VPBank thông tin thêm về vụ mất 26 tỷ đồng

(ĐTTCO) – Liên quan đến bài viết “26 tỷ đồng trong tài khoản biến mất, ngân hàng thoái thác trách nhiệm”, VPBank đã có Công văn số 1148/2016/CV-VPB gửi tới cơ quan báo chí để thông tin thêm về vụ việc này.

(ĐTTCO) – Liên quan đến bài viết “26 tỷ đồng trong tài khoản biến mất, ngân hàng thoái thác trách nhiệm”, VPBank đã có Công văn số 1148/2016/CV-VPB gửi tới cơ quan báo chí để thông tin thêm về vụ việc này.

 

Theo Ban lãnh đạo, VPBank khẳng định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan công an để làm sáng tỏ vụ việc. VPBank bảo đảm tuân thủ các qui định pháp luật, luôn tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn cho giao dịch, tài sản, tiền gửi của khách hàng. Đồng thời, VPBank cam kết luôn bảo đảm đến cùng quyền lợi của khách hàng theo đúng qui định pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, về ý kiến cho rằng Hồ sơ mở tài khoản của Công ty TNHH MTV Đầu Tư và Phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân) đã bị giả mạo chữ ký, dấu của người đại diện theo pháp luật Công ty.  Ban lãnh đạo, VPBank  cho biết, việc Hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân được cán bộ quan hệ khách hàng VPBank tiếp nhận từ Nhân viên Kế toán Công ty Quang Huân là Phạm Văn Trinh do đích thân bà Xuân giới thiệu. Sau khi kiểm tra, xem xét, hồ sơ được chuyển cho Giao dịch viên và Kiểm soát viên kiểm tra, đăng ký mở tài khoản theo quy trình mở tài khoản cho tổ chức; Giấy đăng ký mở tài khoản được ký, đóng dấu theo đúng qui định  có kèm theo Mẫu chữ ký, Mẫu  dấu Chủ tài khoản Công ty Quang Huân…

Như vậy,  có thể thấy việc mở tài khoản cho Công ty Quang Huân trên cơ sở Hồ sơ mở tài khoản đã được hoàn thiện, ký đóng dấu đầy đủ bởi Đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân gửi tới VPBank là thực hiện theo đúng qui định tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN. Theo đó, VPBank đã tiếp nhận và ghi nhận về mẫu chữ ký, mẫu dấu của công ty phục vụ việc giao dịch, sử dụng tài khoản.

Về ý kiến cho rằng cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên mua SÉC của Công ty Quang Huân:

Trước hết, VPBank khẳng định rằng nhân viên Đoàn Thị Thúy Hằng không đứng tên mua SÉC mà chỉ đứng tên nhận hộ SÉC theo chỉ định của Công ty Quang Huân; Việc mua SÉC của Công ty Quang Huân được chính Công ty Quang Huân thực hiện.

Theo chứng từ, tài liệu lưu trữ tại VPBank thì Công ty Quang Huân có văn bản đề nghị mua SÉC ngày 28/03/2015, đề nghị mua SÉC được ký, đóng dấu bởi Đại diện theo pháp luật của Công Ty Quang Huân, trên đó ghi rõ Người nhận SÉC là Đoàn Thị Thúy Hằng (thời điểm đó là cán bộ VPBank);

Trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu chữ ký, dấu trên đề nghị mua SÉC khớp đúng chữ ký, dấu mẫu được đăng ký, lưu trữ tại VPBank, VPBank đã chấp thuận bán quyển SÉC cho Công ty Quang Huân theo đúng qui định tại Điều 8 Quyết định số  30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/07/2006 của Ngân hàng nhà nước.

Để làm rõ lý do cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên nhận SÉC trên đề nghị mua SÉC của Công ty Quang Huân, VPBank đã kiểm tra, xác minh và thấy rằng:

Cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đã giải thích về việc có tên trên đề nghị mua SÉC của Công ty Quang Huân là do kế toán Công ty Quang Huân –  ông Phạm Văn Trinh – đề nghị nhận hộ và trao lại cho Trinh sau đó.

Xác minh thêm với kế toán Trinh, tại biên bản làm việc ngày 04/11/2015 ông Phạm Văn Trinh đã xác nhận rõ toàn bộ số SÉC mà cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng nhận hộ trên Đề nghị mua SÉC đã được chuyển lại cho Phạm Văn Trinh và sau đó, Trinh đã chuyển lại cho bà Xuân.

Như vậy, có thể thấy rằng: VPBank đã bán SÉC cho Công ty Quang Huân theo đúng đề nghị mua SÉC, tuân thủ đúng qui định tại Quyết định số  30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/07/2006 của Ngân hàng Nhà nước; Việc kiểm soát yêu cầu đề nghị mua SÉC được thực hiện theo đúng qui định – chữ ký, dấu trên Đề nghị mua SÉC khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký Mẫu của Công ty Quang Huân tại VPBank; Quyển SÉC Công ty Quang Huân mua đã được giao cho Người nhận SÉC theo chỉ định của Công ty Quang Huân và thực tế Người nhận SÉC (Hằng) đã chuyển lại quyển SÉC đã mua cho Trinh kế toán của Công ty Quang Huân và Trinh đã chuyển lại ngay cho bà Xuân – đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân.

