Khai khoáng: Đối mặt thảm họa môi trường

(ĐTTCO) - Apatit, than, quặng sắt, volfram, vàng, titan, bauxit… đang được khai thác rộng khắp tại nhiều địa phương trên cả nước. Việc khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản trong những năm qua đã đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP cả nước. Tuy nhiên, do buông lỏng trong cấp phép, quản lý, hoạt động khai thác tài nguyên đang để lại những hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại các địa phương.

(ĐTTCO) - Apatit, than, quặng sắt, volfram, vàng, titan, bauxit… đang được khai thác rộng khắp tại nhiều địa phương trên cả nước. Việc khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản trong những năm qua đã đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP cả nước. Tuy nhiên, do buông lỏng trong cấp phép, quản lý, hoạt động khai thác tài nguyên đang để lại những hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại các địa phương.

Báo động đỏ

Việc khai thác, chế biến khoáng sản chụp giật, vì lợi nhuận tại nhiều dự án khai khoáng đang để lại những hậu quả nặng nề, làm đảo lộn cảnh quan và hình thái môi trường tự nhiên, tích tụ, phát tán chất thải trong không khí, làm ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ. Điển hình là khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng, Lào Cai. Dù được đưa vào vận hành khai thác quặng apatit, sản xuất phốt pho cả chục năm nay, nhưng đến nay KCN này vẫn không có khu xử lý nước thải tập trung, thiếu khu xử lý chất thải rắn.  

Hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh đang là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi. Muốn quản lý tốt nguồn tài nguyên, ngành TN-MT cần xây dựng chiến lược khai thác đối với từng loại tài nguyên. Đồng thời, cần hình thành cơ chế giám sát công khai, minh bạch và người dân được xem như một công cụ giám sát để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình khai thác.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

Chất thải từ 20 nhà máy đang hoạt động tại KCN này được xả thẳng ra sông, suối và chất đống ngay trong KCN. Một KCN quy mô 1.100ha, trong đó có một số nhà máy công suất hoạt động lớn như nhà máy tuyển quặng apatit công suất 950.000 tấn/năm, 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng có công suất 44.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất DAP… vẫn đang hàng ngày xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào.

 Bên cạnh đó, việc quản lý chất thải rắn tại KCN cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bình quân mỗi ngày đêm, KCN Tằng Loỏng thải ra tới gần 4.900 tấn chất thải rắn, tức mỗi năm xả thải khoảng 1,7 triệu tấn, nhưng hiện chỉ được lưu chứa ngay trong khuôn viên nhà máy, hay ở khu vực đất trống, hoặc được dùng để san lấp mặt bằng... Mỗi khi trời đổ mưa, chất thải rắn hòa tan vào nước, thẩm thấu xuống đất hoặc chảy ra ngoài môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Và khi ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, hệ thống xử lý nước thải tập trung với quy mô 3.000m3/ngày đêm mới đang tiến hành xây dựng.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có đến 67 dự án khai thác titan, nhưng chỉ 3 dự án được cấp phép khai thác. Mặc dù vậy, mức độ tàn phá môi trường đã vô cùng lớn. Do sa khoáng titan nằm sâu hàng chục đến hàng trăm mét dưới mặt đất, nhưng các công ty khai thác chỉ có công cụ khai thác thô sơ, sau khi khai thác không hoàn thổ nên mặt đất bị cày nát, loang lổ. Những đồi cát xanh tự nhiên sau khai thác titan trở thành vùng đất chết, không khôi phục được thảm thực vật tự nhiên.

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại 2 đại dự án khai thác bauxit Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây nguyên rất khó kiểm soát, có thể gây tác động nghiêm trọng đến nguồn nước của lưu vực sông Đồng Nai. Theo tính toán muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng bauxite và thải ra môi trường khoảng 1,5 tấn bùn đỏ. 

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Trữ lượng titan tại Bình Thuận ước tính gần 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng cả nước, phân bổ trong tầng cát xám và cát đỏ trên diện tích 800km2 ven biển. Các doanh nghiệp khai thác titan ở đây vì lợi nhuận, dùng nước biển lọc quặng thô nên về lâu dài vùng khai thác sẽ bị nhiễm mặn không thể trồng trọt. Báo cáo đánh giá hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng ghi nhận khu vực khai thác titan có tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, tổn thương sinh vật, ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, gây mất ổn định cuộc sống người dân xung quanh, nhất là các khu vực xã Hòa Thắng (Bắc Bình), xã Thuận Quý, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam)…

 Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Bauxit Nhân Cơ cho thấy nước thải và bùn thải từ nhà máy này có khối lượng lên tới 11 triệu m3/năm. Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bauxite thành alumina, gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ, khá bền vững trong điện phong hóa như Hematit, Natrisilicoaluminate, Canxititanat, Monohydrate nhôm, Trihydrate nhôm và đặc biệt là chứa xút - một hóa chất độc hại dùng để chế biến alumina từ bauxit…

