Việt Nam điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư

(ĐTTCO)-Với thực tế nhân công Trung Quốc đang ngày một đắt đỏ, năng suất lao động thấp, các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang Việt Nam.

(ĐTTCO)-Với thực tế nhân công Trung Quốc đang ngày một đắt đỏ, năng suất lao động thấp, các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang Việt Nam.

 

Theo khảo sát của Grant Thornton, phần lớn người được hỏi đều dự đoán rằng mức độ của các hoạt động đầu tư ở Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới. Cục đầu tư nước ngoài cho biết, nửa đầu năm 2016, vốn đăng ký mới và vốn tăng bổ sung từ các doanh nghiệp FDI đã đặt 11,28 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có nhiều lý do cho việc tăng trưởng FDI, như sự thành lập cộng đồng AEC; xu hướng dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á khác trong đó có Việt Nam; ảnh hưởng của các hiệp định thương mai tự do giữa Việt Nam và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU hay TPP. Ngoài ra mức độ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng có ảnh hưởng tích cực nhờ sự cải thiện trong môi trường kinh doanh.

Grant Thornton cho biết kết quả khảo sát lần này tương tự với đợt khảo sát trước đó. Hiện 69% nhà đầu tư cho rằng Việt Nam “hấp dẫn” hoặc “rất hấp dẫn”, tăng 10% so với nửa cuối năm 2015.

Khảo sát của Grant Thornton chỉ ra thực tế Trung Quốc giờ không còn là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất bởi nhân công đắt đỏ và năng suất thấp. Điều này đã tạo cơ hội cho Việt Nam, báo cáo cho biết.

Với điều kiện thuận lợi như nguồn lao động dồi dào, chi phí vận hành thấp, cấu trúc dân số đa dạng và môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đang trở thành một điểm thu hút cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nếu so mức độ hấp dẫn về đầu tư trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng thứ 2, xếp sau Myanmar.

Cụ thể, 27% nhà đầu tư chọn Việt Nam, trong khi có đến 31% nhà đầu tư chọn Myanmar. Trong cuộc khảo sát này, Indonesia đã lấy lại được sức hấp dẫn đối với đầu tư với 20% người tham gia lựa chọn Indonesia là thị trường hấp dẫn nhất.

“Quan liêu/thủ tục hành chính phức tạp” và “ban điều hành thiếu chiến lược dài hạn” tiếp tục là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư.

Đáng chú ý trong khảo sát lần này, số lượng phản hồi đánh giá “Thay đổi liên tục trong chính sách kinh tế” là trở ngại "rất quan trọng" đã tăng từ 15% lên đến 35%. Nhằm đạt mục tiêu cải thiện hành lang pháp lý của Việt Nam, Chính phủ đã có rất nhiều sửa đổi bổ sung cho nhiều bộ luật bao gồm Luật Đầu tư, Luật thuế VAT, Luật Xây Dựng, v.v. và các Nghị định, Thông tư tương ứng.

Tuy nhiên, những thay đổi về luật pháp và quy định thường xuyên như vậy có thể gây lo ngại lớn về môi trường pháp lý về hoạt động đầu tư trong các công ty và nhà đầu tư. Nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục phát hành các văn bản quy định mà không xem xét tới sự nhất quán của toàn bộ hệ thống pháp lý, yếu tố này sẽ trở thành là một trong những trở ngại lớn nhất cho quyết định đầu tư vào Việt Nam, báo cáo nhấn mạnh.

Các tin khác