Hoang tưởng lợi nhuận phần mềm đầu tư

(ĐTTCO) - Việc Công ty Đầu tư phát triển thương mại Hoàng Gia RBI quảng cáo phần mềm đầu tư CK có thể đem lại lợi nhuận lên đến 20%/ngày có thể khiến ai đó giật mình hay tò mò, nhưng với những NĐT có thâm niên tham gia TTCK từ khoảng nửa thập niên trở lên thì không. Trước Hoàng Gia RBI, cũng có nhiều đơn vị, cá nhân đưa ra những nhận định, quảng cáo kiểu như vậy.

(ĐTTCO) - Việc Công ty Đầu tư phát triển thương mại Hoàng Gia RBI quảng cáo phần mềm đầu tư CK có thể đem lại lợi nhuận lên đến 20%/ngày có thể khiến ai đó giật mình hay tò mò, nhưng với những NĐT có thâm niên tham gia TTCK từ khoảng nửa thập niên trở lên thì không. Trước Hoàng Gia RBI, cũng có nhiều đơn vị, cá nhân đưa ra những nhận định, quảng cáo kiểu như vậy.

Phương pháp hay niềm tin?

Sau khi giảm mạnh về đáy vào năm 2008, TTCK đã phục hồi mạnh trong năm 2009 và đây cũng là thời kỳ phương pháp kỹ thuật (PTKT) nở rộ. Bên cạnh đó, một số phương pháp phân tích CK áp dụng các thuật toán, phương pháp thống kê cũng xuất hiện kèm theo. Bởi lẽ, giai đoạn này dù thị trường diễn biến tích cực nhưng tính “bầy đàn” của CP cũng giảm hẳn, nghĩa là một ngày đẹp trời, VN Index tăng điểm, nhưng không phải CP nào cũng tăng. Và khi CP tăng cũng theo từng đoạn thay vì kéo dài hàng chục phiên trần như giai đoạn 2006-2007. Chính vì vậy NĐT cần một phương pháp bài bản hơn để lựa chọn CP hay đơn giản hơn là tạo ra sự yên tâm cho mình. Từ chỗ tự chơi, NĐT cũng bắt đầu cậy nhờ nhiều hơn vào những người chuyên nghiệp như tư vấn, phân tích, môi giới khuyến nghị các CP để vào hàng cho chuẩn. Lúc này, hoạt động ủy thác theo nhiều hình thức khác nhau trong giới NĐT cá nhân cũng hình thành.

Và để thu hút được khách hàng đến với mình, một số nhóm môi giới, phân tích sẽ phải có chiêu để quảng cáo về năng lực phán đoán, lựa chọn CP, trong đó hấp dẫn nhất chính là các hệ thống phần mềm, thuật toán. Một chuyên gia phân tích thuộc dạng có tiếng trong giới PTKT, đã từng nói về một phần mềm của mình có thể quét rất chính xác những CP có khả năng sinh lời, thậm chí CP càng bị làm giá, bơm đẩy càng chính xác. Kiểm nghiệm thực tế ban đầu cho thấy phần mềm này chính xác thật, nhưng về sau khi thị trường điều chỉnh cũng không còn đúng nữa. Năm 2010, có một nhóm phân tích tuyên bố với hệ thống của mình họ sẵn sàng bao lỗ cho khách hàng, nếu có lãi 2 bên ăn chia với nhau theo thỏa thuận, còn lỗ “nhà cung cấp dịch vụ” chịu. Nhưng nửa cuối 2010 thị trường diễn biến tiêu cực và không rõ do không có khách hàng hay do phải bao lỗ nhiều quá, hoặc vì lý do nào khác mà nhóm phân tích trên cũng im hơi lặng tiếng luôn.

Cạm bẫy lợi nhuận

Đi sâu hơn vào vấn đề, nếu hỏi rằng phần mềm có khả năng tạo ra lợi nhuận 20%/ngày hay không? Câu trả lời là có, nhưng cần nói thêm rằng không cần đến “máy” hay “robot CK”, một NĐT bình thường cũng có thể làm điều này. Hãy canh một phiên nào đó mua CP ở dưới mức giá sàn tại HNX hoặc UPCoM, sau đó cuối phiên giá CP tăng trần trở lại bán là có 20% lợi nhuận, mua ở UPCoM có khi còn lãi 30% trong phiên (do biên độ là 15%). Vấn đề ở đây là khả năng duy trì và bảo toàn lợi nhuận như thế nào.

