BCI đổi thời chưa đổi vận

(ĐTTCO) - Sau khi trở thành công ty con của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), cổ đông và NĐT đang nắm giữ CP của CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) kỳ vọng về sự lột xác của doanh nghiệp sau thời gian dài “giậm chân tại chỗ”. Thế nhưng, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng, bởi BCI vẫn còn quá nhiều vấn đề.

(ĐTTCO) - Sau khi trở thành công ty con của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), cổ đông và NĐT đang nắm giữ CP của CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) kỳ vọng về sự lột xác của doanh nghiệp sau thời gian dài “giậm chân tại chỗ”. Thế nhưng, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng, bởi BCI vẫn còn quá nhiều vấn đề.

Chậm triển khai dự án

Thời điểm KDH tiến hành thâu tóm BCI, giới đầu tư cho rằng KDH đang “dòm ngó” đến quỹ đất sạch khổng lồ doanh nghiệp này đang sở hữu. Cụ thể, BCI có quỹ đất sạch tổng diện tích lên đến 360ha, trong đó trên 60% là quỹ đất sạch tại các khu vực có tiềm năng lớn trong dài hạn phía Tây của TPHCM. Bên cạnh đó, BCI còn được đánh giá cao khi sở hữu diện tích đất khu công nghiệp tương đối lớn (khoảng 100ha).  

CP BCI có đợt tăng mạnh từ mức giá 17.000 đồng/CP (giữa năm 2015) lên hơn 26.000 đồng/CP (giữa năm 2016) sau thông tin KDH nâng tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý II, CP BCI đã giảm xuống chỉ còn 22.500 đồng/CP.

Theo phân tích của CTCK Rồng Việt, BCI là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tương đối thấp nhờ mua lại quỹ đất với giá thấp, qua đó có khả năng tài chính trong dài hạn để phát triển các dự án. Trong khi đó, KDH là NĐT bất động sản có tên tuổi và khá thành công ở khu vực phía Đông TPHCM. Tuy nhiên, giá đất ở quận 2 và quận 9 đang tăng nhanh khiến chi phí để KDH mở rộng quỹ đất ở những khu vực này ngày càng cao, nên BCI trở thành mục tiêu thâu tóm của KDH.

 KDH hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu tại BCI lên 57,31% (tương đương 49,7 triệu CP) sau khi đã mua vào thêm 32 triệu CP vào ngày 3-12-2015. Trước khi KDH trở thành cổ đông lớn của BCI, cơ cấu cổ đông của BCI khá cô đặc, tạo thành thế chân kiềng khiến BCI không linh hoạt trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Chính vì vậy, với sự góp mặt của các thành viên KDH, giới đầu tư nhận định KDH sẽ vực dậy BCI sau thời gian dài “ngủ quên”.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của NĐT đã không trở thành hiện thực khi tình hình kinh doanh của BCI vẫn không có tiến triển, thậm chí còn có dấu hiệu thụt lùi. Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét quý II-2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của BCI mới chỉ đạt lần lượt 24% và 20% kế hoạch đề ra cả năm, tương ứng 100 tỷ đồng doanh thu và 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo lý giải của BCI, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này do doanh nghiệp chậm triển khai các dự án trọng điểm khu vực huyện Bình Chánh, doanh thu chủ yếu vẫn chỉ đến từ hoạt động thuê đất và kinh doanh dịch vụ khu công nghiệp Lê Minh Xuân.

Khó về đích

Dự báo tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2016, BCI cho biết doanh thu từ mảng bất động sản nhà ở, khu công nghiệp vẫn chưa sáng sủa do vẫn vướng các thủ tục pháp lý. Với tỷ lệ sở hữu tại Big C An Lạc tiếp tục duy trì ở mức 20%, lợi nhuận từ công ty liên kết này được kỳ vọng có thể ghi nhận kết quả tốt hơn vào thời điểm cuối năm do tính chất mùa vụ. Big C An Lạc, liên doanh giữa BCI và Tập đoàn Casino (Pháp), là chủ đầu tư hệ thống Big C tại TPHCM.

Các năm qua, liên doanh này đều mang lại lợi nhuận đều đặn từ 30-40 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, BCI cũng không quá khả quan do đây vẫn là giai đoạn đầu tái cấu trúc hoạt động của Big C Việt Nam. Đối với các khoản lợi nhuận đột biến được NĐT kỳ vọng có thể đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh 2016 (tương tự năm 2015) như lợi nhuận từ việc bán đất 2 lô 158 An Dương Vương và 510 Kinh Dương Vương, nhưng BCI cũng cho biết chưa có kế hoạch cụ thể. Do đó BCI sẽ rất khó để hoàn thành được kế hoạch đề ra cho năm 2016.

Theo nhận định của CTCK VietinBank, với sự tham gia vào ban quản trị của KDH, BCI sẽ có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy các dự án mới nhằm đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, cũng phải mất thêm 2-3 năm nữa triển vọng đóng góp doanh thu từ các dự án này nói riêng và hoạt động kinh doanh chung của toàn công ty mới thực sự rõ ràng. Bên cạnh đó, rủi ro gia tăng chi phí đầu tư dự án do thời gian kéo dài dẫn đến doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh giá bán, nhưng với phân khúc định hướng là trung bình và thấp, điều này không dễ dàng. Thực tế, mặt bằng giá nhà ở tại khu vực này tương đối thấp so với các khu vực khác của TPHCM nên việc nghiên cứu đưa ra một chiến lược đầu tư hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải gánh khoản lỗ khá lớn khi giá bán không thể bù đắp được chi phí giá vốn tăng cao. Riêng trong năm 2017, theo kế hoạch ban đầu BCI dự kiến sẽ bắt đầu thu được tiền từ các dự án thuộc khu vực huyện Bình Chánh. Điển hình là An Lạc Plaza và Corona City. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các dự án này vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực do vướng các thủ tục pháp lý. Nếu không được giải quyết sớm, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh doanh trong năm tới của BCI.

Các tin khác