Nông dân “tẩy chay” VietGap

(ĐTTCO) - Từ năm 2009, nhằm giữ uy tín cho thương hiệu trái thanh long, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện việc sản xuất loại cây ăn trái này theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Thế nhưng, sau 7 năm nỗ lực, đến nay người trồng thanh long nơi đây dường như đã quá ngán ngẩm và bắt đầu “tẩy chay” hình thức sản xuất này. Vì sao?

(ĐTTCO) - Từ năm 2009, nhằm giữ uy tín cho thương hiệu trái thanh long, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện việc sản xuất loại cây ăn trái này theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Thế nhưng, sau 7 năm nỗ lực, đến nay người trồng thanh long nơi đây dường như đã quá ngán ngẩm và bắt đầu “tẩy chay” hình thức sản xuất này. Vì sao?

Hàng loạt tổ sản xuất thanh long VietGAP bỏ bê sinh hoạt, thưa dần rồi mất hút; nông dân không buồn ghi chép sổ nhật ký sản xuất; người chưa tham gia thì không muốn vào, người vào rồi lại muốn ra… Đó là những thực tế đáng buồn khi chúng tôi tiến hành khảo sát một số tổ sản xuất thanh long VietGAP tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, nơi có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận.

Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận cho biết, địa phương hiện chỉ có 8.055/27.000ha trồng thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 1.515ha đã hết hiệu lực từ tháng 6-2016, nay nhiều bà con nông dân không tham gia nữa.

Ông Trương Tích Hùng, Tổ trưởng Tổ sản xuất thanh long VietGap Gò Cà 2 (huyện Hàm Thuận Bắc), phân tích: “Nếu tuân thủ sản xuất theo VietGAP đòi hỏi rất tốn công sức, chi phí cao, nhưng trọng lượng của mỗi trái thanh long chỉ từ 300 - 350 gram/trái, mẫu mã lại xấu do không dùng thuốc kích thích. Do vậy, nhiều hộ đã từ bỏ quy trình sản xuất này, quay lại trồng theo cách dùng thuốc kích thích để có những trái thanh long đạt trọng lượng trên 400 gram, số trái bị loại ít hơn, thu nhập cao hơn. Bởi vậy, ban đầu tổ sản xuất thanh long VietGAP này có tới hơn 100 hộ tham gia, nay thì chỉ còn hơn 30 hộ”.

Còn ông Trần Hữu Trí (nông dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) lại cho rằng: “Trồng thanh long theo VietGAP rất dễ bị dịch bệnh vì việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phải được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, hiện nay bệnh đốm nâu trên cây thanh long đang hoành hành. Nếu chúng tôi không dùng thuốc để khống chế thì thanh long sẽ giảm năng xuất, mẫu mã xấu không thể bán được”.

Nhiều nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận đã từ bỏ VietGAP.
Nhiều nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận đã từ bỏ VietGAP.

Trong khi đó, đến nay tỉnh Bình Thuận chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra mua thanh long VietGAP. “Họ đến vườn chỉ cần thấy thanh long to, đẹp, không sâu bệnh là mua hết, còn chẳng ai hỏi có trồng theo VietGAP hay không?”, ông Trí nói. Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Trần Ngọc Hiệp cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hiện tại, khoảng 80% sản lượng trái thanh long của địa phương được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thị trường này vốn dễ tính, họ không cần quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn chất lượng, mà chỉ quan tâm đến mẫu mã đẹp.

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, cái được lớn nhất của VietGAP là làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân, bởi ngoài áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bà con còn được huấn luyện ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Nhiều hộ dân trồng thanh long ở Bình Thuận cũng thừa nhận điều này. Thế nhưng, thực tế thị trường lại không cho phép họ dám thay đổi.

Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Trần Ngọc Hiệp cho rằng, đã đến lúc ngành chức năng tỉnh Bình Thuận cũng cần nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ cho người nông dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất thanh long sạch. Việc quy hoạch vùng thanh long theo hướng chất lượng và sớm hình thành một mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm thanh long sạch, hướng đến nhiều thị trường khó tính khác.

Các tin khác