Về ý kiến cho rằng tài khoản của Công ty Quang Huân đã bị rút tiền bằng chứng từ giả mạo (biến mất tiền):

Trước hết, VPBank khẳng định rằng Tài khoản của Công ty Quan Huân đã được thực hiện giao dịch, chuyển, rút tiền bởi các Lệnh thanh toán hợp pháp (chuyển khoản, rút SÉC..) của Chủ tài khoản là Công ty Quang Huân, cụ thể như sau:

Các giao dịch rút séc đề cập trong đơn tố cáo đều được thực hiện tại các chi nhánh khác của VPBank chứ không phải tại VPBank Tân Phú – nơi mở tài khoản như Đơn tố cáo.

Việc thanh toán SÉC được thực hiện đúng qui đinh: Các Giao dịch viên và Kiểm soát viên khi tiếp nhận các SEC của Công ty Quang Huân đã thực hiện kiểm tra tính chính xác của séc qua việc kiểm tra thông tin trên séc và thông tin trên hệ thống theo đúng quy định, quy trình thanh toán séc: Đối chiếu thông tin người nhận ghi trên séc và thông tin trên chứng minh thư, xem xét xác minh người lĩnh tiền được chỉ định ghi trên mặt trước và sau của séc, số tiền chi trả bằng số, bằng chữ, thông tin công ty, tài khoản công ty, địa chỉ công ty, ngày tháng đề nghị chi trả, chữ ký chủ tài khoản, dấu của công ty, số dư hiện có trong tài khoản hợp lệ để chi trả,…(Có biên bản làm việc với các cán bộ kèm theo).

Như vậy, căn cứ  Điều 17 Quyết định số  30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/07/2006 của Ngân hàng nhà nước Qui chế cung ứng và sử dụng SÉC thấy rằng VPBank đã thực hiện thanh toán, chi trả SÉC theo đúng qui định, trả đúng Người thụ hưởng được ghi trên SÉC do Công ty Quang Huân phát hành.

Hơn nữa, trong quá trình giải quyết tố cáo của bà Xuân, VPBank cũng tìm hiểu về đường đi/ đến của số tiền được rút ra từ 3 tấm SÉC (theo như Tố cáo của bà Xuân ) do Công ty Quang Huân phát hành thì,

Theo biên bản làm việc với Phạm Văn Trinh – cán bộ kế toán Công ty Quang Huân (có luật sư đại diện) thì Trinh đã nêu rõ toàn bộ số tiền rút SÉC từ tài khoản của Công ty Quang Huân đều được sử dụng theo chỉ định của bà Xuân – Đại diện theo pháp luật – Chủ tài khoản của Công ty Quang Huân hoặc có sự giám sát của bà Xuân hoặc người nhà bà Xuân, cụ thể: … ba lần rút SÉC với tổng cộng 11,3 tỷ đều chuyển lại tài khoản của cá nhân bà Xuân,  tài khoản của Công ty Quang Huân tại Argribank” .

Để làm rõ thêm thông tin, trình bày của người liên quan (Trinh), VPBank đã mời bà Xuân tới Ngân hàng để làm rõ, đối chất, nhưng bà Xuân không đồng ý, không tới ngân hàng với lý do, theo bà Xuân thì vụ việc đã chuyển Cơ quan công an nên để Cơ quan công an điều tra làm rõ.

Như vậy, với thông tin, tài liệu lưu trữ tại VPBank có nhiều thông tin cho thấy ý kiến cho rằng “tài khoản của Công ty Quang Huân đã bị rút tiền trái phép bằng chứng từ giả mạo (biến mất tiền)” là không đúng thực tế, không chính xác, bởi lẽ: thứ nhất, toàn bộ các giao dịch tài khoản của Công ty Quang Huân đều được thực hiện thanh toán theo các Lệnh thanh toán, SÉC hợp pháp, hợp lệ, được ký, phát hành bởi Công ty Quang Huân,  việc thực hiện thanh toán được thực hiện theo đúng qui định tại Điều 17 Quyết định số  30/2006/QĐ-NHNN; thứ hai, hơn nữa theo như Kế toán của Công ty Quang Huân thì toàn bộ số tiền rút từ SÉC của Công ty Quang Huân đã được điều chuyển, sử dụng cho Công ty Quang Huân, bà Xuân theo chỉ đạo của bà Xuân nên việc bà Xuân – Chủ tài khoản, Đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân nói rằng không biết, không sử dụng số tiền trên tài khoản của Công ty Quang Huân là không hợp lý.

Hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang xem xét, xác minh, làm rõ các nội dung có liên quan đến vụ việc này, VPBank đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, chứng từ gốc để Cơ quan điều tra kiểm tra, giám định …Với tính chất phức tạp, vụ việc đang được qơ quan điều tra làm rõ,  để bảo đảm ổn định an ninh tiền tệ, tránh bất ổn đối với hoạt động của các ngân hàng mại nói chung, hoạt động của VPBank nói riêng.

Các tin khác