Vẻ đẹp nguyên mẫu trong 4 câu thơ

(ĐTTCO) - Bài thơ “Ta đi tới” nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu đã đi cùng năm tháng cùng bao thế hệ học sinh và người dân Việt Nam với hơn 90 câu thơ mô tả những địa danh và con người suốt chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Nhưng đáng nói, hầu hết chúng ta chỉ thuộc cửa miệng 4 câu thơ. Chúng tôi đã quyết định lên đường khám phá vẻ đẹp ngoài thực địa hiện nay được xem là nguyên mẫu của 4 câu thơ trên.

(ĐTTCO) - Bài thơ “Ta đi tới” nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu đã đi cùng năm tháng cùng bao thế hệ học sinh và người dân Việt Nam với hơn 90 câu thơ mô tả những địa danh và con người suốt chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Nhưng đáng nói, hầu hết chúng ta chỉ thuộc cửa miệng 4 câu thơ. Chúng tôi đã quyết định lên đường khám phá vẻ đẹp ngoài thực địa hiện nay được xem là nguyên mẫu của 4 câu thơ trên.

Nơi rừng cọ - đồi chè -

đồng xanh ngào ngạt

“Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...”

Nếu như Tây nguyên có rừng xà nu, Trung du và miền núi phía Bắc có rừng cọ. Cọ không chỉ “xòe ô che nắng râm mát đường em đi”, mà còn che chở bộ đội trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ oanh liệt. Nói đến rừng cọ, nhiều người nghĩ ngay đến mảnh đất Phú Thọ. Đây là thủ phủ của cây cọ, với diện tích có lúc lên tới 9.000-10.000ha. Hiện nay rừng cọ ở Phú Thọ đã bị sụt giảm nghiêm trọng, theo các cơ quan chức năng diện tích chỉ còn trên 1.000ha. Chúng tôi đã lang thang trên những vùng đất Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tân Sơn… để tìm vẻ đẹp của cây cọ. Trước đây người ta thường tận dụng khoảng đất dưới chân tán cọ để trồng chè. Nhưng hiện nay những đồi chè xanh hầu như không thấy bóng cọ bên trên. Vẻ đẹp lãng mạn kết hợp giữa 3 chủ thể rừng cọ-đồi chè-đồng xanh cùng xuất hiện trong tầm mắt không còn, làm chúng tôi cảm thấy tiếc nuối.

Không nản chí chúng tôi lại tiếp tục lên đường để một lần thỏa ước mong ngắm trọn vẻ đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi! … với rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt ấy. Dường như duyên cơ không định trước. Trong một chuyến đi qua Quốc lộ 2C chúng tôi bất ngờ bắt gặp. 2 bên Quốc lộ 2C dài cả chục km, xa xa trên những quả đồi xuất hiện rừng cọ, đồi chè, đồng xanh như hương hoa ngào ngạt dâng lên cuộc đời lữ khách. Nét đẹp ấy bình dị, lặng lẽ, nhưng cũng trường tồn biết bao. Chúng tôi được biết 1 xã bên Quốc lộ 2C thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang có hẳn một thôn mang tên Cây Cọ. Cụ ông Nông Văn Bân, đã ngoài 80 tuổi ở thôn Cây Cọ, tâm sự: “Từ bé đến bằng này tuổi tôi đã nhìn thấy bóng cọ xuất hiện trên những cánh đồng. Cây cọ rất dễ sống, sức sống bền bỉ hầu như không cần bàn tay chăm bón. Chúng tôi cứ thế bảo nhau giữ lấy rừng cọ như giữ đất, giữ làng”. Cụ Bân còn cho biết thêm việc khai hoang những vạt đồi để trồng chè đã có từ mấy chục năm trước. Thôn Cây Cọ và nhiều thôn, xã khác đã kết hợp trồng xen canh cây lúa, cây ngô và giữ lại rừng cọ, không chỉ để tăng thêm thu nhập cho bà con, mà còn để giữ cảnh quan một vẻ đẹp truyền thống quê mình.

