Kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết

(ĐTTCO) - Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đang hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 9 về tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng 2020.

(ĐTTCO) - Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đang hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 9 về tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng 2020.

Nhiều địa phương mới thực hiện Nghị quyết 19

Theo Bộ KH-ĐT, tính đến ngày 26-9, bộ nhận được báo cáo của 17 bộ, cơ quan  và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, hầu hết đã nhận thức khá đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo sát các nội dung của Nghị quyết 19. Tuy vậy, nhiều nơi báo cáo vẫn còn chung chung, các giải pháp triển khai còn mang tính hình thức, thiếu cụ thể, nhắc lại mục tiêu thay vì thể hiện kết quả thực hiện. Đáng chú ý, Bộ Y tế được giao các nhiệm vụ cụ thể trong nghị quyết, nhất là các yêu cầu về cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành, nhưng không có báo cáo gửi Bộ KH-ĐT.

Về phía địa phương, theo đánh giá, chất lượng báo cáo của các tỉnh, thành phố đã có cải thiện so với trước; giải pháp và kết quả thực hiện bám theo yêu cầu của nghị quyết, điển hình như Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Đắk Nông,… Một số địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội đã quyết liệt triển khai thực hiện nghị quyết và đã đạt được kết quả đáng khích lệ trên một số chỉ tiêu. Tuy nhiên, một số địa phương báo cáo chưa bám sát nghị quyết hoặc chưa thể hiện kết quả đạt được rõ ràng, chỉ nêu công việc chung chung (Khánh Hòa, Hưng Yên, Bình Định, Quảng Bình, Hòa Bình, Nam Định). Đáng chú ý, Nghị quyết 19 ban hành từ ngày 28-4, nhưng một số tỉnh mới ban hành kế hoạch hành động cách đây không lâu, như Khánh Hòa (14-9), Hậu Giang (23-8), Kiên Giang (8-8), Sơn La (12-8), Cà Mau (17-8).

DN chi hàng ngàn tỷ đồng

Trong 9 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 19 đã đạt được một số kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ KH-ĐT đã cập nhật và trao đổi với Ngân hàng thế giới (WB) tại Washington (đầu mối xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh Doing Business) về những cải cách của Việt Nam trên một số chỉ tiêu. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu và kết quả thực thi nghị quyết. Trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là những quy định về quản lý chuyên ngành.

Theo Bộ KH-ĐT, việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết vẫn đang là trở ngại, gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí và gây bức xúc trong DN. Yêu cầu cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đã được nhấn mạnh và nêu cụ thể tại 2 Nghị quyết 19 (2015 và 2016) và trong hầu hết báo cáo quý, báo cáo chuyên đề. Tuy vậy, kết quả thực hiện còn rất hạn chế.  Cụ thể, Nghị quyết 19 yêu cầu 10 bộ  rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng rất ít bộ (gồm Tài chính, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải) chủ động triển khai thực hiện, các bộ còn lại về cơ bản chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ hết sức quan trọng này.

Kiểm tra chuyên ngành dược (ảnh mang tính chất minh họa).

Kiểm tra chuyên ngành dược (ảnh mang tính chất minh họa).

Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra chuyên ngành chưa có sự cải thiện. Kết quả đo thời gian thông quan tại một số hải quan cửa khẩu cho thấy thời gian kiểm tra chuyên ngành vẫn kéo dài. Thí dụ, tại hải quan Cần Thơ 13,6 ngày (chiếm 78%); Đà Nẵng 19 ngày; Bình Định 18 ngày. Một số mặt hàng kiểm tra chất lượng có thời gian kiểm tra dài hơn nhiều như thiết bị y tế 40 ngày; kiểm tra hiệu suất năng lượng 43 ngày; kiểm tra chất lượng xe cứu hỏa, cứu thương 79 ngày. Điều này đã khiến chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm so với năm trước và chi phí không chính thức có biểu hiện tăng. “Rất khó điều tra được tổng chi phí DN phải trả cho kiểm tra chuyên ngành, nhưng chắc chắn là gánh nặng lớn đối với DN, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm” - báo cáo nhận định.

Điểm nghịch lý nữa là tình trạng chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Theo đó vẫn còn khá phổ biến tình trạng một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật (luật, nghị định, thông tư) trong cùng lĩnh vực hoặc thuộc các lĩnh vực khác nhau dẫn đến phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, với các cách quản lý khác nhau. Thậm chí, có mặt hàng chịu sự quản lý khác nhau của các đơn vị trong cùng một bộ. Thực trạng này hầu như chưa có sự cải thiện. “Đáng chú ý, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động, đến nay đã có 10 bộ tham gia thực hiện kết nối 31/100 thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng đa số là các thủ tục không phổ biến, vì thế hiệu quả cải cách thấp. Trong số các thủ tục đã tham gia kết nối, thủ tục đăng kiểm được đánh giá có hiệu quả nhất” - báo cáo nêu.

Những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã tạo gánh nặng cho DN, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh. Đa số DN cho rằng thủ tục, thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành không thuận lợi hơn so với trước. Nhiều vướng mắc của DN đã được phản ánh trong thời gian dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể để xử lý, nhưng một số bộ, ngành có liên quan vẫn chưa giải quyết dứt điểm, gây bức xúc, làm nản lòng, giảm dần niềm tin và sự kỳ vọng vào những thay đổi cải cách từ các bộ, ngành, ảnh hưởng không tốt tới tính hiệu lực, hiệu quả của các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các tin khác