Ngành than được đánh giá là lĩnh vực ít gây ô nhiễm môi trường nhất trong công nghiệp khai khoáng, nhưng mức độ xâm hại môi trường tự nhiên lại lớn nhất bởi công nghệ khai thác lộ thiên, hầm lò diễn ra trên quy mô lớn. Để sản xuất 1 tấn than đá, cần bóc đi 8-10m3 đất phủ, thải và 1-3m3 nước thải mỏ. Chỉ tính riêng năm 2006, các mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thải vào môi trường tới 182,6 triệu m3 đất đá, khoảng 70 triệu m3 nước thải mỏ, dẫn đến một số vùng của tỉnh Quảng Ninh bị ô nhiễm đến mức báo động như Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm Phả... Đất đá thải loại trong khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không khí do nhiễm bụi ở các khu dân cư ở trong vùng khai thác. Trên các mỏ than thường có mặt với hàm lượng cao các nguyên tố Sc, Ti, Mn... Các khoáng vật sulphua có trong than còn chứa Zn, Cd, Hg... làm cho bụi mỏ trở nên độc hại với sức khỏe con người.

Khai khoáng: Đối mặt thảm họa môi trường ảnh 1

Khai thác quặng sắt tại Yên Bái.

Chạy theo lợi nhuận và khai thác chụp giật

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược (TKV), các dự án khai thác, chế biến khoáng sản khác hiện nay đều có nguy cơ ô nhiễm rất cao, bởi đều khai thác theo kiểu chụp giật. Việc phê duyệt cho Formosa sản xuất thép nhưng việc lập ĐTM không chuẩn mực. Một dự án lớn như vậy lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ký hợp đồng xử lý chất thải với bên ngoài là không được, bởi theo luật doanh nghiệp phải có trách nhiệm xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường, khói phải lọc, bụi phải lọc, nước xử lý ô nhiễm…

Khai thác titan ở Bình Thuận cũng vậy. Cấp phép trong thời gian ngắn, nhà đầu tư đầu tư công nghệ thô sơ, cốt đào được càng nhiều khoáng sản càng tốt, bởi hết thời gian cấp phép họ đâu chịu trách nhiệm cho việc hủy hoại môi trường. Vàng Phước Sơn cũng là một câu chuyện khác, nếu chúng ta không quản tốt họ sẽ bỏ qua khâu bảo vệ môi trường. Cách tư duy thiển cận, thể hiện trong luật hiện nay không đúng. Nhìn chung các lĩnh vực khai khoáng khác ngoài than thì ý thức bảo vệ môi trường là không có. Ngành than tuy là ngành có xâm hại môi trường lớn, bởi khai thác trên diện rộng nên tác động đến môi trường đất, nước, thảm thực vật trên quy mô lớn. Nhưng tổn hại về môi trường lại không nhiều như công nghiệp làm thép, làm giấy. Về mặt công nghệ ngành than là ngành sớm nhất quan tâm đến vấn đề môi trường, thậm chí trước khi có Luật Bảo vệ môi trường, nên trong quy trình từ quy hoạch, thiết kế, triển khai dự án đều được quan tâm thỏa đáng. Điều này cho thấy, vấn đề môi trường trong khai khoáng nằm ở ý thức con người và bộ máy vận hành.  

Bịt kẽ hở cấp phép khai thác

Gia Bảo (thực hiện) 

ĐTM của các dự án khai khoáng nói riêng và các dự án đầu tư nói chung đang quá sơ sài, không thể lường hết được tác hại môi trường dự án khi cấp phép đầu tư. Trên thực tế các cơ quan quản lý, giám sát về môi trường lại coi ĐTM như một công cụ quản lý vạn năng để đảm bảo vấn đề môi trường dự án. Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN KHẮC KINH (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng cung cách quản lý này đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần thay đổi.

 PHÓNG VIÊN: - Thưa ông nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản tại các địa phương đang gây ô nhiễm nghiêm trong, phải chăng trong cấp phép các dự án khai khoáng vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức?

TS. NGUYỄN KHẮC KINH: - Chuyện cho phép một đằng DN khai khoáng thực hiện một nẻo cần phải kiểm tra giám sát kỹ. Tiếp đó là quy định pháp luật hiện hành có nhiều thứ không còn phù hợp. Bây giờ cứ cho mọi DN trong đó có DN khai khoáng đều thực hiện tốt các quy định về môi trường vẫn có khả năng bị ô nhiễm. Trong cấp phép dự án khai khoáng hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước chưa tính đến sức chịu tải của môi trường. Thí dụ, khu vực môi trường hết sức chịu tải như sông Thị Vải nhưng trong cấp phép đầu tư vẫn cho xả thải ra sông này. Vì thế, dù DN có thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về xử lý chất thải vẫn gây ô nhiễm. Công tác cấp phép khai thác khoáng sản cứ tù mù mãi sẽ không thể hạn chế ô nhiễm được.

