TPHCM: Doanh thu dịch vụ 8 tháng tăng 10,7%

(ĐTTCO) - Ngày 29/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn TP trong 8 tháng năm 2016.

(ĐTTCO) - Ngày 29/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn TP trong 8 tháng năm 2016.

 

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 8 tháng vừa qua, tình hình kinh tế- xã hội của TP tiếp tục có chuyển biến tích cực. Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế đạt kết quả khả quan, vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao. Các nguồn lực đầu tư phát huy hiệu quả đã góp phần thúc đẩy kinh tế TP tăng trưởng rõ rệt.

Cụ thể, tính chung trong 8 tháng năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP ước đạt 462.546,6 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2015 (nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,4%). Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 197.792,29 tỷ đồng, đạt 66,31% dự toán và tăng 9,9%.

Kim ngạch xuất khẩu của TP 8 tháng ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường xuất khẩu tăng nhanh, như Trung Quốc tăng 29,4%, Hàn Quốc tăng 30,8%, Indonesia tăng 167,5%, Hà Lan tăng 23,6%, Ấn Độ tăng 45,8%... Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là cà phê, gỗ, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử.

Các hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng đạt kết quả tích cực. Các nguồn tín dụng tại TPHCM chủ yếu tập trung hỗ trợ lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Kết quả đến nay dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 145.854 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 90.269 tỷ đồng, chiếm 61,9% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn…

Phát biểu tại cuộc họp, đánh giá chung về tình hình kinh tế- xã hội TP trong 8 tháng năm 2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng kinh tế TP dù đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế vẫn còn không ít mặt hạn chế.

Theo đó, nhiều chương trình hành động của TP đang triển khai chậm so với yêu cầu tiến độ, như việc triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ mới chỉ có khoảng 30% số đơn vị, sở ngành, quận huyện trình kế hoạch lên UBND TP; tiến độ giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn ngân sách còn chậm, mới chỉ đạt 40%, có nơi như huyện Bình Chánh mới giải ngân được hơn 10%…

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, năm nay nếu muốn đạt chỉ tiêu phát triển trên 8%, các sở ngành, quận huyện phải triển khai quyết liệt các chương trình hành động, dứt khoát không để xảy ra tình trạng chậm trễ như thời gian qua.

Từ nay đến cuối năm, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu các sở ngành, quận huyện khẩn trương xây dựng các kế hoạch cụ thể về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị. Trong đó, tập trung thực hiện dự án di dời, tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân ở trên và ven kênh, rạch trên địa bàn TP…

Giao các Phó Chủ tịch trực tiếp đi chống ngập

Tại cuộc họp, người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng đặc biệt nhắc nhở các sở ngành, quận, huyện về tình trạng ngập nước đang diễn ra nhức nhối trên địa bàn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà còn tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giao thông đô thị…

Đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND TP giao các Phó Chủ tịch từ nay đến tháng 9/2016 phải trực tiếp khảo sát tại các điểm ngập, điểm lấn chiếm kênh rạch, tổ chức làm việc với quận, huyện để nắm bắt tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể, dứt điểm không được để tái diễn ngập nước nghiêm trọng như những ngày vừa qua.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp về vụ ngập nước nghiêm trọng vừa xảy ra tại TPHCM ngày 26/8, Giám đốc Trung tâm chống ngập nước TP Nguyễn Ngọc Công cho biết, trận mưa vừa qua không có triều cường nhưng gây ngập nặng là do các tuyến cống thoát nước bị bít lại bởi rác, kênh rạch bị lấn chiếm chưa được giải toả.

Cụ thể, về việc ngập úng nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được xác định là có liên quan đến dự án cải tạo các tuyến mương, rạch tại khu vực, đặc biệt là tuyến mương A41 do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Riêng các tuyến đường Trường Sơn, Phan Xích Long, Kinh Dương Vương, nguyên nhân ngập được xác định đều do hệ thống thoát nước có khiếm khuyết, cống thu nước nhỏ và hẹp...

Các tin khác