Hoài cổ và trải nghiệm

(ĐTTCO) - Sự phát triển của giao dịch trực tuyến cùng một số lý do khách quan đã khiến số lượng NĐT xuất hiện trên sàn CK tại TPHCM ngày một ít đi.

(ĐTTCO) - Sự phát triển của giao dịch trực tuyến cùng một số lý do khách quan đã khiến số lượng NĐT xuất hiện trên sàn CK tại TPHCM ngày một ít đi.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Khoảng nửa tháng trước, CTCK Bảo Việt (BVSC) đã khai trương phòng giao dịch (PGD) Cao Thắng, quận 3. Đến tham dự phần lớn là những khách hàng ruột của BVSC với thâm niên gắn bó hàng chục năm và phần lớn đều đứng tuổi. Mặt khác, quy mô của PGD Cao Thắng của BVSC cũng không hoành tráng bằng PGD Đồng Khởi, quận 1, đã đưa vào hoạt động hồi đầu năm 2015. Tuy nhiên, một khách hàng của BVSC cho biết mấu chốt nằm ở chất lượng dịch vụ và sự tận tình của nhân viên, để hướng đến tiêu chí đem lại sự hài lòng và lợi ích cho khách hàng.

Sàn Phú Hưng (PHS) tại quận 3, TPHCM mỗi ngày đón tiếp chừng 10-20 NĐT và cũng như BVSC phần lớn đều là những người già, tuy nhiên họ lại rất gắn bó với sàn. Người phụ trách môi giới sàn này cho biết, các NĐT này lên sàn hàng ngày vì muốn gặp gỡ những NĐT khác, bạn bè của mình và xem như một cái thú, dù rằng khi đặt lệnh thay vì viết phiếu, họ có thể thao tác trực tiếp trên điện thoại hay máy tính bảng của mình. Vào giữa tháng 8, CTCK KIS tổ chức chuỗi hội thảo “Thách thức và Cơ hội của TTCK Việt Nam nửa cuối 2016” tại các sàn CK của mình ở TPHCM (trụ sở) và Hà Nội (chi nhánh). Một số người cho biết, nhờ chuỗi hội thảo của KIS mà họ mới biết đến sàn giao dịch của CTCK này với phong cách rất hiện đại, sang trọng và rất… Hàn Quốc (KIS có vốn đầu tư của Hàn Quốc).

KIS cũng là một trong những sàn giao dịch sôi động nhất hiện nay khi vẫn có khá đông khách hàng đến giao dịch cũng như tham gia các chuỗi hội thảo về TTCK do công ty tổ chức (thường 2 lần/năm). Một phần vì sàn này nằm ở khu “phố Wall” đường Nguyễn Công Trứ, quận 1. Mặt khác, KIS cũng có cách bố trí các quầy làm thủ tục, giao dịch, theo hướng tương tác trực tiếp với khách hàng nên cũng tạo ra sự gần gũi, thân thiện. Còn nhớ khi Kim Eng lần đầu tiên xuất hiện trên TTCK Việt Nam, một trong những nguyên nhân thu hút rất đông khách hàng đến với sàn này ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1 do hệ thống các màn hình LED cỡ lớn, được đặt sát vào nhau để tạo ra một khu vực bảng giá CK rất ấn tượng.

Phong cách này cũng mở ra một hướng mới của các sàn CK về sau, đó là tạo ra sự trải nghiệm cho khách hàng, nghĩa là khách lên sàn không đơn thuần chỉ là giao dịch, rút/chuyển tiền hay mở tài khoản mà giống như đi… shopping hay cà phê. Điều này có thể thấy rất rõ qua các sàn CK của VN Direct (quận 1) hay sàn Phạm Ngọc Thạch của SSI (quận 3). Các sàn này đều có concept thiết kế rất sang trọng, ấn tượng giống như một siêu thị về dịch vụ CK.

