Chắp cánh thương hiệu ẩm thực Việt

(ĐTTCO) - Xưa nay các cụ thường nói chỉ đàn ông bất tài mới “quanh quẩn xó bếp”. Nhưng nay điều này đã hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt, với Nguyễn Công Chung, người Việt đầu tiên trở thành Tổng bếp trưởng trong hệ thống khách sạn quốc tế 5 sao ở Việt Nam khi mới ở tuổi 37, bếp núc chính là con đường khởi nghiệp thành công.

(ĐTTCO) - Xưa nay các cụ thường nói chỉ đàn ông bất tài mới “quanh quẩn xó bếp”. Nhưng nay điều này đã hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt, với Nguyễn Công Chung, người Việt đầu tiên trở thành Tổng bếp trưởng trong hệ thống khách sạn quốc tế 5 sao ở Việt Nam khi mới ở tuổi 37, bếp núc chính là con đường khởi nghiệp thành công.

Khởi nghiệp với xoong, thìa, chảo, lửa...

“Nghề nào cũng giúp ta bước chân đến đỉnh vinh quang nếu ta luôn nỗ lực hết mình”- đầu bếp Nguyễn Công Chung chia sẻ. Sự nghiệp của anh là một minh chứng cho việc đầu bếp Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin sánh vai với quốc tế. Ngay cả tại thời điểm này, khi đã thành danh với nghề đầu bếp nhưng anh Chung vẫn thành thật chia sẻ, hơn 20 năm trước khi rời ghế nhà trường, công việc này với anh chỉ là một khái niệm rất mơ hồ, không tưởng tượng nổi, do hoàn cảnh “xô đẩy”. Là thanh niên khi ấy ai chẳng mơ những nghề tốt đẹp, danh giá như bác sĩ, kỹ sư... nhưng mỗi người mỗi cảnh, vì thế thay vì tiếp tục học cao hơn, anh chuyển sang học nghề. Khi ấy, đầu bếp cũng ít người chọn học bởi chẳng mấy ai coi đó là nghề. Hơn nữa chuyện cơm nước, mắm muối... dường như là đặc quyền của đàn bà, vì thế việc chọn học nghề quanh năm cắm mặt vào dầu, mỡ, xoong, chảo này với một thanh niên Hà Nội cũng gần như một sự ép buộc.

Một phần vì mưu sinh, một phần vì cái duyên đưa đẩy, sau khi tốt nghiệp, anh Chung vẫn theo đuổi nghề này. Ban đầu phụ bếp cho một nhà hàng Ấn Độ, sau đó với kiến thức tích lũy được cùng chút vốn tiếng Anh, anh Chung đã tìm được môi trường làm bếp chuyên nghiệp hơn ở Sofitel Metropole. Sau 8 năm học hỏi, trải nghiệm ở đây, Nguyễn Công Chung tiếp tục thử sức ở môi trường làm việc mới- khách sạn Sheraton Hà Nội, thuộc Tập đoàn Starwood của Hoa Kỳ. Và rồi, sau 10 năm gắn bó, những nỗ lực, sáng tạo không ngừng của anh đã được đáp đền. Năm 2013, Nguyễn Công Chung chính thức đảm nhận vị trí Tổng bếp trưởng, là người Việt Nam duy nhất đảm đương vị trí này trong chuỗi gần 1.200 khách sạn trên toàn thế giới của Tập đoàn Starwood khi chưa tròn 40 tuổi. Và thời điểm đó, anh cũng là người Việt đầu tiên làm Tổng bếp trưởng trong một khách sạn quốc tế 5 sao tại Việt Nam. Với giới trẻ và đặc biệt là những người theo đuổi đam mê ẩm thực, anh Chung được coi là một trong những tấm gương sáng khởi nghiệp.

Không có dáng vẻ bệ vệ của một đầu bếp, nhưng đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ của anh vẫn ánh lên niềm vui khi trò chuyện về đề tài tuổi trẻ khởi nghiệp với nghề đầu bếp. Anh nói, mọi việc chỉ là dọ dẫm tìm lối, nhưng khi đam mê, các bạn trẻ có rất nhiều con đường để thỏa mãn mơ ước của mình. “Mặc dù nghề đầu bếp ở Việt Nam đã được nhìn nhận khác hơn, có thể đem lại công việc có thu nhập tốt nhưng việc đào tạo lại chưa phát triển tương xứng. Trong nước rất ít trường đào tạo nghề một cách chuyên nghiệp và đẳng cấp. Bên cạnh các trung tâm dạy nghề tự phát, chỉ vài trường hệ trung cấp, cao đẳng đào tạo nghề bếp, vì thế các đầu bếp của Việt Nam thiệt thòi khi không có được nền tảng cơ bản về chuyên môn khi thực hành nghề” - anh Chung tâm sự.  

Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung tại khách sạn Sheraton Hà Nội.
Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung tại khách sạn Sheraton Hà Nội.

