VEAM có đủ sức hấp dẫn NĐT?

Phụ thuộc liên doanh, liên kết

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch, ngày 29-8 tới Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sẽ thực hiện đấu giá 167 triệu cổ phần (tương đương 12,57% vốn điều lệ), với mức giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần. Đây là phiên IPO với số lượng cổ phần chào bán lớn nhất trong năm 2016 tính đến thời điểm hiện tại.

Phụ thuộc liên doanh, liên kết

Hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM bao gồm 3 mảng chính: Chế tạo máy động lực, máy nông nghiệp; sản xuất, chế tạo lắp ráp ô tô; sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý là mảng sản xuất, chế tạo lắp ráp ô tô, khi VEAM nắm giữ cổ phần ở các liên doanh lớn: Honda Việt Nam (nắm 30% vốn điều lệ), Toyota Việt Nam (nắm 20% vốn điều lệ) và Ford Việt Nam (nắm 25% vốn điều lệ thông qua công ty con VEAM DISOCO). Bên cạnh đó, VEAM còn sở hữu 1 nhà máy lắp ráp ô tô tải có trọng tải từ 1-35 tấn và các dòng xe, xe chuyên dụng khác. Nhà máy này hiện đang đóng góp gần 10% doanh thu cho VEAM. Đặc biệt, từ năm 2014 VEAM bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm phụ tùng ra nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản) với doanh thu đạt khoảng 11 triệu USD.

VEAM hiện có 22 công ty con và công ty liên doanh, liên kết. Các công ty này đều có thành viên HĐQT và đội ngũ điều hành riêng, nên chi phí duy trì bộ máy quản trị điều hành của VEAM rất lớn.

Do vậy, lợi nhuận của VEAM hoàn toàn được đóng góp bởi lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết. Cụ thể, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2014 của VEAM với lợi nhuận trước thuế đạt 3.344 tỷ đồng dù hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ghi nhận lỗ 225,6 tỷ đồng. Yếu tố tạo nên nghịch lý là lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết mang lại 3.492 tỷ đồng. Trong đó, Honda Việt Nam đóng góp khoảng 78% và Toyota Việt Nam đóng góp khoảng 19% trong tổng lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết của VEAM có xu hướng giảm trong những năm tới do thị trường tiêu thụ xe máy có dấu hiệu bão hòa và ngành sản xuất ô tô chịu sự cạnh tranh mạnh về giá, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN theo lộ trình sẽ giảm xuống còn 0% vào năm 2018. Với yếu tố mới này, nhiều khả năng các liên doanh, đặc biệt là các liên doanh lớn như Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam sẽ bất lợi và làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của VEAM do 2 liên doanh này mang lại nguồn thu chính cho tổng công ty.

Kỳ vọng NĐT chiến lược

Một yếu tố bất lợi nữa của VEAM là thị phần còn khá khiêm tốn do giá thành cao so với các sản phẩm của Trung Quốc hay những sản phẩm đã qua sử dụng của Nhật Bản. Hiện tại, 2 dòng sản phẩm của VEAM là máy kéo 2 bánh và động cơ diesel 1 xy-lanh chỉ xếp thứ 2 sau các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, dẫn đến giá thành phụ thuộc nhiều vào giá linh kiện nhập khẩu. Bên cạnh đó, công nghệ cũng như quy trình kiểm tra chất lượng của các công ty thành viên vẫn chưa thể sánh kịp so với các nước lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc nên sản phẩm cung cấp ra thị trường của VEAM còn tương đối hạn chế, chủ yếu cung cấp cho các công ty trong nước có nhu cầu. Một số mặt hàng của VEAM cũng được xuất khẩu sang các nước khu vực châu Á nhưng chưa thật sự mạnh.

Dự kiến sau khi IPO thành công, vốn nhà nước tại VEAM sẽ còn 678 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ), người lao động nắm 5,67 triệu cổ phần (tương đương 0,43%), còn lại 478 triệu cổ phần (tương đương 36% vốn điều lệ) sẽ được bán cho đối tác chiến lược. Sau khi đi vào hoạt động ổn định theo mô hình CTCP (năm 2018), VEAM sẽ tiếp tục thoái vốn, bán bớt phần vốn nhà nước theo lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 36%. Dù cam kết giảm sở hữu vốn nhà nước xuống mức thấp nhất, nhưng với những dự báo về điều kiện kinh doanh không được thuận lợi trong những năm tới, khả năng thành công trong đợt IPO của VEAM không cao.

Thực tế, việc chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược của VEAM cũng gặp nhiều trắc trở khi 2/9 NĐT được VEAM mời chào đã có quyết định rút hồ sơ không tham gia, gồm CTCP Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hòa An. Hiện mới chỉ có Công ty Motor N.A Việt Nam có mong muốn trở thành NĐT chiến lược và được đề nghị mua lại tối thiểu 36% cổ phần tại VEAM. Tuy nhiên, đề nghị này khó được chấp nhận, vì theo phương án cổ phần hóa của VEAM đã được Bộ Công Thương phê duyệt, số lượng NĐT chiến lược tối thiểu là 3 NĐT.

Các tin khác