Nới room ngoại mới giải bài toán tái cơ cấu

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc với 16 quỹ đầu tư trong chuyến thăm Hồng Công, Trung Quốc ngày 15-9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định có thể nâng hạn mức nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lên trên 30% cổ phần tại các NH Việt Nam. Việc nới room khối ngoại lên trên 30% đã được đề cập rất nhiều lần trong 3 năm qua nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực, vì vậy kỳ vọng đối với lần này rất lớn.

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc với 16 quỹ đầu tư trong chuyến thăm Hồng Công, Trung Quốc ngày 15-9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định có thể nâng hạn mức nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lên trên 30% cổ phần tại các NH Việt Nam. Việc nới room khối ngoại lên trên 30% đã được đề cập rất nhiều lần trong 3 năm qua nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực, vì vậy kỳ vọng đối với lần này rất lớn.

Kỳ vọng nới room

Trong 3 năm trở lại đây, vấn đề nới room cho các NĐTNN tại NHTM Việt Nam liên tục được Chính phủ hoàn thiện. Đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2014, theo đó tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hoặc của một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và các cá nhân liên quan không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam, tức cao hơn 5% so với  so với quy định tại Nghị định 69/2007. Tổng mức sở hữu cổ phần của NĐTNN không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Đồng thời, tại một số TCTD yếu kém, tỷ lệ sở hữu này có thể được nâng lên không hạn chế và do Thủ tướng quyết định cho từng trường hợp.  

Từ nay tới năm 2020, Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính theo cam kết khi gia nhập WTO. Vì vậy, thời điểm này việc xây dựng một bộ khung pháp lý chặt chẽ và linh hoạt để quản lý dòng vốn ngoại ở NH nhằm thực hiện nới room cho NĐTNN là rất cần thiết để giúp NH hút được tiền tươi thóc thật, giải quyết những vấn đề tồn tại và nâng tầm quy mô hoạt động.

Tháng 4-2015, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các NHTM Việt Nam lên trên mức trần 30%. Trong Nghị định 60/2015 quy định về tỷ lệ tham gia của NĐTNN trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1-9-2015 cũng đã có một số điều chỉnh quan trọng về nới room cho NĐTNN tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn không thuộc lĩnh vực kiểm soát, nắm giữ tỷ lệ nhất định được nới room lên mức tối đa 100%. Tuy nhiên, cho đến nay NĐTNN tại các NH trong nước vẫn chỉ được nắm giữ tối đa 30% vốn điều lệ của một NH nội, trong đó đối tác chiến lược được phép sở hữu tối đa 20%.

 Với quy định hiện tại, đã có nhiều NHTM niêm yết lẫn chưa niêm yết đã chạm mức trần quy định về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại. Do đó, các NHTM đã liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Mức đề nghị nới room của một số NHTM nhà nước là 35-40%, còn các NHTMCP mong muốn được nới room lên đến 49% hoặc hơn nữa. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài cũng đã có các kiến nghị tăng mức sở hữu của NĐTNN tại các NH lên 50% và thậm chí là 65%.

Song đến nay, chỉ SCB cho biết NHNN đã chấp thuận về mặt chủ trương cho NH này được tìm kiếm cổ đông ngoại mua cổ phần trên 50% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu của NĐTNN ở các NHTM khác vẫn chưa được “cởi trói” như mong muốn của NH cũng như đối tác ngoại. Chính vì vậy, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước 16 quỹ đầu tư lớn nắm giữ nguồn vốn khoảng 9.500 tỷ USD, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Quỹ State Street Global Advisors nắm giữ 2.400 tỷ USD, Quỹ Morgan Stanley nắm giữ 2.000 tỷ USD và Quỹ Colbert Nocom đang quản lý 1.500 tỷ USD, đã tạo ra kỳ vọng rất lớn về việc nới room khối ngoại sẽ sớm được hiện thực hóa.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Cởi trói để tái cơ cấu

