Đô thị thông minh - mục tiêu hay mơ ước?

(ĐTTCO) - TPHCM quyết tâm trở thành "thành phố thông minh" vào năm 2025 và xem đây là yêu cầu cấp thiết. Thế nhưng, để hiện thực hóa mục tiêu đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện một khối lượng công việc không hề nhỏ, bởi cơ sở hạ tầng dữ liệu vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ.

(ĐTTCO) - TPHCM quyết tâm trở thành "thành phố thông minh" vào năm 2025 và xem đây là yêu cầu cấp thiết. Thế nhưng, để hiện thực hóa mục tiêu đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện một khối lượng công việc không hề nhỏ, bởi cơ sở hạ tầng dữ liệu vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ.

Kết nối thông minh

Đưa ra thí dụ thực tế về việc đi lại thông minh trong đô thị, TS. Phạm Hoàng Kiên, Đại học Giao thông-Vận tải, lấy kinh nghiệm thực tế từ Nhật Bản. Theo TS. Kiên, hệ thống giao thông của Nhật Bản đều được ứng dụng dịch vụ ITS (hệ thống giao thông thông minh). Trong trường hợp khẩn cấp, các điểm dịch vụ ITS sẽ báo cho lái xe hướng xử lý để lái xe an toàn. Thí dụ, khi xe chở hàng bị lật, các thông tin về chướng ngại vật trên đường sẽ được gửi đến lái xe khác cách đó 1km. Đồng thời, cung cấp hình ảnh cho lái xe, giúp họ có thể hình dung rõ tình trạng giao thông ở khoảng cách xa phía trước để chủ động xử lý tình huống. 

Để xây dựng được một TP thông minh, trước hết chính quyền TP cần phải hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông đô thị, từ đó hướng người dân tham gia giao thông một cách thông minh hơn.

Không chỉ vậy, tại Nhật Bản các hệ thống giao thông như tàu điện mặt đất, ô tô, thậm chí  người đi bộ… đều được kết nối với nhau qua hệ thống smartphone. Khi các loại hình này tham gia giao thông, ngay lập tức hệ thống smartphone (được cài đặt sẵn hệ thống bản đồ số và có kết nối với các hệ thống tín hiệu giao thông thông minh trên đường) sẽ thông báo đến từng người về hiện trạng giao thông, để chính người đó sẽ có lựa chọn phù hợp khi di chuyển, qua đó, tạo sự an toàn và phân bổ đi lại hợp lý giữa các loại hình giao thông. Hệ quả, tình hình giao thông tại các nút giao nhau luôn thông thoáng, không bị ùn tắc hay tai nạn giao thông.

 Theo đại diện Hiệp hội Nghiên cứu giao thông Đông Á (EASTS), TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh, do vậy các loại hình tham gia giao thông lẫn hệ thống cơ sở hạ tầng đòi hỏi cũng phải phát triển tiên tiến và khoa học. Cụ thể, các hệ thống giao thông như tàu điện ngầm phải được kết nối với các phương thức vận tải hành khách công cộng để giúp người dân đi lại thuận lợi, đồng thời hướng người dân đi lại bằng vận tải công cộng, giảm áp lực lên hạ tầng, giảm phương tiện xe cá nhân vốn đang rất quá tải tại TPHCM.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - Đơn vị đề xuất đề án phát triển "thành phố thông minh" tại TPHCM), để hiện thực hóa "thành phố thông minh" trước hết cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu giao thông đô thị. Cụ thể, áp dụng các ứng dụng tiên tiến về công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, mà điểm nhấn là trung tâm điều khiển giao thông. Theo đó, lắp đặt hệ thống màn hình lớn cho phép theo dõi toàn bộ hoạt động của hệ thống, người quản trị có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để điều khiển các thành phần và dữ liệu cần hiển thị. Dữ liệu này được kết nối với các trung tâm cơ sở dữ liệu liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước, giúp cho cơ quan chức năng quản lý và điều hành.

Cần giải pháp tổng thể

TS. Phạm Thái Sơn, Đại học Việt Đức, cho hay để người dân TPHCM đi lại một cách thông minh hơn, trước hết cơ quan chức năng cần hướng người dân lựa chọn các phương tiện thông minh và kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng. Bên cạnh đó, người dân cần sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường khi di chuyển; đi bộ hoặc xe đạp tại khu vực đông đúc; ứng dụng các hệ thống đặt xe thông minh. Còn các sở, ngành liên quan cần lắp đặt hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông, bảng điện tử giao thông, hệ thống camera giám sát hành trình… để từ đó vừa có thể thay đổi cách thức đi lại của người dân vừa góp phần hướng đến mô hình giao thông thông minh trong một đô thị thông minh trong tương lai.

Còn theo TS. Khuất Việt Hùng, trước hết cần hạn chế đi lại bằng xe gắn máy và hướng người dân tham gia vận tải hành khách công cộng. Theo ông Hùng, thực tế ở Việt Nam, việc cấm hẳn xe gắn máy gần như khó khả thi, bởi đây là phương tiện đặc thù của người dân. Tuy nhiên, giải pháp hạn chế xe gắn máy, hoặc cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm như phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), hay đường Nguyễn Huệ (TPHCM) là khả thi.

Người dân TPHCM rất “sợ” mỗi khi ra đường vào giờ cao điểm.

Người dân TPHCM rất “sợ” mỗi khi ra đường vào giờ cao điểm.

TS. Nguyễn Văn Bình, Đại học Giao thông-Vận tải cơ sở 2 tại TPHCM, cho rằng để người dân đi lại thông minh trong một đô thị thông minh, trước hết chính quyền TP cần tập trung khai thác hiệu quả các hệ thống hạ tầng hiện hữu để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông. Về lâu dài, cần xác định từng bước những điểm nóng về giao thông trong TP và tiến hành đánh giá, đầu tư một cách hiệu quả, đảm bảo cải thiện tình trạng giao thông đang rất quả tải. Các hệ thống trên được đầu tư một cách thống nhất, có tính kế thừa và phát triển, lại dễ điều chỉnh, tránh tình trạng lãng phí, dàn trải và nhanh chóng lạc hậu.

 Cũng theo các chuyên gia, để việc đi lại của người dân thuận lợi hơn tại các TP lớn như Hà Nội và TPHCM, điều quyết định là phải kiểm soát được việc đi lại và phương tiện đi lại. Cụ thể, các phương tiện đi lại cần chuyển sang sử dụng các loại xe vận tải công cộng thân thiện với môi trường (sử dụng nhiên liệu sạch CNG); phân bổ khoa học các điểm đỗ xe cá nhân tại các nhà ga lên xuống của hệ thống giao thông công cộng; đưa ra chỉ tiêu thu hút khoảng 10% người đi xe cá nhân chuyển sang đi xe công cộng… Song song đó, việc phát triển đô thị thông minh tức là sẽ phải hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, giao thông thông minh, các dữ liệu giám sát, lắp đặt các camera giám sát giao thông…. Có thể nói, trong tương lai, người dân tại các TP Hà Nội và TPHCM, khi tham gia giao thông đều có sự lựa chọn phù hợp.

Để hiện thực hóa những ý tưởng trên trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng ở Hà Nội và TPHCM không hề đơn giản. Theo các chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, ngoài việc cần sự phối hợp chủ động giữa cơ quan chức năng liên quan, chính quyền TPHCM cần đưa ra lộ trình quy hoạch và phát triển phù hợp với hiện trạng giao thông đô thị đang quá tải hiện nay.

Các tin khác