Ngành du lịch: Tụt hậu, kém sức cạnh tranh

(ĐTTCO) - Đề án phát triển du lịch Việt Nam định hướng đến năm 2020 xác định du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Thế nhưng, thực tế lại đang quá ngổn ngang và khoảng thời gian còn lại 4 năm có đủ để vươn tầm?

(ĐTTCO) - Đề án phát triển du lịch Việt Nam định hướng đến năm 2020 xác định du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Thế nhưng, thực tế lại đang quá ngổn ngang và khoảng thời gian còn lại 4 năm có đủ để vươn tầm?

Tham vọng lớn

Mục tiêu cụ thể của đề án phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn là đến năm 2020 sẽ thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế. Trong giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng bình quân 12-14%/năm, đóng góp 9-10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 29-32,5 tỷ USD, tăng trưởng 14-16%; tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có 1,02 triệu việc làm trực tiếp. Về dịch vụ lưu trú du lịch, tổng số buồng lưu trú 600.000 buồng, trong đó 30-35% đạt chuẩn 3-5 sao.  

Phải hành xử với du lịch như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật phổ quát của nền kinh tế thị trường, có thể chế, chính sách vượt trội mới thành mũi nhọn. Còn nếu các bộ, ngành nói quản lý vướng chính sách  thì sẽ tắc.

Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ

Để đạt được những mục tiêu nói trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng ngành du lịch cần khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh; tăng cường giao thông quốc tế và nội địa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường quản lý điểm đến bền vững và tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, liên vùng.

 Góp ý cho đề án, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khi đề án được hoàn thiện và thực hiện phải giải quyết được các bất cập hiện nay nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc cấp thị thực (visa), tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa; đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư vào ngành du lịch (về đất đai, thuế, giá điện, giá nước…); nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa-du lịch; xóa bỏ nạn cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường…

Cho đến nay để góp phần thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam đã thực hiện một số chính sách như gia hạn miễn visa cho khách thuộc 5 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia. Theo đó, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, du khách của các quốc gia này sẽ được miễn visa trong thời gian 15 ngày lưu trú  kể từ ngày nhập cảnh. Quy định sẽ có hiệu lực đến hết ngày 30-7-2017. Đây là lần thứ hai liên tiếp, Chính phủ thông qua nghị quyết miễn visa cho du khách đến từ 5 quốc gia Tây Âu. Trước đó, quy định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 đến hết ngày 30-6-2016. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 6 tháng đầu năm 2016, du khách đến từ Anh tăng 24,6%, Pháp tăng 13,8%, Đức tăng 17,1%, Tây Ban Nha tăng 22,7%, Italia tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, để có thể làm tốt hơn công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, Bộ VH-TT-DL cũng đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng nguồn vốn của quỹ trên. Nhà nước sẽ cấp vốn ban đầu để hình thành quỹ 300 tỷ đồng. Bên cạnh còn có các khoản thu từ các chủ thể được hưởng lợi từ hoạt động du lịch và các nguồn xã hội hóa khác. Song, trước khi thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ phải tăng ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Theo đó sẽ tăng từ 40 tỷ đồng hiện nay lên khoảng 120 tỷ đồng năm 2017, đảm bảo ngân sách xúc tiến du lịch quốc gia đạt tối thiểu 300 tỷ đồng khi thành lập quỹ này, tiến tới giảm dần khoảng cách so với các nước trong khu vực.

6 nỗi sợ du lịch Việt Nam

Khi được hỏi về tính khả thi của dự thảo đề án phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng dự án thật khó để thành công. Bởi để thành công cần có sự chuẩn bị và đầu tư bài bản, trong khi thời gian chỉ còn có 4 năm với quá nhiều việc cần thực hiện, như đào tạo nhân sự, đầu tư nguồn lực tài chính… Trước hết cần phải xóa bỏ những nỗi sợ hãi của khách du lịch khi đến Việt Nam.  

Tư duy, cách thức hoạch định chính sách phát triển du lịch Việt Nam còn lạc hậu, quản lý mang nặng tính bao cấp, chưa theo kịp với mức độ tự do hóa thị trường. Trong khi đó, ngành du lịch cần phân cấp, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững. Điều này cho thấy các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường chưa được tôn trọng và khai thác hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Còn nhớ vào khoảng giữa tháng 6 năm ngoái, trong một buổi trao đổi về vấn đề khách quốc tế sụt giảm kéo dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết qua thăm dò ý kiến có thể thấy khách du lịch đến Việt Nam có 6 “nỗi sợ”. Thứ nhất, sợ tình trạng làm giá, chặt chém. Thứ hai, sợ giao thông Việt Nam. Thứ ba, sợ tình trạng ăn xin, ăn cắp vặt. Thứ tư, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi họ trực tiếp thấy cảnh hàng quán bày bán khắp vỉa hè, đường phố. Thứ năm, sợ về môi trường ở Việt Nam, từ rác thải đến nhà vệ sinh. Thứ sáu, vẫn còn những người thể hiện sự thiếu tôn trọng khách du lịch. Đến nay sau hơn 1 năm, những nỗi sợ đó vẫn hiển hiện trong mỗi du khách quốc tế vì tình hình không hề có chuyển biến nào đáng kể. Vậy liệu sau 4 năm nữa mọi thứ có thay đổi, chúng ta có xóa bỏ được những điều này vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời. Từ những việc nhỏ chưa xong liệu hành trình thành ngành kinh tế mũi nhọn có dễ dàng.