Giới thiệu ẩm thực ra bạn bè thế giới

Bạn bè quốc tế khi nói tới Việt Nam thường nghĩ ngay tới nem, phở, nhưng thực tế, sau hơn 20 năm trong nghề đầu bếp, với hàng chục lần đem chuông đi đánh xứ người - giới thiệu ẩm thực với bạn bè thế giới, theo đầu bếp Nguyễn Công Chung ẩm thực Việt có một vị trí rất đặt biệt. Một trong những ưu điểm được bạn bè quốc tế đánh giá cao là hầu hết món Việt mang ra nước ngoài đều được đánh giá cao về độ thanh, nguyên liệu tươi, gia vị độc đáo, quy trình nấu nướng không lâu. Trong khi đồ ăn của một số quốc gia lại quá nhiều dầu mỡ và chủ yếu là hầm. Nhưng món ăn Việt khó đảm bảo hương vị khi ra nước ngoài bởi nguyên liệu, đặc biệt là rau gia vị. Nếu thiếu những gia vị đó món ăn sẽ hoàn toàn thay đổi. Vì thế để đưa được hương vị ẩm thực Việt thuần khiết đến với thế giới cần sự nghiêm cẩn của người đầu bếp trong cả khâu hậu cần và chế biến.

Trên thực tế, ẩm thực Việt Nam cũng đã tạo được nhiều dấu ấn với quốc tế. Năm 2015, kênh truyền hình BBC - Anh quốc đã dành riêng một chương trình phát sóng về ẩm thực Việt Nam qua những trải nghiệm thực tế của vị giám khảo nổi tiếng và vô cùng khó tính Gordon Ramsay, giám khảo chính của cuộc thi “Master Chef USA- Vua đầu bếp Hoa Kỳ”. Hành trình ẩm thực xuyên Việt của ngôi sao đầu bếp Gordon Ramsay vô cùng hấp dẫn bắt đầu từ chiếc ghe bán bún quen thuộc trên sông ở Tây Nam bộ, tiếp đó TPHCM với những món ăn tươi sống nhất, giá rẻ nhất và đặc biệt là các cách chế biến món ăn “không bỏ sót thứ gì” có một không hai của người dân nơi đây. Ra tới Hà Nội, Gordon Ramsay được làm quen với madame Duck - biệt danh của bà Khoa bán vịt nổi tiếng ở Hà Nội. Sau đó, Gordon ngược ra Mai Châu, nơi có lúa gạo ngon nhất... Và cuối cùng, kết thúc chuyến hành trình là bữa tiệc 7 món ăn Việt truyền thống được chế biến với thịt heo do chính tay Gordon Ramsay thực hiện tại nhà hàng Hà Nội xưa gồm nộm tai lợn, lợn xiên nướng, sườn heo chua ngọt, chân giò càri, thịt kho caramel, bún thịt heo. Hành trình ẩm thực dọc Việt Nam đã đưa tới cho người xem những trải nghiệm đầy ấn tượng về những món ăn dân giã mà đầy quyến rũ của đất nước lúa nước. Chính hành trình ẩm thực đặc biệt ở Việt Nam cùng cuộc gặp gỡ ấn tượng với dì Hai "nữ hoàng nước dùng" vùng sông nước Tây Nam bộ đã đem đến cho đầu bếp Gordon Ramsay ý tưởng đưa món hủ tiếu vào trong một phần thi thử thách cho các thí sinh cuộc thi Master Chef USA mùa 4.

Cùng đó, ẩm thực Việt Nam cũng được biết đến với những món ăn đường phố như bánh xèo, bánh mì kẹp thịt... Nền ẩm thực đa dạng, màu sắc và được đánh giá khá cá tính nhưng cho tới tận thời điểm này ẩm thực Việt Nam vẫn chỉ là một vị trí mờ nhạt trên bản đồ ẩm thực thế giới. Theo Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung, cần phải có một chiến lược quảng bá ẩm thực Việt ở nước ngoài. Anh chia sẻ, trong một số lần tham gia giao lưu ẩm thực, thực khách rất thích ăn món của Việt Nam, quy trình nấu đơn giản, nhưng cái hấp dẫn chính là hành hoa và một chút rau cần thái nhỏ nêm nếm. Hai thứ rau đó cho bát canh một hương vị tuyệt vời, khó quên. Không cần phải tỉa tót cầu kỳ, đôi khi món ăn Việt Nam thu hút du khách từ những điều đơn giản nhất... Nguyễn Công Chung khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể gây dựng những tour du lịch ẩm thực thành công, đơn giản bởi đi đến đâu trên dải đất hình chữ S này cũng có những đặc sản vùng miền. Ngay cả việc gây một tour ẩm thực vỉa hè thôi cũng đã đủ độc đáo và thu hút du khách rồi.

Khi điều đó trở thành hiện thực, không chỉ ẩm thực Việt mà du lịch Việt và đầu bếp người Việt cũng sẽ có thêm nhiều hành trang mới khi bước ra thế giới.

Các tin khác