Basel II: Tăng tốc để vào đường cao tốc

(ĐTTCO) - Trong vài năm gần đây, việc triển khai Basel II để đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục được nhắc đến, nhưng đến nay cũng chỉ mới tác động đến 10 NHTM được chỉ định thí điểm thực hiện. Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) công bố dự thảo “Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020”, trong đó yêu cầu phải đảm bảo 70% NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020. Như vậy, không chỉ các NH được chỉ định mà các NH còn lại trong hệ thống cũng phải tăng tốc để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

(ĐTTCO) - Trong vài năm gần đây, việc triển khai Basel II để đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục được nhắc đến, nhưng đến nay cũng chỉ mới tác động đến 10 NHTM được chỉ định thí điểm thực hiện. Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) công bố dự thảo “Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020”, trong đó yêu cầu phải đảm bảo 70% NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020. Như vậy, không chỉ các NH được chỉ định mà các NH còn lại trong hệ thống cũng phải tăng tốc để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đôn đốc thực hiện

Basel gồm các bộ tiêu chuẩn khắt khe về vốn nhằm giúp NH đảm bảo an toàn trong hoạt động. Trong đó, Hiệp ước vốn Basel I được ban hành năm 1988 tập trung vào bảo toàn vốn chủ sở hữu, phân định vốn tự có theo nhiều cấp độ. Năm 2004, Hiệp ước vốn Basel II được ban hành, hiện được nhiều NH trên thế giới áp dụng, tiến tới thực hiện Basel III (với các tiêu chuẩn tối thiểu cao hơn cùng với phương pháp giám sát an toàn vĩ mô với lộ trình thực hiện bắt đầu từ tháng 1-2013, hoàn thành vào cuối năm 2018). Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay các NH mới đáp ứng các tiêu chí của Basel I.  

Việt Nam cần phải sớm áp dụng Basel II trên toàn hệ thống, trước mắt là thực hiện đúng lộ trình thí điểm NHNN đề ra. Đặc biệt trong bối cảnh các NH tại Thái Lan, Singapore đang có những bước tiến để tiếp cận Basel III.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Trong đề án cơ cấu lại hệ thống NHTM Việt Nam, triển khai thực hiện Basel II cũng là một trong số các nội dung quan trọng được đặt ra. Năm 2014, NHNN chọn 10 NHTM thí điểm thực hiện Basel II gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành thí điểm và mở rộng áp dụng tại các NHTM khác. Tháng 2-2016, 10 NH trên chính thức thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.

 Dự thảo “Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020” của Bộ KH-ĐT dự kiến báo cáo Chính phủ trong tháng 9 tới và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai, bao gồm kế hoạch tái cơ cấu thị trường tài chính. Dự thảo đưa ra yêu cầu phải đảm bảo 70% NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020, tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD); bảo đảm các TCTD có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II; triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về mức vốn pháp định của TCTD và vốn được cấp của chi nhánh NH nước ngoài; kiên quyết xử lý các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn. Với yêu cầu của Bộ KH-ĐT, không chỉ các NHTM đã được NHNN chỉ định thí điểm Basel II, các NHTM còn lại cũng phải sớm có kế hoạch để đáp ứng thông lệ quốc tế trong an toàn vốn theo Basel II.

Sức ép Basel II

Từ bài học kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới, việc tăng cường năng lực quản trị rủi ro và khả năng tài chính là giải pháp tối ưu để các NHTM trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Khi áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II, các NH tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để hội nhập thành công. Theo quy định Basel II, không chỉ rủi ro tín dụng mà rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường cũng được cân nhắc, tạo ra áp lực lớn cho các NH trong việc tuân thủ quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu là 8%.  

Thời gian qua, NHNN đã triển khai thực hiện Basel II theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. NHNN sẽ nghiên cứu đưa quy định quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ vào dự thảo thông tư thay thế Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Theo đó sẽ đưa chỉ số an toàn vốn, quản lý vốn vào quy định để đảm bảo an toàn hoạt động NH trong mọi tình huống, đồng thời thay đổi phương thức kinh doanh của các NH trong bối cảnh hiện nay.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH (NHNN)

Về mặt rủi ro tín dụng, Basel II kiểm soát chặt chẽ cả bản chất của khách hàng cũng như bản chất của các khoản cho vay, tức rủi ro khách hàng và rủi ro đối tác sẽ được đưa vào để đánh giá. Đồng thời, tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ không còn được tính vào với mục đích giảm trừ rủi ro tín dụng như trước, do tỷ lệ chiết khấu mới là 0% thay vì 50% như hiện tại. Các yêu cầu này gây sức ép lên CAR của hầu hết NHTM. Với xu hướng CAR giảm dần trong những năm gần đây do tín dụng tăng trưởng mạnh, các NH cần tích cực tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn mới. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt NHTM ồ ạt lên phương án và thực hiện tăng vốn trong năm nay.

