Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình:

Thay đổi tư duy để đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững

LTS: Tại Hội thảo “Giảm nghèo đa chiều bền vững, thực tiễn và định hướng giải pháp cho vùng kinh tế Tây Bắc” tổ chức tại Sơn La mới đây, TSKH. Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, đã có bài phát biểu nêu bật thành tích xóa đói giảm nghèo (XĐGN) ở Việt Nam và yêu cầu mới để an sinh xã hội, tiến lên ấm no hạnh phúc.

LTS: Tại Hội thảo “Giảm nghèo đa chiều bền vững, thực tiễn và định hướng giải pháp cho vùng kinh tế Tây Bắc” tổ chức tại Sơn La mới đây, TSKH. Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, đã có bài phát biểu nêu bật thành tích xóa đói giảm nghèo (XĐGN) ở Việt Nam và yêu cầu mới để an sinh xã hội, tiến lên ấm no hạnh phúc.

Từ khi thành lập nước (1945) đến nay, công tác XĐGN luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, coi đó là mục tiêu quan trọng và xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), các nghị quyết đại hội, các chỉ thị, kết luận của Trung ương đã chỉ rõ chủ trương, đường lối về giảm nghèo bền vững theo nhiều chiều cạnh khác nhau.

 Nguy cơ tái nghèo hiển hiện

Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN, nhất là đối với vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đã dành nguồn lực thích đáng cho việc giải quyết những nhu cầu cấp bách, đặc biệt về kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông, nước sạch. Xây dựng và phát triển quỹ XĐGN bằng nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước. Giúp người nghèo vốn tín dụng, tập huấn kỹ năng sản xuất, thành lập các quỹ XĐGN tại địa phương. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, hoàn chỉnh hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất - kỹ thuật các cấp học, mở thêm các trường nội trú, bán trú…. 

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng: Chính sách giảm nghèo phải chú trọng đúng mức, tăng phúc lợi cho người nghèo bên cạnh việc tăng thu nhập. Không ban hành các chính sách hỗ trợ sinh kế bình quân, dàn trải, mà chỉ hỗ trợ thông qua các mô hình sinh kế cho hộ nghèo do cấp xã làm chủ, đồng thời xây dựng cơ chế thực hiện mô hình thoát nghèo, gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Riêng đối với vùng Tây Bắc, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định giảm nghèo vùng Tây Bắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Theo Bộ LĐ-TB-XH giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010, còn khoảng 15% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm gần 4%/năm). Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng do điều kiện địa lý, tự nhiên và kinh tế - xã hội, hiện nay Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với hơn 11,6 triệu người sinh sống trên địa bàn, trong đó 63% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù được ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước so với các địa phương khác, công tác giảm nghèo tại Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các tỉnh, huyện không đồng đều, nguy cơ tái nghèo còn cao.

 Những thành tựu và hạn chế trên trong công tác XĐGN tại vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung có nguyên nhân khách quan, từ đặc điểm điều kiện tự nhiên không thuận lợi của các địa bàn vùng sâu, vùng xa và nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu nỗ lực vươn lên của các hộ diện nghèo, song có nhiều nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách giảm nghèo, như: (i) Tư duy hỗ trợ đối với người nghèo vẫn chủ yếu là cho không, từ đó chưa tạo ra động lực vươn lên thoát nghèo cho người dân; (ii) Một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao; (iii) Nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh, đặc biệt là nguồn lực đầu tư đối với huyện nghèo; (iv) Việc phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở còn chưa thực sự triệt để và rõ ràng; (v) Chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nhà khoa học - nhà nông và doanh nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất hàng hóa, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân...

Đổi mới cơ chế quản lý, điều hành

Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng được nêu trong các văn kiện Đảng, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng thời gian tới, công tác chỉ đạo giảm nghèo cần có những đổi mới về chính sách từ Trung ương đến địa phương, triển khai một cách đồng bộ: Cần ưu tiên tập trung nguồn lực tối đa và có chính sách “đặc thù” cho giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và giảm nghèo nói riêng. Thực hiện tích hợp, lồng ghép các chính sách giảm nghèo, trước hết là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới về cơ chế quản lý, điều hành theo hướng phân cấp và trao quyền triệt để cho các địa phương trong công tác giảm nghèo theo hướng: Trung ương ban hành chính sách khung và giao ngân sách tổng thể trung hạn; cấp tỉnh quyết định các chính sách cụ thể, phương thức thực hiện. Tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Nghiên cứu, đề xuất chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi, cho vay không có điều kiện; tích hợp các chính sách liên quan đến giảm nghèo. Áp dụng cơ chế quản lý bảo toàn nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình giảm nghèo ở các địa phương, từ đó có điều kiện nhân rộng mô hình và tăng trách nhiệm sử dụng vốn của các hộ nghèo.

Trẻ em vùng Tây Bắc. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Trẻ em vùng Tây Bắc.  Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn các huyện nghèo, để giúp các huyện nghèo giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

 Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách XĐGN dựa vào đặc thù văn hóa, kinh tế, xã hội của các nhóm dân tộc khác nhau, các địa phương khác nhau; phân loại các đối tượng thụ hưởng để có các hình thức hỗ trợ phù hợp; bổ sung các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng tái định cư; bãi bỏ các chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún... Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình việc làm và giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đầu tư cho các địa bàn khó khăn nhất, vùng có nhiều hộ nghèo dân tộc ít người; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn này và coi đây là khâu đột phá để nâng cao khả năng kết nối các địa phương này với thị trường.

Thí điểm chủ trương XĐGN tại các địa phương có nhiều hộ nghèo bằng cách đầu tư qua những hộ gia đình khá giả, những hộ có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng tổ chức sản xuất làm đầu kéo, tác động lan tỏa, tạo việc làm. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp để tạo hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Các tin khác