Gian nan giảm lãi suất

(ĐTTCO) - Từ ngày 26-9, các NHTM có vốn nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm. Với động thái này, các NHTM có vốn nhà nước vừa đi đầu trong việc giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN, vừa có thể cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn trung và dài hạn. Dù vậy, đợt giảm lãi suất này vẫn khó trở thành xu hướng chung của toàn hệ thống.

(ĐTTCO) - Từ ngày 26-9, các NHTM có vốn nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm. Với động thái này, các NHTM có vốn nhà nước vừa đi đầu trong việc giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN, vừa có thể cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn trung và dài hạn. Dù vậy, đợt giảm lãi suất này vẫn khó trở thành xu hướng chung của toàn hệ thống.

Hạ theo chỉ định?

Theo thống kê, trong vòng 17 tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng VNĐ từ thị trường qua kênh tín phiếu ngắn hạn hơn 89.996 tỷ đồng. Lãi suất của tín phiếu kỳ hạn 14 ngày hiện xoay quanh mức rất thấp 0,5%/năm. Song song đó, lãi suất liên NH cũng đã giảm sâu, chạm mức 0,25%/năm ở cả 3 loại kỳ hạn trong các ngày đầu tuần, sau đó nhích dần lên nhưng mức lãi suất trung bình các loại kỳ hạn vẫn tiếp tục giảm nhẹ so với tuần trước đó và ở mức rất thấp trong lịch sử nhiều năm qua.  

Mặt bằng lãi suất về cơ bản sẽ giữ ổn định trong năm nay, còn khả năng giảm tiếp chắc sẽ rất khó khăn. Bởi thời điểm cuối năm tín dụng vẫn sẽ tăng lên theo tính chất thời vụ, cả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng đều có nhu cầu vay vốn nên nhiều khả năng năm nay tín dụng tăng trưởng khoảng 16-18%.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn CSTT Quốc gia

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,06% về mức 0,49%/năm, kỳ hạn 1 và 2 tuần giảm mạnh hơn với mức giảm lần lượt 0,12% và 0,22% về mức 0,54% và 0,67%/năm. Điều này thể hiện sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống NH đang duy trì ở mức cao. Đến ngày 21-9, Kho bạc Nhà nước cũng đã hoàn thành kế hoạch phát hành cả năm 2016 với khối lượng huy động đạt 250.320 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn của Chính phủ bằng trái phiếu tạm thời không còn cạnh tranh với nguồn vốn trên thị trường, do đó dự kiến cung vốn của các NHTM có thể tiếp tục dư thừa nhiều hơn trong những tháng tới.

 Trong xu thế đó, ngày 26-9 lãi suất huy động của một số NHTM có vốn nhà nước đã được điều chỉnh giảm. Biểu lãi suất huy động của Vietcombank niêm yết kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2%/năm và kỳ hạn 2 tháng giảm 0,5%/năm về mức 4,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3%/năm, từ mức 5,1%/năm xuống còn 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống 5,3%/năm. Agribank giảm từ 0,1-0,5%/năm đối với lãi suất kỳ hạn 1, 2, 3, và 6 tháng, tương ứng với mức 4,5%/năm, 4,8%/năm, 5,2%/năm và 5,8%/năm. BIDV giảm lãi suất kỳ hạn 13 tháng với mức giảm 0,05%/năm.

Với đợt giảm lãi suất lần này của các NHTM có vốn nhà nước, một số ý kiến cho rằng có khả năng có sự tác động của NHNN, vì đây là một diễn biến bất thường trong thời điểm cuối năm. Trong đợt giảm lãi suất này, mức điều chỉnh chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn ngắn, kỳ hạn càng ngắn mức giảm lãi suất càng cao. Các kỳ hạn từ 1-2 tháng giảm 0,5%/năm so với trước, lãi suất kỳ hạn từ 3-9 tháng giảm khoảng 0,3% và các kỳ hạn dài hơn giảm khoảng 0,2%, các kỳ hạn trung và dài hạn vẫn giữ nguyên.

Trên tổng thể, đợt hạ lãi suất này đáp ứng được 2 yêu cầu lớn đối với nhóm NHTM nhà nước, vừa thực hiện mục tiêu định hướng thị trường, vừa có thể cơ cấu lại nguồn vốn huy động từ ngắn hạn sang trung và dài hạn. Đồng thời, đầu vào hạ xuống nhưng lãi suất cho vay chưa giảm theo sẽ kéo dãn khoảng cách chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra, hỗ trợ NH cải thiện tỷ lệ NIM, từ đó hỗ trợ các NH cải thiện kết quả kinh doanh năm 2016.

 Ảnh minh họa: L.THANH

Ảnh minh họa: L.THANH

NHTMCP khó nối gót

Mặc dù lãi suất tại các NH lớn giảm, nhưng các chuyên gia tài chính nhận định sẽ khó trở thành xu hướng bởi hiện nhiều NHTMCP tầm trung và nhỏ vẫn đang rất cần huy động vốn. Trong cuộc họp của NHNN với các TCTD để đánh giá tình hình thị trường tiền tệ 8 tháng năm 2016, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động NH những tháng cuối năm 2016, lãnh đạo nhiều NHTM cho biết lãi suất huy động thị trường 1 chưa giảm được mặc dù lãi suất thị trường 2 thấp, thanh khoản dồi dào.

Sở dĩ như vậy bởi các TCTD giảm thị phần, dư thừa thanh khoản chỉ là tạm thời, trong khi đó nhu cầu vốn vay từ hệ thống NH, trong đó vốn vay trung và dài hạn rất cao, cộng với vấn đề lòng tin của thị trường bị ảnh hưởng trước một số thông tin bất lợi đến hoạt động NH khiến các TCTD phải cạnh tranh nguồn vốn huy động. Trên thực tế, từ đầu tháng 9 đến nay các NHTMCP có quy mô nhỏ vẫn liên tục tăng lãi suất huy động hoặc ưu đãi cộng thêm lãi suất để chạy đua thu hút vốn.

Theo nhận định của NHNN, việc giảm lãi suất huy động của các NH là động thái tích cực nhằm tiết giảm chi phí, phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm. Thay vào đó, các doanh nghiệp vẫn đang lo lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện các NH vẫn dành ra một khoản tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi, song kèm với lãi suất thấp là yêu cầu doanh nghiệp phải có sức khỏe tốt và có mối quan hệ tốt với NH.

Hơn nữa, các NH cho biết những gói tín dụng lãi suất thấp phục vụ nhu cầu vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh mùa cuối năm đang được tung ra cũng sẽ kết thúc trước Tết và sau Tết, sau đó sẽ quay lại như cũ. Đồng thời, một rào cản đối khác là tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Trong điều kiện đó, NHNN lại liên tục ban hành các văn bản yêu cầu NHTM phải kiểm soát chặt chẽ các món vay có nguy cơ rủi ro cao để nâng cao chất lượng tín dụng. Hầu hết lĩnh vực nằm trong diện cảnh báo rủi ro đều thu hút nguồn vốn vay lớn từ NH. Các NH phải đảm bảo lợi nhuận, nhiều khoản vay lớn bị thu hẹp sẽ tạo sức ép lên lãi suất.

Các tin khác