 Cụ thể, Vietcombank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên 35.977 tỷ đồng. BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua 3 nguồn là phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi, phát hành trái phiếu chuyển đổi, đồng thời phát hành cho cổ đông hiện hữu, với tổng giá trị dự kiến phát hành 9.446 tỷ đồng để tăng vốn từ 34.187 tỷ đồng lên 43.633 tỷ đồng. VietinBank cũng thông qua cổ đông kế hoạch không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. ACB đặt mục tiêu tăng vốn 10%. VPBank đề xuất không chia cổ tức bằng tiền mà chia bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07% để tăng vốn. MB đã tăng vốn lên 16.311 tỷ đồng… Nhiều NH cũng đã phát hành trái phiếu để bổ sung vốn tự có cấp 2 như Vietcombank được phát hành trái phiếu trị giá 8.000 tỷ đồng, BIDV vừa phát hành trái phiếu 2 đợt  với khối lượng 2.700 tỷ đồng, ACB đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Song song đó, các NH cũng kiến nghị nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 30-35%, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các NHTM nhà nước để tạo dư địa thu hút vốn.

Để thúc đẩy các NH tiến tới áp dụng Basel II, NHNN đã ban hành Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD; Thông tư 06 sửa đổi một số điều của Thông tư 36 nhằm đưa các NH vào quỹ đạo hoạt động an toàn. Điều này cho thấy hướng thay đổi chính sách của NHNN trong thời gian gần đây đều đưa ra yêu cầu cao hơn đối với các NH. Trước đây, khi điều kiện chung còn khó khăn, NHNN tạm thời giảm yêu cầu về ngưỡng an toàn để hỗ trợ NH, hỗ trợ thị trường và nền kinh tế, tránh sự sụp đổ, thiệt hại cho thị trường. Hiện các chuẩn mực được đưa ra đã thông dụng trên thế giới và NHTM cũng đã lường trước việc NHNN sẽ đưa ra những chuẩn mực cao như vậy để tiến tới áp dụng Basel II. Vấn đề là hiện nay nhiều NH vẫn chưa đạt chuẩn Basel I. Nếu muốn áp dụng Basel II, các NH phải cố gắng rất nhiều để tăng vốn, kiểm soát rủi ro, nâng cao trình độ quản lý, điều hành và nâng cao an toàn hệ thống.

Hỗ trợ chính sách

Theo Hiệp ước Basel II, bên cạnh các yêu cầu về vốn tối thiểu, quá trình kiểm tra giám sát, kỷ luật thị trường trong lĩnh vực NH cũng là một trong 3 trụ cột cơ bản. Kỷ luật thị trường gây áp lực cho các NH nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu các hành vi rủi ro cao. Khi áp dụng kỷ luật thị trường, người gửi tiền yêu cầu NH có độ rủi ro cao sẽ phải chi trả tiền lãi cao, nếu không họ sẽ chuyển sang NH có độ rủi ro thấp. Điều này khiến các NH có khuynh hướng kinh doanh mạo hiểm hơn. Chẳng hạn nếu muốn thu hút được tiền gửi, NH phải tăng lãi suất, dẫn đến sự bất ổn trong hệ thống tài chính. Do đó, bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cần phải có những thay đổi phù hợp với yêu cầu mới.

Trong khi đó hiện nay quy định về BHTG dù đã được chỉnh sửa nhưng vẫn còn một số nội dung quan trọng ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả của BHTG. Thí dụ quy định về cách tính phí bảo hiểm theo nguyên tắc rủi ro, hạn mức bảo hiểm thấp, vai trò giám sát của tổ chức BHTG vẫn chưa được giải quyết cho phù hợp với yêu cầu mới, đáp ứng cả yêu cầu phá sản NH để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu. Trong dự thảo trên, Bộ KH-ĐT có nhắc đến việc sẽ áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém nhưng không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD. Do đó, yêu cầu sửa đổi các chính sách liên quan đến BHTG là rất cần thiết.