 Thêm một câu chuyện khác rất quan trọng để phát triển du lịch đó là tính liên kết, nhưng ở Việt Nam lại thiếu trầm trọng. Du lịch liên quan đến nhiều ngành, nhưng khi xây dựng chính sách liên quan đến bộ nào, bộ đó lại đưa ra những chính sách khác, chủ yếu là rào cản, nên không thể có một chính sách đồng bộ cho du lịch phát triển. Câu chuyện visa cho khách Hoa Kỳ mới đây là một thí dụ điển hình. Trong khi cơ quan xuất nhập cảnh áp dụng visa dài dạn 1 năm, đi lại nhiều lần với lệ phí 135USD cho tất cả du khách Hoa Kỳ đến Việt Nam thay vì để khách có thể chọn visa ngắn hạn, đi 1 lần với lệ phí 25USD như trước đây. Thế nhưng ngành du lịch không hề biết trước, các công ty du lịch như ngồi trên lửa với những hợp đồng đã ký. Rồi vấn đề nhân lực trong ngành, vẫn luôn là bài toán đau đầu khi đa số nhân sự còn yếu về trình độ ngoại ngữ. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nằm trong cơn khát nhân lực quản lý trung và cao cấp.

Khách du lịch đến Việt Nam ngại nhất tình trạng chèo kéo, mời mua hàng thiếu tôn trọng. Ảnh: LONG THANH

Khách du lịch đến Việt Nam ngại nhất tình trạng chèo kéo,
mời mua hàng thiếu tôn trọng. Ảnh: LONG THANH

Thua các nước lân cận

Dự thảo đề án đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là quốc gia có ngành du lịch phát triển. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và chỉ xếp trên các nước Lào, Campuchia, Myanmar. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 27% của Thái Lan, 31% của Malaysia, 52% của Singapore. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam cũng không cao, bình quân 7% trong giai đoạn 2011-2015, trong khi ở Thái Lan và Singapore lần lượt 12% và 10%. So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).

Lâu nay việc chúng ta thua những nước như Thái Lan, Singapore hay Malaysia… cũng không phải điều quá ngạc nhiên, dù Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch, có nhiều di sản thiên nhiên. Thế nhưng việc thua cả Lào, Campuchia thực sự đang trở thành điều đáng báo động, bởi ngành du lịch của Lào và Campuchia xuất phát chậm hơn Việt Nam khá nhiều. Lào, Campuchia hiện đang thực hiện khá nhiều chính sách thu hút du khách quốc tế. Cụ thể, Campuchia đã miễn thị thực cho 25 quốc gia, Lào miễn thị thực cho công dân của khoảng 40 quốc gia, trong khi ta chỉ mới miễn thị thực cho khoảng 22 quốc gia, trong đó có 9 nước ASEAN. Campuchia áp dụng hình thức xin visa online (E-visa) gọn nhẹ dành cho hầu hết công dân các quốc gia trên thế giới. Lào áp dụng E-visa và thị thực tại cửa khẩu cho 150 quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam mới dự định áp dụng thị thực điện tử từ ngày 1-1-2017.

Về môi trường du lịch an toàn, sạch sẽ Việt Nam lại đang thua Lào. Ở Campuchia không có nạn chèo kéo du khách và đặc biệt khách du lịch không lo bị chặt chém. Tất cả những điểm trừ của du lịch Việt Nam đang đẩy du khách quốc tế sang các nước láng giềng trong khu vực ASEAN, du khách thường đến 1 lần và không muốn quay lại. Để giải quyết chỉ còn cách làm sao để khách đến dễ dàng và ở dễ chịu. Nhưng để làm được 2 việc này thoạt nghe có vẻ dễ lại không hề đơn giản.

Tăng cường liên kết vùng, miền

PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và phát triển bền vững

 Du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch không chỉ nằm trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương.

Sự cần thiết và những bất cập

Vấn đề liên kết vùng nói chung và liên kết phát triển vùng du lịch nói riêng đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Trung ương từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đến nay. Hiện Việt Nam có 9 vùng kinh tế-xã hội và 4 vùng kinh tế trọng điểm. Việc liên kết phát triển vùng du lịch cho phép khai thác những lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch, về vị trí trong giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác của vùng nói chung và của các địa phương trong vùng tham gia liên kết để phát triển du lịch của vùng. Việc liên kết phát triển du lịch vùng còn tạo nên khả năng cạnh tranh cao hơn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến vùng du lịch có tư cách là một điểm đến thống nhất. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường khi yếu tố cạnh tranh ngày một trở nên gay gắt giữa các lãnh thổ và giữa các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh hội nhập.

