Tài sản đảm bảo không phải là “bảo bối”

(ĐTTCO) - Có tài sản đảm bảo giúp doanh nghiệp dễ dàng vay vốn từ NH hơn. Ngược lại, các NH cũng coi tài sản đảm bảo như điều kiện tiên quyết để cho doanh nghiệp, người dân vay vốn, còn việc cho vay tín chấp chỉ là vấn đề hạn hữu hoặc với những món tiền rất nhỏ. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp không thể trả nợ được, “bảo bối” tài sản thế chấp cũng mất linh nghiệm.

(ĐTTCO) - Có tài sản đảm bảo giúp doanh nghiệp dễ dàng vay vốn từ NH hơn. Ngược lại, các NH cũng coi tài sản đảm bảo như điều kiện tiên quyết để cho doanh nghiệp, người dân vay vốn, còn việc cho vay tín chấp chỉ là vấn đề hạn hữu hoặc với những món tiền rất nhỏ. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp không thể trả nợ được, “bảo bối” tài sản thế chấp cũng mất linh nghiệm.

Thích nắm đằng chuôi

Theo quy định, TCTD và khách hàng vay thỏa thuận lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay hoặc bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba. TCTD có quyền lựa chọn tài sản đủ điều kiện để làm bảo đảm tiền vay, hoặc lựa chọn bên thứ ba bảo lãnh bằng tài sản cho khách hàng vay. So với hình thức vay tín chấp, vay thế chấp thường có thời hạn vay tương đối dài, với giá trị lớn (khoảng 60-80% giá trị tài sản đảm bảo). Bên cạnh đó, lãi suất cũng có thể cạnh tranh hơn so với vay tín chấp và được hưởng nhiều chương trình ưu đãi. Thông thường, loại tài sản được doanh nghiệp thế chấp nhiều là bất động sản, có thể vì tính thanh khoản cao hơn những tài sản khác. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể thế chấp bằng hàng tồn kho, máy móc thiết bị.

Trong giai đoạn hiện nay nợ xấu vẫn là gánh nặng đối với nhiều NH và toàn hệ thống, vì vậy chất lượng tín dụng được các NH đặc biệt chú trọng. Theo chia sẻ của phó tổng giám đốc một NH, trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn khó khăn và nhiều rủi ro trong từng lĩnh vực kinh doanh, để đảm bảo hoàn vốn, việc các NHTM yêu cầu có tài sản đảm bảo là hoàn toàn có cơ sở và chính đáng. Tuy nhiên, trong một bình luận gần đây, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), lại cho biết mặc dù đã có rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn do sức khỏe nội tại của doanh nghiệp có nhiều vấn đề. Điển hình như đa phần doanh nghiệp không vay được do không có tài sản đảm bảo, trong khi vay tín chấp gặp những rào cản như thiếu sự minh bạch trong số liệu và tài chính.

Có đảm bảo vẫn ảo

Một trường hợp “thật như đùa” liên quan đến tài sản thế chấp đã xảy ra vào tháng 9 này. Số là vị giám đốc của CTCP Thủy sản Minh Hiếu đã kê khống kho tôm đông lạnh chỉ có 52kg lên… 121 tấn để thế chấp nhiều nhà băng, vay hơn 128 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán. Theo cơ quan điều tra, riêng tại BIDV số nợ hiện nay của Minh Hiếu lên đến 42 tỷ đồng, được xác định "không có khả năng chi trả". Hay như sau khi xét xử đại án Phạm Công Danh tại VNCB, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với chủ cũ của Trustbank là bà Hứa Thị Phấn, nhóm Phú Mỹ và các cá nhân liên quan.

Theo thông tin ban đầu, nhóm bà Phấn vay hàng ngàn tỷ đồng từ chính Trustbank với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng. Trustbank đã định giá những lô đất nông nghiệp với giá cao ngất ngưởng so với giá đất tại thời điểm đó. Ngoài ra, một bất động sản khác cũng đã được định giá từ mức thị trường là 154 tỷ đồng thành 1.200 tỷ đồng để thế chấp NH. Điều này đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho Trustbank trước khi chuyển giao cho ông Phạm Công Danh.

Rõ ràng dù đã có tài sản bảo đảm để thế chấp các khoản vay nhằm “nắm đằng chuôi”, nhưng các NH vẫn phải lận đận để đòi lại vốn cho vay. Thực tế việc thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn vay là điều không dễ dàng với NH. Trong rất nhiều trường hợp, các vụ kiện thanh lý tài sản đảm bảo là bất động sản kéo dài nhiều năm vẫn chưa xong. Việc xử lý nợ xấu chậm chạp của VAMC là một minh chứng rõ ràng đối với vấn đề này. Mặc dù phần lớn nợ xấu VAMC mua đều có tài sản đảm bảo và có giá trị cao hơn giá trị khoản vay, nhưng số nợ được xử lý chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số nợ VAMC đã mua.

Một chuyên gia tài chính cho rằng điều kiện quan trọng nhất trong quyết định cho vay của NH là tính khả thi của phương án trả nợ, tức phương án kinh doanh hoặc dự án của doanh nghiệp trình vay vốn phải có tính khả thi để đảm bảo nguồn thu đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều trường hợp phương án kinh doanh, hay dự án đầu tư chỉ “vẽ ra cho có”, còn quyết định cho vay của NH chủ yếu nhìn vào tài sản đảm bảo. Vì vậy, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể trả nợ và phải đảo nợ lòng vòng.

Các tin khác