Chấm dứt tình trạng “xin” giao dự toán thấp

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Tài chính sáng 26 - 8, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ truyền đạt ý kiến Thủ tướng cho biết vẫn còn tình trạng các Bí thư, Chủ tịch địa phương lên gặp Bộ Tài chính để xin giao dự toán thu thấp nhằm cuối năm đạt thành tích… thu vượt kế hoạch.

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Tài chính sáng 26 - 8, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ truyền đạt ý kiến Thủ tướng cho biết vẫn còn tình trạng các Bí thư, Chủ tịch địa phương lên gặp Bộ Tài chính để xin giao dự toán thu thấp nhằm cuối năm đạt thành tích… thu vượt kế hoạch.

"Thủ tướng nhắc tôi truyền đạt Bộ Tài chính phải chấm dứt tình trạng này. Việc xây dựng dự toán với các địa phương phải được siết chặt" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận "đúng là có tình trạng như thế" và Thủ tướng lo hoàn toàn chính xác. Ông Đinh Tiến Dũng chia sẻ, năm đầu tiên lên bộ trưởng, tôi thừa nhận phân bổ ngân sách với địa phương còn rất truyền thống, họ cò cưa dữ lắm. Địa phương có tâm lý đó là dễ hiểu vì giao dự toán thu thấp bên cạnh để hoàn thành chỉ tiêu, còn cái lợi nữa là có thêm nguồn phân bổ từ trung ương về.

“Do vậy, việc làm kế hoạch thu ngân sách luôn rất đau đầu. Có năm phân bổ cho địa phương xong hết rồi Thủ tướng bảo thôi cố gắng thu thêm 30.000 tỷ đồng, sang Thường vụ Quốc hội bảo cần thêm 10.000 tỷ để làm lương. Tôi về vắt tay lên trán không biết bổ thêm vào đâu cả” - ông Dũng chia sẻ.

Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định đã quán triệt tư tưởng "ông nào mặc cả với địa phương sẽ bị kỷ luật" nên việc giao dự toán đã chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, tới đây quy trình xây dựng dự toán cũng sẽ được minh bạch, chặt chẽ nên không ngại tình trạng xin cho nữa. Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết cần thiết phải từng bước đổi mới lập dự toán. Song đây là vấn đề liên quan quyền lợi của các địa phương nên rất khó. Cho nên phải từng bước làm rõ hơn, minh bạch hơn, sát thực tế hơn dự toán thu.

Đề cập tình hình thu ngân sách năm 2016, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, tình hình thu ngân sách trung ương năm nay khó. Đến nay, thu ngân sách địa phương đạt trên 70%, nhưng trung ương chỉ hơn 50%. Thu ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo mà hụt thu là căng. Nếu không thu đủ năm nay bội chi cao nữa, nợ công cao nữa, chưa kể GDP kế hoạch dự báo rất lung tung.

Liệt kê các trường hợp dự báo GDP của năm 2014 và năm 2015 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lãnh đạo Bộ Tài chính tỏ ra bức xúc, hai năm liền Tổng cục Thống kê thất bại trong việc dự báo. Năm 2014 cuối năm vẫn dự báo giá trị GDP đạt 4,1 triệu tỷ đồng nhưng sau chỉ được 3,8 - 3,9 triệu tỷ đồng. Còn năm 2015 dự báo giá trị GDP đạt 4,4 - 4,5 triệu tỷ đồng, sau cũng chỉ được 4,1 triệu tỷ đồng. 3 năm qua tăng trưởng GDP hụt đi làm bội chi vọt lên hết.

Công tác dự báo vô cùng quan trọng. Thu ngân sách phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Dự báo rất cao, giá rất lớn. Thế nhưng dự báo cao lại không đạt được, giá GDP lớn cũng không đạt được. Cho nên phải quan tâm vấn đề này. Người đứng đầu Bộ Tài chính tỏ ra lo ngại, việc dự báo GDP không chính xác rất nguy hiểm, cái này vô cùng quan trọng đến an ninh an toàn tài chính quốc gia và các chỉ tiêu vĩ mô.

Các tin khác