Ảnh minh họa : L.THANH
Ảnh minh họa : L.THANH

Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động của các NHTM vẫn còn một khoảng cách đáng kể so  với tiêu chuẩn Basel II, hơn nữa các NH lại không đồng đều về quy mô, sức mạnh. Với yêu cầu đang đặt ra, các NHTM cũng đang nỗ lực để tiến đến chuẩn mực mới thông qua việc tăng vốn cấp 1 và cấp 2. Vietcombank đã hợp tác với đơn vị tư vấn Ernst & Young thực hiện thành công giai đoạn I của dự án Basel II mang tên “Phân tích hiện trạng và xây dựng lộ trình triển khai nâng cao năng lực quản trị rủi ro NH theo yêu cầu của Hiệp ước vốn Basel II tại Vietcombank”. Năm 2015, BIDV xây dựng kế hoạch triển khai Master Plan Basel II, khởi đầu cho chuỗi dự án triển khai Basel II, đóng vai trò bản lề trong quá trình triển khai Basel II tại BIDV 5-7 năm tới. Từ năm 2014, VietinBank cũng đã có các dự án được phân chia theo lĩnh vực quản trị rủi ro, hệ thống dữ liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống quản trị, nhu cầu vốn… với mục tiêu đáp ứng các chuẩn mực của Basel II.

Một số NH chưa được chỉ định thí điểm cũng đang dần cải cách để tiệm cận với chuẩn mực này. Tuy nhiên, với không ít thách thức đang đối mặt, NHTM cần phải có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nói chung và NHNN nói riêng để trước mắt có điều kiện tăng vốn đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động, tạo tiền đề để hoàn thành chương trình thí điểm theo đúng lộ trình.

Ngân hàng niêm yết tiên phong

Minh Xuân

6/9 NH niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong danh sách 10 NH sẽ thí điểm Basel II trong lộ trình năm 2015-2018. Đây là những ông lớn với vốn điều lệ dẫn đầu trong hệ thống, nhưng vẫn tiếp tục tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch là tiêu chí đầu tiên những NH niêm yết phải tuân thủ khi đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Hệ số CAR đều giảm

Trong số 10 NH sẽ thí điểm Basel II có 6 NH đang niêm yết tại 2 sở giao dịch chứng khoán là BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, ACB và Sacombank. Các NH niêm yết còn lại chưa nằm trong danh sách thí điểm Basel II có SHB, Eximbank và NCB. Khi áp dụng tiêu chuẩn Basel II, dự kiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NH sẽ bị giảm 100-300 điểm cơ bản tùy từng NH.

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán MBS, 7 NH đang niêm yết có hệ số CAR khác nhau rõ rệt. Cụ thể, CAR của Vietcombank năm 2015 là 11,04%, dự kiến giảm xuống 9,04% trong năm 2016. Chính vì vậy NH này đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ 35% bằng cổ phiếu thưởng; phát hành 10% cho đối tác chiến lược nước ngoài. Hay như CAR của BIDV từ mức 9,81% năm 2015 dự kiến giảm còn 7,31% trong năm nay. BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 43.636 tỷ đồng (tăng 27,6%). Với VietinBank CAR từ mức 10,58% xuống 9,58%, nên đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 49.209 tỷ đồng (tăng 32%). Phương án cụ thể chưa được công bố, nhưng khả năng đến từ thương vụ sáp nhập PGBank, trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Tuy nhiên, hệ số CAR của VietinBank và BIDV sau ĐHCĐ có thể bị ảnh hưởng nhiều, nếu phải thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Các NH niêm yết khác thí điểm Basel II, như ACB có hệ số CAR năm 2015 là 12,8%. Với việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu để nâng vốn cấp 2 và sắp tới trả cổ tức bằng cổ phiếu 10%, nâng vốn điều lệ lên 10.273 tỷ đồng, hệ số CAR của ACB nếu áp dụng Basel II dự kiến 9,8%. MB từ mức 12,85% xuống 9,88% nếu vốn điều lệ thực hiện lên 17.127 tỷ đồng. Với Sacombank sẽ giảm từ mức 10,96% còn 8,43%, nhưng NH này không có kế hoạch tăng vốn nào trong năm nay.

3 trụ cột của Basel II bao gồm yêu cầu về vốn tối thiểu; những quy trình rà soát, kiểm soát và giám sát hệ thống NH; các thông tin tài chính của NH phải minh bạch, công khai. Để đáp ứng các yêu cầu này, bên cạnh yếu tố về vốn các NH đang phải nỗ lực đáp ứng, minh bạch thông tin đóng vai trò quan trọng không kém trong bối cảnh công bố thông tin trên thị trường tài chính hiện nay được đánh giá chưa cao.

