năm 2005. Đây cũng là nôi của sử thi, tiêu biểu nhất là bản anh hùng ca Đam San được truyền khẩu lâu đời. Nền văn hóa truyền thống cùng với thắng cảnh Tây nguyên cũng là một tiềm năng đầy hấp dẫn cho du khách bốn phương đến khám phá, nghiên cứu.

Tây nguyên luôn giàu sức sống và sáng tạo. Bên cạnh những người con của các dân tộc bản địa, từ khi đất nước còn chiến tranh, nhiều văn nghệ sĩ cả nước, nhất là từ duyên hải miền Trung đã lên Tây nguyên bám trụ sống và chiến đấu. Vẻ đẹp Tây nguyên không chỉ chinh phục họ mà còn trở thành nguồn cảm hứng để họ viết nên nhiều tác phẩm có giá trị. Nhà văn Nguyên Ngọc viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên, xoay quanh huyền thoại anh hùng Núp. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dệt nên tình khúc Bóng cây Kơnia phổ thơ Ngọc Anh. Nhà thơ Thu Bồn viết Bài ca chim Chơrao cùng nhiều trường ca khác. Nhạc sĩ Nguyễn Lai sáng tác hàng loạt bản khí nhạc mê đắm, được tôn vinh là nhạc sĩ số 1 của Tây nguyên…

Hoàng hôn hồ Lăk ở Buôn Mê Thuột. Ảnh: Hoàng Quốc Tuấn
Hoàng hôn hồ Lăk ở Buôn Mê Thuột. Ảnh: Hoàng Quốc Tuấn

Và chính cuộc sống gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng phong phú ở vùng đất này đã giúp nhiều nhà văn về sau tiếp tục sáng tác các tác phẩm được dư luận đánh giá cao như: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Tiếng khóc của nàng Út của Nguyễn Chí Trung, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Đối chiến của Khuất Quang Thụy... Cái nắng cái gió Tây nguyên còn quyến rũ 2 chàng nhạc sĩ Hà Nội là Trần Tiến và Nguyễn Cường về sống và sáng tác. Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã gắn bó thời gian dài và sáng tác hàng trăm tác phẩm âm nhạc, từ ca khúc đến khí nhạc, đến nỗi nhiều người cứ ngỡ Nguyễn Cường là… người bản địa cao nguyên.

Với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ và kỳ bí, Tây nguyên còn là một trong những thiên đường cho giới nhiếp ảnh nghệ thuật. Nhiều lần lên đây săn tìm cái đẹp, nghệ sĩ bậc thầy Hoàng Quốc Tuấn đã ghi lại không ít khoảnh khắc làm mê đắm lòng người. Tây nguyên qua ống kính của ông không chỉ hùng vĩ mà còn thơ mộng. Giữa núi non trùng điệp xanh thẳm, những vạt lau trắng khi như những ngọn cờ phơ phất trời xanh, khi như đoàn quân chỉnh tề giáo gươm sẵn sàng xung trận. Núi non uy nghi, sông hồ thì trầm mặc, thân thiện nuôi sống con người. Đặc biệt trong một hoàng hôn hồ Lăk nổi tiếng ở Buôn Mê Thuột, Hoàng Quốc Tuấn đã chộp nên một bức ảnh độc đáo như tranh thủy mặc với 2 gam màu nóng lạnh tương phản.

Chẳng những sự hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên, mà khối óc và bàn tay con người cũng góp phần vừa lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống vừa làm thay đổi diện mạo Tây nguyên. Một người phụ nữ cao niên đang trầm tư bên những cái ché và con chó nhỏ, như cố lưu giữ các báu vật cổ truyền. Những người công nhân đang lao động cật lực giữa mù sương trên công trường xây dựng lưới điện tải cao thế Bắc Nam, mang ánh sáng đến cho bản làng rừng núi.

Và bên cạnh những cái hay cái đẹp, ngày nay nói tới Tây nguyên mọi người không thể quên tệ nạn phá rừng vì những cái lợi tức thời trước mắt. Ngọn lửa cháy rừng gây đau xót và nuối tiếc cho một bà lão mù, qua ống kính Hoàng Quốc Tuấn, phát đi một thông điệp cảnh tỉnh mạnh mẽ về mối hiểm họa đang đe dọa môi trường sống không chỉ riêng vùng đất này.

Hãy lưu giữ và bảo vệ sức sống kỳ vĩ của Tây nguyên.

Các tin khác