2019 mới hoàn thành dự án chống ngập TSN

(ĐTTCO) - ĐTTC số ra ngày 15-9 có bài: “Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất(TSN): Cần cuộc đại phẫu”, phản ánh tình trạng sân bay quốc tế TSN liên tiếp xảy ra ngập nước các bãi đỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm chuyến bay, uy hiếp an toàn hàng không và gây thiệt hại kinh tế. Cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp thị sát đoạn kênh bị lấn chiếm khiến sân bay TSN (quận Tân Bình) liên tục ngập úng sau mưa lớn (ảnh).

(ĐTTCO) - ĐTTC số ra ngày 15-9 có bài: “Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất(TSN): Cần cuộc đại phẫu”, phản ánh tình trạng sân bay quốc tế TSN liên tiếp xảy ra ngập nước các bãi đỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm chuyến bay, uy hiếp an toàn hàng không và gây thiệt hại kinh tế. Cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp thị sát đoạn kênh bị lấn chiếm khiến sân bay TSN (quận Tân Bình) liên tục ngập úng sau mưa lớn (ảnh).

Trước mắt chống ngập bằng máy bơm

Tại quận Tân Bình, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đã thị sát 3 điểm dọc kênh A41 - kênh phụ trách thoát nước cho khu vực phía Nam sân bay TSN. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, giải thích sân bay TSN được quy hoạch, xây dựng chia làm 3 khu vực thoát nước. Trong đó, khu vực hành chính, khu sân golf thoát nước về hướng đường Phạm Văn Bạch ra kênh Tham Lương. Hướng thứ hai khu vực nhà ga quốc tế và khu vực sửa chữa máy bay thoát nước ra mương Nhật Bản. Và hướng thứ ba khu vực sân đậu máy bay nước thoát ra mương A41 ra đường Cộng Hòa. Thời gian qua Trung tâm Chống ngập TP phối hợp cùng chính quyền địa phương vớt rác, khơi thông dòng chảy cho 2km kênh A41. Tuy nhiên, nhiều vị trí lấn chiếm khiến dòng chảy thu hẹp, khả năng thoát nước kém đã dẫn tới ngập cục bộ tại khu vực phường 4, quận Tân Bình trong cơn mưa lớn chiều 26-8. Tại vị trí thoát nước ra đường Cộng Hòa, dòng chảy chỉ còn 80cm làm nước thoát chậm, dẫn đến sân bay TSN (khu vực giáp kênh A41) cũng bị ngập.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết TP đã thông qua chủ trương và giao cho quận Tân Bình làm chủ đầu tư dự án cải tạo kênh A41 gồm 2 giai đoạn: 2016-2018 làm công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng với kinh phí 400 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ 2017-2019, kinh phí dự kiến 160 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn cắm ranh, xác định khu vực nào không lấn chiếm để bồi thường; đồng thời, thuê tư vấn xác định năng lực thoát nước. “Tuy nhiên, trước mắt để tháo gỡ tình trạng ngập sân bay TSN, trong tháng 9 này Trung tâm Chống ngập TP sẽ khảo sát một số vị trí đặt trạm bơm để phòng trời mưa to nước thoát không kịp. Còn chống ngập sân bay về lâu dài phải chờ đợi dự án cải tạo kênh A41 hoàn thành” - ông Dũng cho biết. Lãnh đạo quận Tân Bình kiến nghị được điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất và tạm ứng nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá. Nếu công tác phê duyệt đơn giá bồi thường được làm nhanh, năm 2019 có thể hoàn thành dự án.

Địa phương buông lỏng quản lý

Ghi nhận thực tế của đoàn công tác tại hiện trường, kênh A41 xuất phát từ đoạn cống hộp gần 400m trong sân bay TSN trước khi thoát ra con kênh hở bên ngoài gần góc đường Phan Thúc Duyện. Đoạn kênh có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước của sân bay TSN, nhưng kênh A41 đang bị tắc nghẽn bởi rác, xà bần, thùng xốp, bao ni lông, than tổ ong. Cùng với đó, dòng kênh còn bị lấn chiếm bởi công trình xây dựng của người dân khiến nhiều đoạn kênh chỉ còn rộng chưa tới 1m. Người dân địa phương phản ánh với đoàn công tác, trước đây dòng kênh rộng hơn 4m và rất sâu. Mỗi lần mưa lớn nước tiêu thoát rất nhanh. Nhưng hiện giờ 2 bên bờ kênh bị người dân xả rác, lấn chiếm bừa bãi khiến lòng kênh bị bồi lấp, không còn khả năng tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến sân bay ngập do khu vực đoạn cống hộp 400m trong sân bay thấp hơn so với bề mặt của lòng kênh.