Khách lên sàn không đơn thuần chỉ là giao dịch, mà giống như đi… shopping hay cà phê. Ảnh: NGỌC HÙNG

Khách lên sàn không đơn thuần chỉ là giao dịch, mà giống như đi…
shopping hay cà phê. Ảnh: NGỌC HÙNG

Mạng lưới và chiến lược

5 năm trước, Kim Eng (khi đó chưa bị Maybank mua lại) là một trong những CTCK tích cực mở rộng hệ thống các sàn CK của mình tại các tỉnh, thành nhất. Lần lượt các sàn Kim Eng có mặt tại Đà Nẵng, Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai… Nhưng đến thời điểm hiện tại, ngoài 2 thị trường chính là TPHCM và Hà Nội, Maybank Kim Eng chỉ còn hiện diện tại An Giang và Đồng Nai, các tỉnh, thành còn lại đều đã đóng cửa. Việc đóng cửa có thể bắt nguồn từ việc khai thác các thị trường tỉnh không được như kỳ vọng. Tuy vậy, điều này chưa hẳn bởi CTCK kém, mà có thể đến từ những khác biệt trong suy nghĩ, tư duy về đầu tư. Nhiều người vẫn xem CK là cờ bạc, hoặc thay đổi chậm chạp để có thể thích nghi với thị trường. Mặt khác, khi giao dịch trực tuyến phát triển, NĐT ít lên sàn, việc duy trì một PGD hay chi nhánh khá tốn kém, CTCK vẫn có thể chăm sóc khách hàng từ xa nếu cần.

Trước đây, việc một số CTCK ồ ạt mở chi nhánh, PGD chỉ cốt để lấy tiếng, nên khi đóng cửa cũng là sự báo hiệu CTCK xuống dốc. Giờ đây, chuyện này trở thành rất bình thường. Nói vậy bởi phần lớn CTCK tồn tại đến bây giờ đều đã được chuẩn hóa về quy mô, hoạt động. Khi xác định một khu vực nào đó có khách hàng tiềm năng đủ lớn để đem về nguồn thu, gia tăng thị phần, CTCK lập tức mở PGD, còn khi không đáp ứng được nhu cầu lập tức đóng cửa. Việc này thực ra cũng chẳng còn ảnh hưởng đến hình ảnh của CTCK như trước. Có những NĐT chia sẻ rằng, dễ cũng phải đến 3-4 năm họ chưa đến sàn CK lần nào. Mở tài khoản đã có nhân viên tới tận nơi để làm thủ tục; giao dịch thì sử dụng internet; rút tiền thông qua thẻ ATM hoặc đến ngân hàng… Nghĩa là giờ đây, sẽ không nhiều người cần lên sàn. Số lượng này nhiều khả năng tiếp tục gia tăng trong tương lai khi nhu cầu đầu tư ngày càng lớn hơn, số lượng NĐT tham gia thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, quỹ thời gian ngày một eo hẹp sẽ khiến họ không thể “la cà” trên sàn hàng giờ hoặc hàng ngày được.

Nhớ lại thời điểm năm 2012, khi thị trường mới bắt đầu chuyển sang giao dịch buổi chiều, có sàn CK còn hỗ trợ cho NĐT ngủ trưa ở lại sàn để buổi chiều thuận tiện giao dịch. Nhưng giờ đây, một số NĐT lại ngủ trưa vào lúc… 14 giờ 45, tức khi kết thúc phiên chiều, và chắc cũng chẳng còn ở lại sàn xuyên cả buổi trưa. Nghĩa là TTCK vẫn đang thay đổi, NĐT cũng thay đổi và có lẽ chức năng của sàn CK cũng như vậy. Từ chỗ là một nơi để giao dịch, chuyển thành nơi trải nghiệm, thậm chí hoài cổ. Sắp tới đây, có thể sàn CK sẽ dịch chuyển theo một hướng khác thực dụng hơn. 10 năm trước, đã manh nha một ý tưởng về việc thiết lập siêu thị tài chính, tức là một tòa nhà văn phòng hay địa điểm nào đó có cả ngân hàng, sàn môi giới bất động sản, công ty bảo hiểm, CTCK… với tên gọi “Siêu thị tài chính”. Về mặt số lượng, nhìn chung các sàn CK sẽ tăng rất chậm, thậm chí không tăng vì có thể sàn này mở ra sẽ có sàn khác đóng lại. 

Các tin khác