- Có nghĩa trước khi cấp phép đầu tư dự án khai thác và chế biến khoáng sản phải đánh giá được sức chịu tải môi trường, thưa ông?

- Chắc chắn phải làm như vậy và không dừng lại đánh giá hôm nay, mà cần đánh giá cả thời gian các dự án đi vào hoạt động 3-5 năm sau. Bởi khi cấp phép, cơ quan quản lý đến quan trắc đo bảo môi trường sạch, nhưng 5 năm sau khi dự án vận hành chắc chắn môi trường khu vực dự án sẽ khác. Ngoài ra hiện nay các cơ quản quản lý cấp phép đầu tư thường chỉ xem xét đánh giá tác động môi trường của từng dự án riêng lẻ, không tính đến việc hàng loạt dự án cùng đi vào hoạt động trong một khu vực. Khi đó sức chịu tải của môi trường sẽ khác rất nhiều.

Thế giới quản lý từ khâu lập chiến lược, sau đến quy hoạch họ đã đánh giá môi trường chiến lược. Từ quy hoạch đó họ tính toán sức chịu tải của môi trường, ở đâu bao nhiêu dự án là vừa; khu vực ven biển thế nào, khu đồng bằng thế nào, miền núi thế nào… Ở ta cũng làm đánh giá môi trường chiến lược nhưng là làm cho có, làm hình thức và không có thông tin.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra môi trường khu vực dự án lại rất lỏng lẻo. Cũng có nguyên nhân do không đủ lực lượng mà thanh tra cả ngày lẫn đêm ở tất cả dự án. Đồng thời, theo quy định muốn thanh tra môi trường phải báo trước. Như vậy DN sẽ có cách đối phó. Nên với từng trường hợp xảy ra phải xem xét cụ thể trên tất cả yếu tố họ đã thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn cấp phép chưa, sức chịu tải của môi trường có phù hợp không.

- Như vậy tất cả dự án khai khoáng đều có ĐTM, vậy tại sao vẫn gây ô nhiễm, thưa ông?

- ĐTM của tất cả dự án là tài liệu dự báo, phục vụ cho việc cấp phép đầu tư. Nó quyết định việc có đầu tư dự án hay không. Còn khi đã quyết định đầu tư dự án rồi phải làm kế hoạch giám sát bảo vệ môi trường cụ thể, sau đó phải kiểm toán môi trường. Các nước phát triển làm ĐTM chỉ để phục vụ cho mục tiêu cấp phép đầu tư, không dùng ĐTM để quản lý về môi trường. Khi dự án vận hành họ chuyển sang một công cụ khác để quản lý về môi trường. Trong khi nước ta lâu nay coi ĐTM như một công cụ vạn năng để các cơ quan chức năng phê duyệt dự án, hay được coi là thẻ thông hành để DN vận hành dự án. Vì thế, các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và trong ngành khai khoáng nói riêng rất sơ sài. Các nước họ làm nhiều bước ĐTM, ta chỉ làm một bước ban đầu. Đã là dự báo ban đầu ĐTM lấy đâu thông tin để làm chi tiết.

- Vậy chúng ta phải làm gì để cải thiện vấn đề môi trường các dự án khai khoáng hiện nay?

- Phải sửa ngay quy định về bảo vệ môi trường, phải làm ĐTM nhiều bước từ nghiên cứu tiền khả thi, đến nghiên cứu khả thi dự án đầu tư bước nào cũng phải làm ĐTM tương ứng. Thứ hai khi dự án đi vào vận hành phải làm kế hoạch quản lý môi trường thật tỉ mỉ để quản lý bằng kế hoạch đó chứ không quản lý bằng ĐTM. Còn có một thực trạng nữa là quyết định đầu tư dự án xong mới làm ĐTM, như vậy là vuốt đuôi, chả có ý nghĩa gì. Các nước không ai làm như vậy cả. Họ làm từ lúc nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư dự án, nếu ĐTM không được không cho đầu tư dự án. Còn ở ta làm ngược lại, quyết định địa điểm đầu tư rồi, nhà đầu tư lập thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết rồi mới đi xin cấp phép xây dựng. Như vậy làm sao cơ quan môi trường dám bác dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm cao khi họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để thực hiện các khâu chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, ta không có công cụ để quản lý cả, cứ đem ĐTM ra soi trong khi rất sơ sài. Dần dà nhà đầu tư, DN coi ĐTM như một việc làm hình thức.

Có một thực tế nữa ĐTM chỉ làm được một việc là đánh giá tác động với môi trường tự nhiên như đất, nước, không khí, trong khi còn một loạt vấn đề khác như đánh giá tác động sức khỏe con người, rủi ro xã hội. Các cơ quan làm chính sách cứ nghĩ chỉ cần lập ĐTM là xong, nên chẳng ai đi làm đánh giá tác động xã hội, tác động đến sức khỏe con người. Vì thế, đây là lúc Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường cần phải làm lại hết, không thể sửa manh mún. Bịt chỗ này, hổng chỗ khác sẽ không bảo vệ được môi trường.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác