Trách nhiệm xã hội khi cho vay dự án nhạy cảm

(ĐTTCO) - Khi cho vay đầu tư dự án yếu tố quan trọng nhất đối với NH là khả năng trả nợ của dự án. Trong khi đó, yếu tố không kém phần quan trọng là trách nhiệm xã hội NH lại chưa quan tâm đúng mức. Một dự án nhạy cảm và gây ô nhiễm môi trường, về mặt tài chính theo con số tính toán có thể rất tốt với NH, nhưng về mặt xã hội là vấn đề đáng bàn. ĐTTC trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia NH, về vấn đề này

(ĐTTCO) - Khi cho vay đầu tư dự án yếu tố quan trọng nhất đối với NH là khả năng trả nợ của dự án. Trong khi đó, yếu tố không kém phần quan trọng là trách nhiệm xã hội NH lại chưa quan tâm đúng mức. Một dự án nhạy cảm và gây ô nhiễm môi trường, về mặt tài chính theo con số tính toán có thể rất tốt với NH, nhưng về mặt xã hội là vấn đề đáng bàn. ĐTTC trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia NH, về vấn đề này

PHÓNG VIÊN: - Thưa TS. quy trình thẩm định cấp tín dụng cho một dự án diễn ra như thế nào và có khác việc cấp tín dụng cho dự án trọng điểm quy mô lớn?

Một dự án thủy điện, hoặc dự án khai thác dầu mỏ, tài nguyên, thép… cần có những chuyên gia về môi trường mới đánh giá hết tác động thế nào đến môi trường, trong khi đa số NH không có chuyên gia này.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Quy trình cấp tín dụng đối với dự án quy mô lớn hay nhỏ đều giống nhau. Nhưng quy trình phân tích tín dụng có sự khác nhau giữa quan hệ tín dụng với doanh nghiệp và dự án cho vay. Quan hệ tín dụng là NH có quan hệ với doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động giao dịch, cho vay, dịch vụ... Còn thẩm định dự án, NH tập trung vào vòng xoay của dòng tiền bỏ vào dự án đó, không quan tâm đến quan hệ khách hàng. Để thẩm định một dự án, bước khởi đầu NH phải xem chủ đầu tư là ai, khả năng tài chính như thế nào, dự án tiến hành có tính khả thi, kế hoạch tài chính liên quan đến dự án cần bao nhiêu tiền trong thời gian bao lâu và làm sao thu hồi nợ. Nghĩa là NH thẩm định tất cả nội dung trên từ khía cạnh năng lực tài chính của chủ đầu tư đến vòng quay nguồn vốn và nhu cầu về vốn, tức ai sẽ là người bỏ vốn vào dự án và NH sẽ cho vay bao nhiêu trong thời hạn ra sao và lãi suất như thế nào.

- Như vậy, trong các tiêu chí để cấp tín dụng của NH ngoài hiệu quả kinh doanh dự án mang lại, NH có đánh giá tiêu chí về môi trường, thưa TS.?

- Đúng là yếu yếu tố môi trường rất quan trọng trong quá trình thẩm định tín dụng, nhưng rất tiếc ở Việt Nam các NH chưa quan tâm đúng mức. Khoảng 30 năm trước, Hoa Kỳ cũng chưa quan tâm đến vấn đề tác động môi trường, nhưng về sau họ nhận thấy những tác hại tiêu cực của nó. Hiện nay, các NH tại Hoa Kỳ cũng như các nước trên thế giới xem đây là một phần quan trọng trong khâu thẩm định phân tích tín dụng.

 

Ở Việt Nam, các NH thông thường chú trọng đánh giá khả năng tài chính của chủ đầu tư, tính khả thi về mặt tài chính của dự án, trong khi bỏ ngỏ yếu tố ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội. Đây phải được xem là nhiệm vụ của NH, vì là người cung cấp vốn NH phải hiểu nhà cung cấp vốn để phát triển dự án đó có tác động thế nào đến môi trường. Chẳng hạn, về một dự án thủy điện, hoặc dự án khai thác dầu mỏ, tài nguyên, cần có những chuyên gia về môi trường mới đánh giá hết tác động thế nào đến môi trường, trong khi đa số NH không có chuyên gia này.

- Thông thường với những dự án trọng điểm hoặc triển khai tại những địa phương khó khăn, chủ đầu tư thường xin các gói tín dụng ưu đãi. Gần đây nhất là dự án thép Cà Nà mà Tập đoàn Hoa Sen dự tính đầu tư, ông đánh giá như thế nào?

- Khi xem xét cấp tín dụng cho những dự án trọng điểm, có 2 mặt tài chính và tín dụng NH phải đánh giá. Tất nhiên dự án phải chứng minh được khả năng thu hồi nợ, tức khả năng “sản xuất” ra tiền như thế nào để trả nợ NH cũng như trả vốn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, vấn đề tác động của nước thải, hóa chất thải ra từ dự án, chẳng hạn ở đây là một dự án thép, sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường là khâu rất quan trọng, không thể bỏ qua. Tất cả các cấp chính quyền Trung ương cũng như địa phương phải quan tâm vấn đề này, bởi lẽ NH và các nhà tài trợ vốn thường không có nghiên cứu đánh giá về sự tác động này.

Thực tế thời gian qua, môi trường đang bị xâm hại nghiêm trọng từ những dự án nhạy cảm, mà Formosa là minh chứng rõ ràng nhất. Nếu chúng ta không thận trọng, chỉ trong vòng 20 năm nữa sự tác động của những dự án liên quan đến khai thác kim loại, hoặc dự án có nguy cơ tác động sẽ khiến môi trường bị xâm hại khủng khiếp hơn. Vì thế, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan cấp phép, đòi hỏi trách nhiệm của các NH, nhà tài trợ và cần có quy định chặt chẽ từ phía nhà quản lý.

- Thưa TS., khi nhắc đến trách nhiệm xã hội của NH thường được đề cập đến những góc độ nào?

- Như tôi đã nói phần trên, đa số NH Việt Nam chưa nhận thức hết trách nhiệm xã hội của mình trong việc cho vay. Các NH sẵn sàng cho vay khi họ thấy người đi vay có khả năng trả nợ. Những dự án của Chính phủ các NH đều sốt sắng cho vay. Trong khi đó, trách nhiệm xã hội của NH rất bao quát, liên quan đến những vấn đề dự án đó tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho vùng đó, các vấn đề môi trường, sinh thái, xã hội xung quanh và phát triển nền kinh tế địa phương đó. Vấn đề Formosa rất tiêu biểu khi nhà đầu tư không quan tâm đủ sự tác động đến môi trường sinh sống của người dân. Rõ ràng ngoài việc cung cấp tín dụng, các NH cũng phải có trách nhiệm quan tâm đến môi trường trong quá trình thẩm định hiệu quả của dự án.

- Xin cảm ơn TS.

Các tin khác