TPHCM: Biến khát vọng thành hiện thực

(ĐTTCO) - Việc đưa TPHCM trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của Đông Nam Á là điều có vẻ rất xa vời, song Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng lại có niềm tin rất lớn khi khẳng định sẽ đưa TPHCM giành lại vị trí số 1. Đây là khát vọng hoàn toàn chính đáng.

(ĐTTCO) - Việc đưa TPHCM trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của Đông Nam Á là điều có vẻ rất xa vời, song Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng lại có niềm tin rất lớn khi khẳng định sẽ đưa TPHCM giành lại vị trí số 1. Đây là khát vọng hoàn toàn chính đáng.

Cơ sở và niềm tin

41 năm sau giải phóng, 40 năm chính thức mang tên Bác, TPHCM đã mang trong mình những tiền đề phát triển quan trọng, nay với tư duy mới, với quyết tâm mới, với nỗ lực mới và hành động mới, sự thành công lớn trong tương lai là điều tất yếu. Và sự phát triển ngày càng lớn mạnh của TPHCM làm cơ sở để lãnh đạo và Nhân dân có thể tin tưởng nhiều hơn vào khát vọng đưa TPHCM vươn lên vị trí số 1. 

Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước luôn dõi theo từng bước đi lên của TPHCM, trân trọng những kết quả, thành tích xuất sắc, chia sẻ với những trăn trở, lo toan và mong muốn TP phát triển mạnh mẽ hơn, đột phá hơn nữa trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của vùng và của cả nước.

Ông Trần Đại Quang,  Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế của TPHCM gấp 1,6-1,7 lần cả nước, tổng sản phẩm quốc nội chiếm 21% và đóng góp hơn 30% ngân sách cả nước và là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn. TP luôn thể hiện ở vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, cho dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số. 41 năm qua TP đã khẳng định vai trò đầu tàu trong cả nước về đổi mới, phát triển kinh tế. Từ một TP với quy mô kinh tế tổng giá trị ước hơn 2,5 tỷ đồng, nay đạt hơn 957.000 tỷ đồng; một TP còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân trong lưu vực như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, mang lại màu xanh cho những dòng kênh này.

 Thu nhập bình quân của người dân đến hết năm 2015 đạt 5.538USD/người/năm, tăng hơn 73% so với năm 2010; diện tích sàn nhà ở trung bình đạt 17,32m2/người so với năm 1977 đạt 8,9m2/người, trong điều kiện dân số tăng từ 3,4 triệu người vào năm 1976 đến nay hơn 8,2 triệu người; kéo giảm chênh lệch thu nhập các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị - nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần năm 2014; đến cuối tháng 6-2016, số hộ dân có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 3,32%.

Trên thực tế, TPHCM đã có một nền móng vững chắc để tăng tốc phát triển. Các khu đô thị mới ngày một nhiều hơn; hạ tầng giao thông hiện đại ngày càng được mở rộng; các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp nhanh chóng phát triển; các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học nhiều lên… TP như một khối nam châm khổng lồ hút nhân tài nhiều lĩnh vực từ khắp mọi miền đất nước. Những năm qua, số lượng chuyên gia, trí thức về giảng dạy, đào tạo tại các trường đại học, bệnh viện ngày một nhiều. Họ không chỉ đóng góp vật chất mà còn là tư duy, là chất xám cho công cuộc phát triển TP. Tính đến nay đã có hơn 250 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hợp tác và làm việc tại TPHCM, trong đó, có 47 giáo sư, 50 tiến sĩ. Hiện nay đã có trên 2.500 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại TPHCM, với tổng vốn điều lệ trên 40.000 tỷ đồng. Nguồn lực kiều bào dành cho TP cũng ngày một nhiều hơn. Lượng kiều hối chuyển về TP bình quân mỗi năm tăng 8-10%, riêng năm 2015 ước đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014.

Những trăn trở

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đặt ra mục tiêu trở thành “trung tâm lớn của khu vực” về nhiều mặt, đó là bản tổng kết 40 năm xây dựng và phát triển TP, đặc biệt là 30 năm thực hiện đổi mới. Có những bài học thành công, có cả những sai lầm, thiếu sót, hạn chế đang kìm hãm sự phát triển của TP. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tâm sự: “Trong quá khứ, TP với tên gọi Sài Gòn đã từng tự hào là một trung tâm của cả khu vực, được tôn vinh là Hòn ngọc Viễn Đông. Đây không chỉ là vấn đề danh hiệu, danh xưng mà là lòng tự trọng và nỗ lực quốc gia. Quá trình tụt hậu của TP so với các nước trong khu vực có những lý do khách quan, chủ quan và không thể là cái cớ để chúng ta ngồi đổ lỗi cho nhau. Nhưng dù là lý do gì và nguyên nhân từ đâu, điều đó cũng đang khiến chúng ta cảm thấy tiếc nuối như một sự thật cay đắng không thể chấp nhận…”. 

Mọi khó khăn sẽ được giải quyết, mọi thử thách đều có thể vượt qua khi ta nhận thức sâu sắc và quyết tâm hành động với niềm tin mãnh liệt. Trước mắt, tiếp tục vững chắc ở vị trí đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển cho cả khu vực phía Nam, là động lực cho những mục tiêu chiến lược của cả nước; phấn đấu đến năm 2020, TPHCM phải trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM

Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của TP đó là giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đều chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; một số vấn đề bức xúc trong xã hội chậm được khắc phục; tình hình an ninh, trật tự, tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp… Đặc biệt, những yếu kém chủ quan do chính bộ máy, con người, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp... “Chúng ta luôn nói TP phát triển chưa tương xứng tiềm năng, vậy làm gì, cơ chế, chính sách nào phát huy tiềm năng TP?” - ông Thăng trăn trở và khẳng định không có câu trả lời nào thuyết phục hơn là phải tháo gỡ ngay những bất cập, khó khăn từ cơ chế, những khuyết điểm và hạn chế chủ quan.

 Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, muốn biến TPHCM thành trung tâm của Đông Nam Á thì TP sẽ ngang vai bằng vế với trung tâm nào trong 5 trung tâm hiện hữu là Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta và Manila hay vượt trội lên trên tất cả và trở thành số 1? Từ đây nảy sinh vấn đề TP sẽ trở thành trung tâm về phương diện nào? Sẽ chọn điểm nhấn gì để tạo nên được sức hút và sức lan tỏa ra toàn khu vực Đông Nam Á? Nếu là trung tâm kinh tế sẽ nổi trội trong lĩnh vực, phân ngành, thậm chí sản phẩm gì? Tiếp đến là những tiềm năng đích thực TP có được. Tiềm năng nói tới ở đây không chỉ là “phần cứng” mà cả “phần mềm”, mà trong thời đại hiện nay “phần mềm” có khi còn quan trọng hơn “phần cứng”. Điều quan trọng tiếp theo, có ý nghĩa quyết định là làm thế nào để biến khát vọng đã được làm rõ tiêu chí, nội hàm thành hiện thực. Việc này quá rộng và quá phức tạp, đòi hỏi phải có những nỗ lực và năng lực vượt bậc, nếu không khát vọng vẫn là khát vọng.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt vấn đề: “Phải nhận diện bản thân TPHCM đang có những tụt hậu. Từ đó mới thấy vấn đề nằm ở đâu, trách nhiệm như thế nào. Thực tế trong nhiều năm qua TP chưa tận dụng khai thác hết lợi thế của mình, trong đó có những lợi thế tuyệt đối, do 2 nguyên nhân: Tầm nhìn phát triển TP vướng vào tầm nhìn quốc gia; thể chế, cơ chế bộ máy trói buộc làm TP không có động lực đứng lên, mất quyền chủ động, vai trò chức năng của đầu tàu”.

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sau khi được cải tạo. Ảnh: NGUYỄN XUÂN THANH SƠN

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sau khi được cải tạo. Ảnh: NGUYỄN XUÂN THANH SƠN

Phải có đột phá thật sự

Ước muốn giành lại ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học công nghệ... của khu vực Đông Nam Á, được Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Nói miệng dễ gấp trăm gấp ngàn lần thực hiện. Vì vậy phải cùng nhau tìm ra những phương cách hiệu quả nhất để biến ước mơ thành hiện thực. Thay vì đưa ra các khẩu hiệu to tát, hoành tráng hãy xây dựng từng nội dung hành động chi tiết cho mỗi mục tiêu cụ thể. 7 chương trình đột phá TP đề ra cho 5 năm tới là sự thể hiện niềm mong ước chân thành về tương lai của TP. Thực hiện tốt 7 chương trình này sẽ đạt được mục tiêu trở thành trung tâm lớn của khu vực”. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong những năm qua, TP đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Nhưng về cơ bản TP chưa đạt được những đột phá trong chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của TP, chưa thấy rõ những bước chuyển mạnh mẽ tạo dấu ấn ở tầm cất cánh cho TP. Vì thế, TP cần có những đột phá thật sự, đủ sức tiếp sức cho thành công trong quá khứ và tạo động lực để vượt qua rào cản, hướng tới tương lai. Theo đó, TPHCM phải kiên trì tiếp tục đề xuất những đột phá về thể chế vì khát vọng vươn lên.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân cản trở sự vươn lên của TPHCM, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để TP bứt phá. Đó là TP phải có tầm nhìn và tư duy đột phá, đây là điều kiện tiên quyết để xoay chuyển tình thế chiến lược phát triển cho giai đoạn mới. Phải có tầm nhìn tổng thể - bài bản, dựa trên sự đổi mới hệ thống thể chế kinh tế quốc gia; đi đầu cải cách mang lại lợi ích quốc gia chứ không chỉ vì TPHCM. Day dứt về việc thể chế hiện nay còn có nhiều bó buộc đối với TPHCM, nhất là cơ chế xin-cho đang gây khó cho TP, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế về ngân sách để TPHCM có thể trở thành con rồng của châu Á là vấn đề cần được tháo gỡ hàng đầu. Theo đó, việc để cho TP vượt lên trên quy định hiện nay và trở thành trung tâm hội nhập là cần thiết.

Cụ thể hóa tầm nhìn của TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây phải là TP đổi mới, sáng tạo, có sức lan tỏa, làm động lực cho sự phát triển bền vững, là đầu tàu của cả nước trong tiến trình hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào kinh tế khu vực và thế giới. Theo đó, TP phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn nhằm tạo bước đi, sự tiến công vào các lĩnh vực mới mạnh mẽ, toàn diện. Thủ tướng đưa ra 4 mục tiêu: Thứ nhất, xây dựng TP thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu sắc vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, phải cạnh tranh được với các TP lớn của châu Á. Thứ hai, phát huy vai trò của trung tâm nguồn lực chất lượng cao. Thứ ba, phải là điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp. Thứ tư, hướng tới nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững. Từ đó, Thủ tướng đề nghị TPHCM phải xây dựng cơ cấu kinh tế thông minh, lấy dịch vụ và công nghệ cao làm mũi nhọn để phát triển toàn diện các giá trị sáng tạo trong từng sản phẩm, dịch vụ.

Các tin khác