Đổ nợ to, có ứng cứu?

(ĐTTCO) - Câu chuyện cứu hay không cứu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là chủ đề nóng từ vài tháng nay và đến nay, sau hơn 9 tháng vẫn chưa có hồi kết. Tình huống chưa có tiền lệ này đã đặt ra hàng loạt câu hỏi.

(ĐTTCO) - Câu chuyện cứu hay không cứu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là chủ đề nóng từ vài tháng nay và đến nay, sau hơn 9 tháng vẫn chưa có hồi kết. Tình huống chưa có tiền lệ này đã đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Theo báo cáo soát xét bán niên, tại thời điểm 30-6-2016, các khoản vay và trái phiếu phải trả của HAGL trên 26.000 tỷ đồng, trong đó hơn 12.000 tỷ đồng sẽ đến hạn trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, tập đoàn này còn có khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn trị giá hơn 5.700 tỷ đồng. Theo báo cáo cáo tài chính bán niên của HAGL, tập đoàn có các khoản cho các bên liên quan vay ngắn và dài hạn tương ứng 771 tỷ đồng và gần 5.200 tỷ đồng chưa được đại hội cổ đông phê duyệt theo quy định tại Thông tư 121 của Bộ Tài chính về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng.

Theo HAGL, tập đoàn đang trong quá trình chờ nhận được văn bản phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu nêu trên. Trong khi đó, theo Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, nếu các khoản vay và trái phiếu không được thực hiện sẽ xảy ra việc nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục để lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của HAGL.

Từ bức tranh tài chính không sáng sủa này, tại đại hội cổ đông của một công ty con HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL cho biết nếu HAGL không được “giải cứu” từ Chính phủ, tức cho phép tái cơ cấu các khoản nợ, tập đoàn có thể sẽ phải bán 20.000ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc. Nhiều phân tích cho rằng nếu HAGL được tái cơ cấu nợ, các ngân hàng liên quan được lợi nhờ giảm được nợ xấu. Còn với HAGL, nếu được giữ nguyên nhóm nợ, việc xếp hạng tín dụng cũng sẽ được giữ nguyên.

Theo đó công ty không phải trả lãi suất phạt, áp lực trả nợ giảm do được giãn nợ, kỳ hạn nợ kéo dài hơn và có thể tiếp tục được vay thêm từ ngân hàng… Từ đó, HAGL có điều kiện để tập trung vào phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, không phải cắt giảm số lượng lớn lao động. Mặt khác, nếu không được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay của HAGL, nguy cơ hệ thống ngân hàng có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu. Đồng thời các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro cũng sẽ tăng, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị bào mòn, lợi ích của các cổ đông ngân hàng bị ảnh hưởng.

Câu chuyện nợ nần của HAGL chỉ ra một thực tế, là việc vay nợ của tập đoàn này với các ngân hàng đang có vấn đề. Một lĩnh vực đòi hỏi thời gian đầu tư lâu năm như nông nghiệp, cây công nghiệp như cao su, cọ dầu… mà kỳ hạn vay của HAGL với các ngân hàng chỉ trong 3-5 năm là không phù hợp. Thế nhưng, điều không hợp lý vẫn diễn ra để hiện nay, khi HAGL gặp khó trong việc trả nợ, câu chuyện giải cứu lại được đặt ra. Hoạt động kinh doanh thua lỗ của một doanh nghiệp được “đẩy” trách nhiệm sang Chính phủ. Không lẽ HAGL và các ngân hàng vô can?

Đã có phân tích chỉ ra rằng HAGL đáp ứng được các tiêu chí theo Quyết định 482 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Thế nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao HAGL từ trước đến nay vẫn vay theo lãi suất thị trường thay vì được ưu đãi lãi suất? Vấn đề này nằm ở ngân hàng hay doanh nghiệp? Nếu phương án giải cứu HAGL được thông qua, cơ quan có trách nhiệm sẽ phải giải đáp được những câu hỏi như: Tại sao phải cứu HAGL? Dựa vào bộ tiêu chí nào để “giải cứu”? Điều này rất quan trọng, bởi trả lời các câu hỏi đó cũng đồng thời trả lời được các câu hỏi khác là: Việc này liệu có tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp khác? Tại sao cứu doanh nghiệp này nhưng lại bỏ doanh nghiệp kia?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, từng cho rằng việc đổ lỗi cho thị trường vận hành không thuận lợi dẫn tới hoạt động kinh doanh khó khăn là lý do không thể chấp nhận được đối với nền quản trị hiện đại. Nếu HAGL muốn được cứu phải đánh đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, nếu không có thể sẽ tạo ra tình trạng “ngựa quen đường cũ”. Còn theo ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, hiện nay có 2 luồng quan điểm cứu hay không cứu HAGL. Và theo phương án nào cũng phải tính toán kỹ. Mặt khác, cũng phải đặt tình huống là nếu cứu HAGL các doanh nghiệp khác sẽ ra sao?

Rõ ràng, để xử lý câu chuyện của HAGL một cách hợp lý là điều không đơn giản.

Các tin khác