Khoán kinh phí xe công: Sao khỏi “lườm” nhau?

(ĐTTCO)-Ủng hộ chủ trương khoán kinh phí xe công đưa đón lãnh đạo vừa được Bộ Tài chính đưa ra nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn về cách tính mức phí bị cho là không khoa học và việc tiết kiệm thực sự được bao nhiêu cho ngân sách phải được tính toán kỹ lưỡng.

(ĐTTCO)-Ủng hộ chủ trương khoán kinh phí xe công đưa đón lãnh đạo vừa được Bộ Tài chính đưa ra nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn về cách tính mức phí bị cho là không khoa học và việc tiết kiệm thực sự được bao nhiêu cho ngân sách phải được tính toán kỹ lưỡng.

“Không ai người ta làm thế cả”

Ủng hộ cách làm này, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, hiện tại, tiền “nuôi” xe đang phình quá lớn. Vấn đề với những chiếc xe riêng theo ông là việc sử dụng xe không nghiêm túc, phục vụ cho nhiều việc “không thể tính là công.”

Tuy nhiên, theo ông Thanh, theo quyết định vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra, mức khoán cho thứ trưởng, tổng cục trưởng và cấp tương đương được tính bằng đơn giá khoán nhân (x) số km x 2 lượt x số ngày làm việc. Trong số này, đơn giá khoán được xác định theo mức giá các hãng taxi loại 4 chỗ ngồi phổ biến trên thị trường. Ngoài ra, số k​ilômét khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày).

Vấn đề của công thức tính được ông Thanh chỉ ra ở khoảng cách từ nơi ở tới nơi làm việc của các lãnh đạo.

“Không ai người ta làm thế cả. Ví dụ người ta họp ở quận Ba Đình, nhà người ta ngay cạnh đấy nhưng vẫn phải vòng lên tận Hoàn Kiếm rồi mới có xe đi họp thì không hợp lý," đại diện Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam lên tiếng.

Đặt ra thêm thắc mắc, ông cho rằng, cách tính 22 ngày đi làm mỗi tháng liệu có thực tế không bởi có khi lãnh đạo đi “công tác cả tháng” hay đi họp các tỉnh.

“Có phải 22 ngày họ đều đi từ nhà tới cơ quan và ngược lại không?” ông Thanh đặt câu hỏi.

Với chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình (Học viện Chiến lược và Phát triển), cách tính này thậm chí còn bị ông cho là “thiếu khoa học.”

 

“Một thứ trưởng nhà cách cơ quan 2km thì mỗi ngày đi 40.000 đồng tiền taxi, 1 tháng chưa tới 1 triệu đồng. Một người khác có khi đăng ký nhà cách cơ quan 20-30km thì có khi tiền đi lại sẽ lên tới vài chục triệu đồng,” vị chuyên gia này nói.

Điều này theo ông là “bất bình đẳng.” Ông kiến nghị nên khoán theo mức bình quân cự ly di chuyển trong thành phố, có thể 8-10km và tính ra số tiền cố định.

“Chúng ta không cần tỉ mỉ như hiện tại. Ta nên xem xét bài toán và đơn giản hoá thủ tục,” ông Nguyễn Thanh Bình nhận xét.

Một vị chuyên gia lâu năm trong ngành cũng tỏ ra băn khoăn với cách tính hiện tại của Bộ Tài chính bởi theo bà, “nhỡ mai người ta dọn nhà đi chỗ khác thì sao hoặc nếu tắc đường họ đi đường khác dài hơn.”

Theo vị chuyên gia này, không nên tính tỉ mỉ cho từng lãnh đạo mà cần có chế độ chung của Nhà nước. Bà kiến nghị nên tính theo mức lương.

“Tiền lương được tính theo cấp bậc, chuyên môn. Nên tính tỷ lệ phần trăm cho đi lại dựa trên mức lương này,” vị chuyên gia nêu ý kiến.

Nên bắt buộc nhân rộng?

Việc khoán kinh phí xe công thực tế không phải chủ trương mới. Quyết định này của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình chỉ là “xới” lại một chủ trương cũ.

Ông Bình cho hay, việc khoán khinh phí tới các bộ, ngành hay đại biểu Quốc hội trước đây đã được đưa ra nhưng là khuyến khích và rồi ít lãnh đạo thực hiện.

Là người theo dõi khá lâu vấn đề này, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam thông tin thêm, mức khoán được đưa gần chục năm trước với mức hơn 4 triệu đồng mỗi tháng cho đại biểu Quốc hội. Mức này sau đó đã tăng lên 10 triệu đồng mỗi tháng.

Số tiền này theo ông “thừa” để cho các đại biểu di chuyển nhưng cái khó được nhiều đại biểu nêu lên là đi xe biển trắng khó vào các bộ, ngành hay “đi họp ở Văn phòng Chính phủ phải đi bộ đoạn dài, họp xong lại phải đi bộ ra đầu đường bắt taxi.” Phương thức khoán này sau đó cũng không được nhiều đại biểu tình nguyện thực hiện.

Những lý do này theo ông Thanh là có thực nhưng đó cũng chỉ là vấn đề cá nhân và theo ông, nên bắt buộc thực hiện việc khoán kinh phí.

Tán thành quan điểm này, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính là nơi đi đầu thực hiện thì sau đó nên tổng kết đúc rút kinh nghiệm để mở rộng khoán cho các bộ, ngành khác.

Theo ông, tiến tới, mỗi bộ có thể chỉ cần một vài xe cho bộ trưởng và đi công tác gần.

“Không thể mỗi nơi vài chục xe như bây giờ, như thế kinh khủng quá,” vị chuyên gia nói.

Nhấn mạnh lại viêc ủng hộ chủ trương này nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình cũng góp ý, để quyết định mang lại hiệu quả thì phải có biện pháp đi theo.

“Khoán kinh phí phải tính toán được tiết kiệm được bao nhiêu xe, tương ứng là bao nhiêu tiền cho ngân sách,” ông nói.

Ngoài ra, theo ông, việc yêu cầu thứ trưởng, tổng cục trưởng không dùng xe công đưa đón từ nhà tới cơ quan phải mang tính “bắt buộc.” Theo ông, việc khuyến khích khó hiệu quả bởi nhiều người thấy rằng, đi xe công mang lại nhiều lợi ích hơn là nhận tiền.

“Đi biển xanh người ta cảm thấy được nể trọng hơn, đi đường được tạo điều kiện hơn,... Nhiều yếu tố mà người ta không muốn rời xe biển xanh,” chuyên gia Nguyễn Thanh Bình lên thẳng thắn./.

Theo quyết định số 32/2015/QĐ-TTg, các chức danh được sử dụng xe ôtô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/ xe là: Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên,...

Các tin khác