Vụ cá biển nhiễm phenol, xyanua:

Tiếp tục theo dõi môi trường biển

(ĐTTCO) - Chỉ ăn cá biển đánh bắt xa bờ cách ít nhất 20 hải lý, Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định trong thực phẩm như hàm lượng kim loại nặng, còn chỉ tiêu phenol, xyanua không phải là chất nằm trong quy định về an toàn thực phẩm...

(ĐTTCO) - Chỉ ăn cá biển đánh bắt xa bờ cách ít nhất 20 hải lý, Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định trong thực phẩm như hàm lượng kim loại nặng, còn chỉ tiêu phenol, xyanua không phải là chất nằm trong quy định về an toàn thực phẩm...

Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 25-8 xung quanh những vấn đề về kết quả xét nghiệm hải sản biển ở 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nêu rõ, mặc dù cơ quan chức năng đã công bố khẳng định nước biển an toàn cho bơi lội và đánh bắt hải sản sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, nhưng Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm vẫn đang chỉ đạo Chi cục An toàn thực phẩm ở các địa phương tiếp tục lấy mẫu cá cả ngoài khơi và gần bờ để xét nghiệm.

“Để có câu trả lời rõ ràng về chất lượng cá tại các vùng biển này thì cần phải lấy mẫu rộng rãi hơn, ở nhiều vùng biển khác nhau, do đó cần có thời gian nhất định. Dự kiến đến đầu tháng 9, Bộ Y tế sẽ có công bố ban đầu. Mục tiêu số 1 là sức khỏe của người dân”, ông Phong cho biết.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chỉ ăn hải sản đánh bắt xa bờ khoảng 20 hải lý.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân
chỉ ăn hải sản đánh bắt xa bờ khoảng 20 hải lý.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định, hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ ăn cá đánh bắt xa bờ, cách bờ 20 hải lý. Nhưng về nguyên tắc khi sự cố môi trường chưa được khắc phục triệt để thì hải sản đánh bắt ở vùng biển đó cũng không nên sử dụng.

Trong báo cáo mới nhất của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia gửi Bộ Y tế cho thấy, trong các mẫu cá lấy từ vùng biển Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã phát hiện 5 mẫu cá có chất xyanua, 3 mẫu có phát hiện phenol.

Cụ thể, 5 mẫu nhiễm xyanua gồm: cá mỏ neo hàm lượng độc chất 3,9mg/kg, cá đuối, ghẹ 3 mắt lượng xyanua 0,8mg/kg, cá nhồng 0,6mg/kg, cá man 0,5mg/kg. 3 mẫu phát hiện nhiễm phenol là cá đuối 14mg/kg, cá man 8,3mg/kg, ghẹ 3 mắt 10mg/kg. Lượng phenol được phát hiện trong mẫu cá lần này cao hơn nhiều so với mức được phát hiện trong 20 tấn cá nục đông lạnh tại Quảng Trị thời điểm đầu tháng 6 là 0,037mg/kg.

Trong khi đó, trong thông báo ngày 24-8 của Cục An toàn thực phẩm lại cho biết, nếu trong tháng 7 phát hiện 7/27 trong mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng thì đến ngày 19-8 chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng.

Phản ứng trước thông tin cho rằng các kết quả xét nghiệm về cá tại các vùng biển có cá chết có sự vênh nhau, “tiền hậu bất nhất”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khẳng định không có sự mâu thuẫn vì kết quả xét nghiệm có sự khác nhau là do mẫu cá, hải sản lấy tùy từng thời điểm, từng vùng biển khác nhau.

Ông Phong cho biết thêm, phenol và xyanua không phải là chất nằm trong quy định về an toàn thực phẩm. Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định trong thực phẩm như hàm lượng kim loại nặng. Còn những chỉ tiêu khác như phenol, xyanua chỉ là phối hợp với bên môi trường để thực hiện nhằm làm quan trắc về môi trường biển chứ không căn cứ vào chỉ số này để đánh giá về an toàn thực phẩm. Hơn nữa, hiện quốc tế cũng chưa có quy định ngưỡng của hai chất này trong hải sản.

“Để có thể khẳng định hải sản an toàn chúng ta phải căn cứ vào các chỉ tiêu hiện nay. Bộ Y tế đã 4 lần mời đại diện quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương thực thế giới đều khẳng định chưa có quy định nào về hàm lượng các chất về phenol, xyanua có trong thực phẩm. Đã không có quy định trong thực phẩm thì cũng chưa thể khẳng định có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không hoặc ở ngưỡng nào thì ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Phong nhấn mạnh.

Đáng chú ý, đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng thẳng thắn cho rằng, khi các mẫu thủy hải sản cho kết quả kiểm nghiệm nhiễm phenol, xyanua thì các cơ quan chức năng vẫn cần quan tâm về chất lượng môi trường biển ở khu vực đó. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT là cơ quan quản lý về chất lượng thủy hải sản cũng phải vào cuộc để trả lời người dân về vấn đề này.

Cá lồng trên sông Nậm Nơn chết do sốc môi trường cục bộ

Ngày 25-8, ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT Nghệ An) cho biết, hiện tượng cá lồng chết trên sông Nậm Nơn những ngày vừa qua là do sốc môi trường cục bộ.

Theo báo cáo của người dân, tại bản Cửa Rào 1 (xã Xá Lượng) có 20 hộ nuôi cá trên lồng bè, chủ yếu là cá trắm và cá bớp. Cá chết bắt đầu từ trưa 21-8, cho đến chiều cùng ngày thì khoảng 50%-70% lượng cá trong các lồng bị chết, sau đó chết rải rác.

Sau khi tiến hành kiểm tra, Chi cục Thủy sản bước đầu kết luận cá chết do sốc môi trường cục bộ, do mưa lớn kéo dài, nước đổ về đục khiến hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, cộng với việc xuất hiện khí độc (chưa xác định rõ) khiến mang cá bị tổn thương nặng, khó hô hấp dẫn đến chết. 

Các tin khác