Tăng vốn bảo toàn CAR

Có thể thấy các NH như MB, ACB và Vietcombank có hệ số CAR hiện tại tương đối cao và sẽ ít bị sức ép về vốn hơn so với các NH có hệ số CAR thấp, do đó việc trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông cũng ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên để CAR tăng thêm 1%, vốn điều lệ của NH phải tăng thêm 8-10%. Do đó để đáp ứng Basel II, phần lớn NH đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ, ngoại trừ Sacombank sau khi sáp nhập với Southernbank trước đó.

Nhìn vào vốn điều lệ của các NH nếu hoàn thành kế hoạch năm 2016, trật tự vẫn nghiêng về các NH có vốn nhà nước. Dẫn đầu là VietinBank, BIDV, Vietcombank, tiếp đến là Sacombank, MB và ACB. Dù có khoảng cách khá xa về vốn điều lệ, nhưng điều này không tỷ lệ thuận với hệ số CAR. Những NH có hệ số CAR thấp như VietinBank, BIDV, Sacombank sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu áp dụng theo chuẩn Basel II. Đồng thời, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu BIDV cũng chỉ ra CAR của khối NHTM nhà nước giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay, gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN 10,3%, chưa kể tiêu chuẩn tính của Việt Nam cũng thấp hơn. Trong khi đó, Basel II chú trọng vào việc yêu cầu các NH phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tương ứng. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho các NH khi tăng vốn.

Minh bạch theo chuẩn quốc tế

Theo một chuyên gia tài chính, các NH đáp ứng theo Basel II đòi hỏi phải minh bạch về sổ sách, kế toán, phân loại nợ, định nghĩa rủi ro hệ thống (không chỉ rủi ro tín dụng mà cả rủi ro thị trường, rủi ro vận hành, rủi ro nghiệp vụ...). Đặc biệt nợ xấu đang là rào cản lớn khi tiến đến Basel II, vì ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của NH. NH Thế giới (WB) đánh giá chất lượng tài sản thấp là rủi ro đối với ngành NH Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, thống kê sơ bộ 10 NH lớn có tổng giá trị nợ xấu tăng hơn 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Dù tỷ lệ nợ xấu vẫn giữ ở mức dưới 3% trên tổng dư nợ, nhưng nợ xấu thực tế khác so với nợ xấu trên sổ sách.

Một chuyên gia của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), người từng có 20 năm xử lý nợ xấu, cho biết nhiều quốc gia trên thế giới từng trải qua giai đoạn xử lý nợ xấu, đã rút được bài học về việc giấu nợ xấu “dưới tấm thảm đẹp” chỉ càng làm cho nền kinh tế thêm trì trệ. Điều này cho thấy tính minh bạch trong tài chính của hệ thống NH, đặc biệt đối với các NH đang niêm yết buộc phải công bố thông tin theo quy định trên (TTCK) càng phải khắt khe hơn. Đây cũng là bài kiểm tra quan trọng đối với các NH trong việc đáp ứng tiêu chí Basel II.

Bên cạnh đó, sự minh bạch thông tin tài chính của các NH niêm yết còn ở khâu phân loại nợ vẫn chưa thực sự tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế và có sự khác nhau giữa các NH. Phân loại nợ không đúng bản chất có thể dẫn đến sai lệch hệ số CAR, ảnh hưởng đến chất lượng quản trị rủi ro. Tuy nhiên, thực hiện việc này không phải là công việc dễ dàng. Chỉ những NH có nền tảng tốt về mặt quản trị và lành mạnh về tài chính mới có thể đáp ứng được.

Những “ứng cử viên” sáng giá để thực hiện thí điểm chính là những NH đang niêm yết trên TTCK. Theo các chuyên gia, 2016 sẽ là năm cực kỳ khó khăn cho các NH tham gia thí điểm và những đơn vị có lợi  nhuận tốt sẽ dễ thở hơn. Vì thế, các NH trên phần lớn nằm trong nhóm dẫn đầu nên có thể dễ dàng hơn trong việc tuân thủ tiêu chí minh bạch thông tin của Basel II. Bởi về lâu dài, việc áp dụng các chuẩn mực Basel II sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho cổ đông. 

Các tin khác