Vu Lan mùa thiện nguyện

(ĐTTCO) - Vu Lan là mùa báo hiếu hay mùa xá tội vong nhân theo quan niệm của đa số người dân Việt Nam. Vì vậy, đây cũng là mùa nở rộ các hoạt động từ thiện, như một cách tích đức để góp phần cầu siêu cho linh hồn những người đã khuất.

(ĐTTCO) - Vu Lan là mùa báo hiếu hay mùa xá tội vong nhân theo quan niệm của đa số người dân Việt Nam. Vì vậy, đây cũng là mùa nở rộ các hoạt động từ thiện, như một cách tích đức để góp phần cầu siêu cho linh hồn những người đã khuất.

Có rất nhiều cách để tham gia các hoạt động từ thiện. Người không có thời gian có thể đóng góp quần áo, sách vở, vật dụng cũ hoặc tiền bạc cho các chương trình từ thiện của Hội Chữ thập đỏ, những tổ chức tôn giáo hoặc cộng đồng. Ai có thời gian có thể trực tiếp tham gia các chuyến thiện nguyện đem quà đến tận tay những người đang thiếu thốn. Cùng với sự phổ biến của mạng xã hội facebook hiện nay, việc kết nối giữa những người chung ý muốn làm từ thiện càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Chụp hình lưu niệm với các em học sinh.
Chụp hình lưu niệm với các em học sinh.

Một ngày giữa tháng Vu Lan (tháng 7 âm lịch) năm nay, tôi theo chân một anh bạn tham gia đoàn từ thiện của Hội thơ Tao Đàn Năm Châu, một nhóm những người yêu thích làm thơ ở trên facebook. Chúng tôi có mặt tại nhà chị trưởng đoàn (quận 5, TPHCM) trước giờ khởi hành 2 tiếng để cùng bốc xếp đồ đạc, quà tặng lên xe. Những phần quà được chia sẵn và ghi rõ ràng từng điểm phát ở ngoài bao bì. Theo chương trình, đoàn sẽ phát quà cho các học sinh nghèo tại 4 điểm ở Ninh Thuận. Đúng 11 giờ đêm xe xuất phát. Dù sau thời gian bốc xếp mệt mỏi và chỗ ngồi không được thoải mái do phải dành chỗ để chứa quà, nhưng gương mặt ai nấy cũng rạng ngời, háo hức. Trên suốt chuyến xe đêm luôn vang lên tiếng đàn tiếng hát, không ai ngủ, vì ai cũng mong mau chóng tới nơi để mang quà cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Rộn ràng sắp xếp quà tặng.
Rộn ràng sắp xếp quà tặng.

6 giờ sáng, chúng tôi đến điểm đầu tiên nhà nguyện Cà Ná, chỉ dựng bằng tôn tạm bợ. Cha quản xứ đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười ấm áp, cùng một bài hát làm xúc động lòng người do chính cha sáng tác. Cha cho biết giáo dân chủ yếu sống bằng nghề làm muối, nhưng giá muối rất rẻ, chỉ 250 đồng/kg, nên đời sống ai cũng khó khăn. Chúng tôi giao những phần quà gồm cặp, viết, tập vở và các đồ dùng học tập khác, nhờ cha chuyển đến các em học sinh nghèo trong xứ. Sau đó, chúng tôi lại vội vã lên đường đến điểm thứ hai, Trường Tiểu học Vụ Bổn. Tại đó, chúng tôi gặp những em nhỏ người đen nhẻm, gầy gò nhưng có những đôi mắt to tròn và trong sáng. Khi nhận được những phần quà nhỏ bé đơn sơ của chúng tôi, các em cứ mân mê mãi. Có lẽ với chúng tôi, với những người thành thị, những phần quà chẳng đáng gì, nhưng với các em đó là điều hằng mơ ước...

Niềm vui được quà của các em học sinh nghèo.
Niềm vui được quà của các em học sinh nghèo.

Chia tay với những em học sinh đen nhẻm ở trường Vụ Bổn, chúng tôi thẳng tiến đến điểm thứ ba UBND xã An Phước. Đón tiếp chúng tôi là Hội Chữ thập đỏ của xã và những em học sinh cấp 1 và cấp 2 trong xã. Cũng như các em học sinh trường Vụ Bổn, những em học sinh ở đây cũng đen nhẻm và gầy gò. Để đón tiếp chúng tôi, nhiều em đã nhờ cha mẹ dắt đi bộ vài cây số đến UBND xã. Những phần quà được trao đi và chúng tôi nhận lại những nụ cười và niềm hạnh phúc. Điểm cuối cùng của đoàn là chùa Phước Thạnh. Đón tiếp chúng tôi là thầy trụ trì với phong cách hòa ái. Đoàn chúng tôi gửi những phần quà nhờ nhà chùa phân phát lại cho các em học sinh, sau đó cùng thầy dùng bữa trưa chay tại chùa.

Chúng tôi trở lại TP với chiếc xe trống rỗng, nhưng lòng đầy tràn hạnh phúc vì đã mang được một chút tình yêu san sẻ với những em học sinh khốn khó.

Các tin khác