Quy hoạch phát triển du lịch cho một lãnh thổ là việc xác định những định hướng phát triển theo ngành và theo lãnh thổ trên cơ sở khai thác có hiệu quả những lợi thế so sánh của lãnh thổ về vị trí và các nguồn lực phát triển. Những lợi thế này có thể nằm trọn trên một hoặc cùng lúc trên nhiều đơn vị lãnh thổ. Chính vì vậy liên kết chủ thể của từng đơn vị lãnh thổ để thực hiện những mục tiêu phát triển chung rất quan trọng. Liên kết để thực hiện và quản lý quy hoạch phát triển vùng du lịch cũng không nằm ngoài ý nghĩa này. Cụ thể, với các vùng du lịch có tính tương đồng cao về tài nguyên du lịch giữa các địa phương trong vùng, việc liên kết sẽ hạn chế tình trạng manh mún và trùng lặp, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng chung của vùng có quy mô và tính hấp dẫn cao hơn, từ đó nâng cao tính cạnh tranh du lịch. Và khi năng lực cạnh tranh của vùng du lịch được nâng lên, các địa phương trong vùng sẽ có được những lợi ích bền vững, lâu dài.

Lợi ích là vậy nhưng thực tế sự liên kết giữa các địa phương lâu nay còn mang tính hình thức, thiếu thể chế chính sách liên kết vùng. Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc thi hành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư vẫn ở tình trạng mạnh ai nấy làm khiến lợi ích tổng thể về du lịch bị giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong từng vùng du lịch. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cũng thiếu sự phối hợp gây lãng phí nguồn lực và hạn chế đáng kể kết quả. Ngoài ra cho đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch và các dữ liệu liên quan đến phát triển du lịch cấp vùng chưa được xây dựng, đang gây cản trở lớn trong công tác đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch kế hoạch phát triển du lịch theo vùng.

Liên kết vùng là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi biên giới du lịch giữa các địa phương không còn hiện hữu, thay vào đó là điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền. Mỗi vùng có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách. 

Giải pháp liên kết

Để đảm bảo tính liên kết phát triển du lịch theo vùng thực sự có hiệu quả và bền vững cần xem xét một số cơ chế chính sách. Theo đó, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên xem xét và hỗ trợ từ ngân sách đối với các dự án, đề án nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế hàng không, các cảng biển du lịch và hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch cấp quốc gia trong lãnh thổ vùng. Cấp kinh phí đối ứng cho các dự án hợp tác quốc tế về phát triển du lịch ở quy mô cấp vùng và quốc gia.

Về cơ chế vận hành liên kết phát triển du lịch theo vùng, cần thành lập ban điều phối phát triển du lịch cấp vùng ở những vùng đã có ban chỉ đạo Trung ương (Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ). Trưởng ban điều phối phát triển du lịch vùng sẽ là thành viên ban chỉ đạo. Mọi sự hỗ trợ từ Chính phủ sẽ thông qua đầu mối là Ban điều phối phát triển du lịch vùng. Bên cạnh những chính sách trên, một số vấn đề trọng tâm mang tính giải pháp cần được chú trọng, bao gồm tạo kênh đối thoại giữa lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành chức năng có liên quan để thống nhất nhận thức, từ đó có được sự đồng thuận mang tính tự nguyện của chủ thể liên kết, trên cơ sở tầm nhìn về những lợi ích dài hạn khi tham gia liên kết phát triển vùng.

Liên kết du lịch nói chung và phát triển sản phẩm du lịch nói riêng là liên kết hướng tới các mục tiêu kinh tế. Vì vậy nòng cốt của liên kết vùng du lịch phải là doanh nghiệp du lịch với đại diện là hiệp hội du lịch vùng hoặc các địa phương trong vùng. Tuy nhiên phải có sự liên kết giữa chính quyền địa phương, bởi chính họ tạo cơ chế chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch của vùng.

Cần có mô hình liên kết phù hợp với mục tiêu và điều kiện cụ thể của các chủ thể liên quan cho từng giai đoạn phát triển. Cần xác định rõ chức năng riêng dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương trong không gian liên kết vùng với tư cách là điểm đến du lịch chung. Đây chính là cơ sở để có được những phân công hợp lý giữa các địa phương. Cuối cùng, cần có chương trình hành động cụ thể và lộ trình rõ ràng để thực hiện liên kết phát triển vùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của Bộ VH-TT-DL về phát triển hạ tầng du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến điểm đến du lịch vùng.

Các tin khác