Cảnh báo núp bóng đa cấp huy động tiền

(ĐTTCO) - Trên thị trường đang xuất hiện hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp, hay huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Khuyến cáo từ Bộ Công Thương là nhà đầu tư cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo.

(ĐTTCO) - Trên thị trường đang xuất hiện hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp, hay huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Khuyến cáo từ Bộ Công Thương là nhà đầu tư cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo.

 

Từ giữa tháng 8-2016 đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã có thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của CTCP Zogo có địa chỉ trụ sở chính tại Hà Nội do không kinh doanh các mặt hàng đã đăng ký theo phương thức bán hàng đa cấp; quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long, sau khi doanh nghiệp này bị xử phạt số tiền 460 triệu đồng ngày 2-8.

Tiếp đến, Cục cũng thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với CTCP Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam, đồng thời phạt số tiền 350 triệu đồng về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp; chấm dứt hoạt động 2 Công ty TNHH Tupperware Việt Nam và Công ty TNHH MTV CVI LINK Việt Nam trụ sở tại TPHCM vì không hoạt động trong 12 tháng kể từ khi cấp giấy phép.

Đáng nói dù trụ sở chính của những công ty kinh doanh đa cấp ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, nhưng thông tin liên hệ tại địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp lại trải dài ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Vào tháng 6-2016, Cục Quản lý cạnh tranh bắt đầu thanh tra đợt 1 với 7 công ty bán hàng đa cấp. Một loạt sai phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được phát hiện và xử phạt với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Bao gồm các CTCP Liên kết tri thức (K-Link), Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long, CTCP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, CTCP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Công ty Vinalink), và 3 công ty khác là Thiên Ngọc Minh Uy, Amway Việt Nam và Unicity Marketing Việt Nam. Riêng với công ty Amway Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra từ ngày 18-7-2016 và công bố kết quả ngay khi có kết luận chính thức.

Theo cảnh báo mới nhất của Bộ Công Thương đến người tiêu dùng, trong thời gian vừa qua, hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng để cung cấp dịch vụ, giao dịch tiền ảo, huy động tài chính nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Một trong các hoạt động được Bộ Công Thương nêu chú ý là xuất hiện hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp. Trong hoạt động này, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng.

Một khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống (hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống). Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài. Việc tham gia hoạt động kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro như cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể dễ dàng sử dụng, chiếm đoạt các nguồn tài chính của nhà đầu tư mà không có bất cứ sự ràng buộc nào giữa 2 bên.

Cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể đánh sập hệ thống, xóa các dữ liệu về người đầu tư và biến mất bất cứ lúc nào. Theo quy định hiện hành, các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, trường hợp xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản… Trong nhiều trường hợp, các dự án này chỉ là vỏ bọc để che đậy hoạt động huy động tiền.

Bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người vào mạng lưới trước. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư. Biểu hiện của mô hình này là các tổ chức hứa hẹn trả hoa hồng, tiền thưởng cao bất thường so với số tiền bỏ ra ban đầu hoặc hứa hẹn với người tham gia chỉ cần đầu tư tiền vào các dự án sau đó không phải làm gì cũng được hưởng nhiều loại hoa hồng, tiền thù lao và các lợi ích kinh tế khác. Việc tham gia hoạt động kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tổ chức, cá nhân kêu gọi đầu tư sẽ dễ dàng sử dụng và chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Các tin khác