Nhìn vào diễn biến của TTCK trong thời gian vừa qua, nhiều người nói rằng chỉ cần 3 tháng có thể nhân đôi tài khoản. Chọn CP nào đó có cơ bản tốt, sử dụng margin 1:1 mua và giữ là có thể đạt được kỳ vọng. Nhưng nói dễ, làm khó, đôi khi lãi chừng 30% là NĐT bán chốt lời ngay. Sau khi bán xong, NĐT cũng có xu hướng chuyển qua mua CP khác và lúc này rất dễ bị thua lỗ trở lại, hoặc nếu “chim sợ cành cong” cũng không lời thêm được nhiều nữa. Trường hợp nếu sử dụng robot hay phần mềm, có thể những hệ thống chỉ ra CP vẫn còn có khả năng tăng, nhưng con người điều khiển máy móc. Nếu NĐT muốn bán máy móc cũng không thể can thiệp. 

Có một sự trùng hợp, vào những thời điểm thuận lợi nhất của TTCK như giai đoạn 2009-2010 hay năm 2016 cũng là lúc những phần mềm, giải pháp đầu tư gây sốc xuất hiện. Những ngày qua, VN Index tiếp tục lập đỉnh mới khi vượt ngưỡng 680 điểm, giới đầu tư lại nói đến phần mềm của Hoàng Gia RBI. Đã từng có thống kê khá tếu táo rằng khi thị trường thuận lợi đưa danh sách CP cho một con khỉ lựa chọn cũng có thể tạo ra lợi nhuận. Nói vậy để thấy không thể phủ nhận những phương pháp đầu tư đã được nghiên cứu và thực hiện kỹ lưỡng, nhưng sự thuận lợi của thị trường là không thể bỏ qua.

Ảnh minh họa: L.THANH

Ảnh minh họa: L.THANH

Sóng lên thuyền lên

Thực tế khi thị trường đi xuống, rất hiếm thấy có quảng cáo nào về khả năng kiếm tiền, hay cam kết một mức lợi nhuận nào đó. Nghĩa là nếu ứng dụng các phần mềm đầu tư trong một số thời điểm có thể cho ra hiệu quả rất cao, nhưng sau đó cũng sẽ nhanh chóng “hết phép” nếu thị trường đảo chiều. Nhiều người vận dụng, hay thậm chí đi quảng cáo, dường như không nhận ra được điều này. Một chuyện cũng rất phổ biến nhưng cần phải nhắc lại: Nếu có PTKT để đọc các giao dịch của CP, xác định đâu là đáy, đâu là đỉnh, thì cũng có những cách tạo thanh khoản, đánh lên, đạp xuống để “bẫy” dân PTKT non tay.

Lên các diễn đàn CK, hội, nhóm trên mạng xã hội sẽ thấy nhan nhản những quảng cáo. Chẳng hạn như một cá nhân hay một nhóm người nào đó post danh sách những CP mình đã chọn lọc lên, sau một khoảng thời gian quay lại tổng kết lời/lỗ bao nhiêu. Hay chính thống hơn cả là việc một số CTCK vẫn thường xuyên cập nhật bản khuyến nghị CP, có tính toán cả lãi lỗ. Sâu xa của câu chuyện Hoàng Gia RBI hay những phần mềm đầu tư trước đây cũng là kỳ vọng một mức lợi nhuận cao của giới đầu tư, điều rất bình thường. Chuyện đúng sai, phù hợp hay không phù hợp sẽ do các cơ quan quản lý nhận định. Nhưng có một điều chắc chắn là những phần mềm, những kiểu quảng cáo đầu tư siêu lời, hay lợi nhuận cao vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện. Vấn đề là nó có khả năng tồn tại trên thị trường hay không. Và trên một thị trường mà sự phân hóa, khắc nghiệt thường được đẩy lên mức cao nhất như CK, những gì bất hợp lý thường sẽ bị đào thải nhanh chóng.

Các tin khác