 Vũ khúc sông Lô

Có được cọ-chè-lúa trong cùng một khuôn hình đã tạo cảm hứng vô bờ cho chúng tôi lang thang tiếp qua những nẻo đường ở Sơn Dương. Cảnh vật cũng dần dần hé mở khi một khúc sông Lô và bến nước Bình Ca trong 2 câu thơ tiếp theo xuất hiện. Chúng tôi đã may mắn được đi nhiều lần bằng thuyền trên sông Lô lẫn xe máy men dọc khúc sông này từ TP Việt Trì lên TP Tuyên Quang, thậm chí đi theo dòng Lô - Gâm tới vùng Chiêm Hóa, Na Hang. Mùa hạ, những ngày không có mưa ở vùng thượng nguồn, nước sông Lô trở nên trong xanh vô cùng diệu kỳ. Cái nắng chói chang của ánh mặt trời soi chiếu lấp lánh xuống dòng sông xanh thẳm. Cảnh vật đơn sơ với những vuông nuôi cá, tôm, vài bến đậu, làng chài của ngư dân bản địa. Đó là nguyên mẫu của sông Lô ngày hôm nay mà chúng tôi bắt gặp. Chỉ có điều tiếng hò ô, khúc hát của người con gái Tày, Nùng như năm nào không còn vang lên.

Theo các cụ cao niên, ở mạn đôi bờ sông Lô trước đây nhiều thiếu nữ Tày và Nùng biết chơi đàn tính (còn gọi là tính tẩu). Câu hò, tiếng đàn, khúc hát của các thiếu nữ Tày, Nùng đã theo những chuyến đò chở khách qua sông. Giờ đây những cô gái trẻ không còn hứng thú với loại nhạc cụ dân tộc này nữa. Cả huyện Sơn Dương may ra còn đôi ba nghệ nhân và một vài cô gái giữ được đam mê loại nhạc cụ này.

Để nghe tiếng hò qua sông, làn điệu dân ca và âm thanh của đàn tính có lẽ chúng ta phải đi đúng lễ hội mùa xuân khi được tỉnh Tuyên Quang và huyện Sơn Dương tổ chức trên bến nước Bình Ca. Bến nước Bình Ca hôm nay đã đổi thay nhiều, những chuyến phà máy chạy bình bịch thay cho đò tay chở khách sang sông. Tương lai không xa, cầu Bình Ca sẽ được khánh thành để nối đôi bờ Lô giang. Nếu ai muốn tìm chút hoài niệm về chuyến phà dào dạt, bến nước Bình Ca của câu thơ năm xưa có thể xuống bãi đá sát mép nước sông. Ở đó hình ảnh những chiếc đò bằng tre, nứa vẫn được nhiều hộ dân giữ lại.

Cánh đồng xanh bên vạt đồi chè, cọ ở Sơn Dương.
Cánh đồng xanh bên vạt đồi chè, cọ ở Sơn Dương.

Quyến rũ bóng đa cổ thụ

Những khuôn hình bao quát rừng cọ-đồi chè-đồng xanh như một vẻ đẹp tiềm ẩn chúng tôi tình cờ mới bắt gặp, còn cảnh sắc, vẻ đẹp của vùng Tân Trào, Sơn Dương lại quá nổi tiếng. Chiến khu cách mạng Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã in đậm dấu ấn. Không lật lại những trang sử hào hùng của quá khứ ấy nữa, chúng tôi quyết định đi tìm những bóng đa Tân Trào: “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”.

Đi khắp các xã, huyện ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nhưng chưa nơi nào chúng tôi thấy nhiều cây đa như ở xã Tân Trào. Ở Tân Trào đa mọc ở khắp nơi từ bờ ruộng, ven con đường thôn, thậm chí trong những mảnh vườn nhà dân. Những cây đa được xem như cổ thụ với tuổi đời vài trăm năm đếm không xuể. Cây đa Tân Trào thuộc loại siêu đại cổ thụ đã từng chết vì quá già, hiện nay đang cố gắng phục sinh. Nhưng ở quanh đình Tân Trào vẫn còn hàng chục gốc đa thuộc hàng đại cổ thụ đang tồn tại. Những bóng đa râm mát là nơi lũ trẻ chơi đùa vào ngày hè nắng nóng. Đa tạo cảnh quan cho di tích năm xưa thêm thâm nghiêm, cổ kính. Cụ ông Trần Văn Rào, người mấy chục năm trông coi đình Hồng Thái, cho biết: “Người dân ở các thôn trong xã chúng tôi từ đời này sang đời khác đều bảo nhau giữ gìn những cây đa đã có trên mảnh đất quê mình. Cây đa ở đây không chỉ gắn liền với chiến khu, với lịch sử mà còn gắn với những câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại của dân làng. Sau khi thống nhất đất nước chính quyền và cơ quan chức năng đã cho nhân giống, trồng mới nhiều cây đa bên cạnh việc bảo tồn những cây đã vào tốp cổ thụ, đại cổ thụ”.

Các tin khác