Trong giai đoạn tái cơ cấu NHTM 2011-2015, sáp nhập NH là giải pháp chủ yếu để xử lý các TCTD yếu kém. Tuy nhiên, giải pháp này có vẻ không còn được ưa chuộng trong giai đoạn này, bởi các NH sau sáp nhập đã tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, mạng lưới và nhân sự nhưng phải đối mặt với việc chi phí hoạt động tăng mạnh cộng với áp lực xử lý nợ xấu lớn. Chẳng hạn tại Sacombank, 6 tháng đầu năm 2016 NH chỉ đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm mạnh 76% so với cùng kỳ năm trước do sau sáp nhập phải tăng mạnh phần trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu từ SouthernBank chuyển sang. Trong 2 quý đầu năm 2016, BIDV cũng ghi nhận tổng chi phí hoạt động tăng mạnh 32,55% so với cùng kỳ lên 5.781 tỷ đồng, chủ yếu do việc sáp nhập MHB.

Năm 2016, mặc dù NHNN đã xác nhận thông tin sáp nhập của một số NH nhà nước với các NHTMCP yếu kém nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo mới liên quan đến vấn đề này, trong khi đó một số NHTMCP lớn cũng thẳng thắn bày tỏ sẽ không nhận sáp nhập các NH yếu kém. Do đó, để tái cơ cấu, các NH yếu kém chỉ còn kỳ vọng vào đối tác ngoại. Hơn nữa, một nguồn tin của ĐTTC cho biết ngay cả NHNN cũng đang tìm kiếm đối tác ngoại chào bán cổ phần của 3 NH 0 đồng. Ngược lại, các NH lớn lại cần sự đầu tư của đối tác ngoại để tăng vốn đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II, vì hiện nay khả năng tăng vốn bằng nội lực rất hạn chế.

Gần đây, sự hợp tác giữa NH với NĐTNN cũng đã có dấu hiệu sôi động trở lại sau một thời gian im ắng. Cụ thể, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore ký thỏa thuận ghi nhớ về việc mua 305,8 triệu cổ phần phát hành trong đợt phát hành riêng lẻ của Vietcombank dự kiến diễn ra vào quý IV năm nay, tương đương 7,7% cổ phần, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm NH Thế giới, cũng đã đầu tư khoảng 18,3 triệu USD thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi để sở hữu 4,99% cổ phần tại TPBank. Đồng thời, bộ phận tư vấn mua bán và sáp nhập của Deloitte cũng cho biết, các NĐTNN vẫn thường xuyên đặt câu hỏi liên quan đến cơ hội đầu tư vào các NH Việt Nam, kể cả các NH yếu kém.

Nới room mang lại nhiều lợi ích cho NH, nhưng lâu nay nhà điều hành vẫn chần chừ vì lo ngại khi NĐTNN nắm quyền chi phối tại các NH có thể tác động đến chính sách hoạt động của hệ thống NH Việt Nam. Song theo thống kê của Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH, toàn hệ thống còn đến 12 NH có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng và nhiều TCTD đang gặp vấn đề trong hoạt động, cần phải hợp tác với các đối tác tương xứng để tái cấu trúc, tránh bị đào thải. Do đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng nới room mặc dù có rủi ro nhưng cũng cần phải xem xét theo từng trường hợp cụ thể để các NH bổ sung nguồn lực tài chính.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, nếu lo ngại sự chi phối của khối ngoại, giới hạn tỷ lệ sở hữu của khối ngoại quy định tối đa là 49% trong đó, đối tác chiến lược sở hữu tối đa 30% để nhà đầu tư trong nước nắm quyền khống chế. Theo quy định hiện hành, muốn thông qua những quyết định quan trọng tại ĐHCĐ cần phải đạt được sự đồng thuận của 75% tổng số cổ phần, nên nâng hạn mức sở hữu như vậy khối ngoại cũng không thể chi phối, lũng đoạn NH theo mục đích cục bộ. Các chuyên gia tài chính nhận định, nếu Chính phủ khẳng định sẽ nới room nên tiến hành sớm, vì thời điểm này các NHTM đang rất cần sự hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng vốn cải thiện hệ số CAR để tăng cường nội lực trước khi chính thức hội nhập.

Các tin khác