Sau khi thị sát và nghe báo cáo tình trạng lấn chiếm kênh rạch khu vực các quận Tân Bình, Gò Vấp, 12, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo kênh rạch, không để ngập úng kéo dài. Trong khi chờ dự án thoát nước được triển khai và đi vào hoạt động, phải thực hiện gia cố bờ, nạo vét mương để cải thiện việc thoát nước. Bên cạnh việc khơi thông dòng chảy, chính quyền địa phương cần vận động người dân không xả rác cũng rất quan trọng. Quận Tân Bình chuẩn bị các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài chính lưu ý vấn đề tiền tạm ứng để hỗ trợ quận Tân Bình. “Chính quyền địa phương bấy lâu nay buông lỏng quản lý nhà nước để người dân lấn chiếm, giờ hỗ trợ di dời tốn rất nhiều tiền. Công tác quản lý vậy là không tốt. Về giá cả bồi thường đối với những hộ dân lấn chiếm trái phép chỉ được hỗ trợ” - ông Phong nói.

Cần xây cầu cạn trục Cộng Hòa-Trường Chinh

Bình Minh

Những ngày qua, vấn nạn ùn tắc giao thông tại cửa ngõ các trục đường dẫn vào sân bay TSN được người dân TPHCM và cả nước quan tâm. Đã có doanh nghiệp đề xuất tham gia đầu tư hệ thống cầu cạn, còn được gọi “đường trên cao” với tổng chiều dài hơn 5km với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Từ ý tưởng của doanh nghiệp đến phê duyệt của các cơ quan chức năng và cho đến lúc triển khai, đưa dự án vào vận hành là cả quá trình lâu dài. Tuy nhiên, đề xuất nói trên cũng thắp lên tia hy vọng cho người dân TP, rằng vấn nạn kẹt xe tại những trục đường dẫn vào sân bay TSN sẽ được cải thiện. Là người thường xuyên đi lại hàng ngày qua khu vực này, đặc biệt trục Cộng Hòa, tôi có vài ý kiến như sau. Trên đường Cộng Hòa, đoạn từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến mũi tàu Cộng Hòa-Trường Chinh vào giờ cao điểm thường xuyên kẹt xe do lượng xe ở ngoại thành đổ về quá đông. Mặc dù vậy, những tháng gần đây vào giờ cào điểm (từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30) tại 2 giao lộ trên trục Cộng Hòa với đường Ấp Bắc và đường Tân Kỳ Tân Quý, ngành giao thông đã dùng barie bít lại để “dòng chảy” được thông suốt. Theo quan sát của chúng tôi, khi phân luồng như thế giao thông trên trục đường này khá thoáng, bởi các phương tiện chạy suốt không quẹo vô 2 con đường nói trên. Trong những ngày này, vì lý do nào đó 2 nút giao thông này không được bít, lập tức cả con đường bị ùn ứ.

Từ đó, có thể thấy để giải quyết bài toán giao thông từ trung tâm về cửa ngõ Tây Bắc một trong những giải pháp hữu hiệu là có thể nghiên cứu, đầu tư ngay dự án cầu cạn từ Lăng Cha Cả xuyên trục Cộng Hòa vào trục Trường Chinh đến ngã tư An Sương, thậm chí đến ngã tư Trung Chánh (Quốc lộ 22) dẫn về khu đô thị Tây Bắc- Củ Chi. Ngoài ra, đầu tư cho trục đường này cũng chính là góp phần giải quyết nạn kẹt xe tại cửa ngõ sân bay TSN cũng như góp phần phát huy hiệu quả dự án đường trên cao do doanh nghiệp đề xuất với TP để triển khai. Nếu các con đường xung quanh sân bay được khơi thông nhưng thiếu kết nối với những tuyến giao thông có tính then chốt như trục Cộng Hòa, e rằng dự án sẽ khó phát huy tác dụng.

Toàn bộ trục Cộng Hòa-Trường Chinh (điểm dừng ngã tư An Sương) có chiều dài khoảng 6km. Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng bài toán quỹ đất cho giao thông để giải quyết nạn kẹt xe trên đường Cộng Hòa nói riêng và các ngã về Tây Bắc nói chung hiện nay rất khó khăn vì kinh phí đền bù rất lớn. Do đó giải pháp cầu cạn là khả thi nhất, về mặt kỹ thuật, kinh phí cũng như quỹ đất khi không phải đền bù, thời gian thi công rất nhanh, trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh hiện nay có quỹ đất “con lươn” ở giữa đường rất thuận lợi, nếu dự án được triển khai bề mặt đường hiện hữu cũng không bị tác động gì. Ngoài ra, nếu trục đường này được đầu tư cũng góp phần giải tỏa áp lực giao thông trên đường Trường Chinh (đoạn từ mũi tàu đến ngã tư Bảy Hiền).

Giao thông tại cửa ngõ TSN và các trục giao thông nối với cửa ngõ Tây Bắc có tác động tương hỗ lẫn nhau. Nếu bài toán giao thông của khu vực này được giải, không đơn thuần chỉ giải quyết việc đi lại hàng ngày của người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực Tây Bắc ngày càng phát triển hơn. Rất mong các nhà khoa học, các cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu và triển khai dự án này.

Các tin khác