Siêu ủy ban không điều hành từng DNNN

Cơ quan quản lý nhưng không điều hành

(ĐTTCO) - “Gọi là siêu ủy ban, siêu bộ nhưng tư tưởng thiết kế của Bộ KH-ĐT là không thể là siêu bộ được. Ủy ban chỉ là một cơ quan thực hiện đúng chức năng đặt ra, cũng không có chuyện ủy ban xuống điều hành từng DNNN, nếu làm vậy sai tư tưởng của đề án. Tất cả các DNNN vẫn hoạt động như một DN thuần túy, họ chỉ việc báo cáo về ủy ban”. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định như vậy khi nói về ủy ban chuyên trách quản lý DNNN sẽ được thành lập trong thời gian tới.

Cơ quan quản lý nhưng không điều hành

Là người trực tiếp chỉ đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện đề án lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại DN, ông Đặng Huy Đông khẳng định nhận thức, quyết tâm chính trị rất rõ ràng, tách chức năng quản lý nhà nước với việc thực hiện quyền chủ sở hữu DNNN. Còn tách thế nào, cần quay lại chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành chủ quản, sau khi tách họ sẽ làm gì? Vấn đề đặt ra việc tách này chỉ đơn thuần từ nhiều bộ thành một bộ, làm thay việc các bộ kia đang làm.  

Trên quan điểm quản lý về hợp đồng, theo chiến lược, kế hoạch và các chỉ số quản lý về nhân sự, thương hiệu, năng suất lao động, hiệu  quả tài chính, hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi sẽ xem xét áp dụng đưa vào hợp đồng chuẩn mực về quản trị DNNN theo chuẩn của OECD. Trong đó có quy định về kiểm toán, kế toán, nhân sự trả theo thù lao… Và nếu nhân sự vi phạm hợp đồng là sa thải được luôn, không cần lấy ý kiến của nhiều cơ quan.

Đơn cử, nếu các DNNN vẫn nằm trong bộ chuyên ngành sẽ không đạt mục tiêu đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trong thị trường; không tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các tổ chức kinh tế trong xã hội, không phân biệt DNNN, DN tư nhân, DN FDI. Chẳng hạn một DNNN thuộc Bộ Công thương đi khai khoáng, trong khi nhiều DN tư nhân cũng tham gia khai khoáng. Nếu DN tư nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mặt bằng khai thác và sẽ bị xử lý rất nghiêm; còn nếu DNNN cũng vi phạm điều đó nhưng vì DNNN trực thuộc bộ sẽ được nhẹ hơn khi xử lý vi phạm pháp luật. Bằng cách tách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ra khỏi các bộ chủ quản, chúng ta đạt được mục tiêu nêu trên.

 Trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng vậy, bộ vừa quản lý nhà nước, vừa quản lý DN sẽ có sự nhập nhèm, không làm rõ được sự bình đẳng giữa các DN, không công nhận là nền kinh tế thị trường là do vậy. Và như vậy sẽ chịu nhiều thiệt thòi từ sự đối xử không bình đẳng của các quốc gia khác. Từ đó chỉ số tín nhiệm quốc gia bị đánh giá thấp hơn thực tế. Khi tách ra các bộ chuyên ngành chỉ làm công tác quản lý chuyên ngành, khi đó dù DN tư nhân hay DNNN vi phạm vẫn bị xử lý như nhau theo quy định pháp luật.

Cơ quan quản lý kinh doanh vốn DNNN có thể là ủy ban, vì nếu là bộ nó lại hàm nghĩa quản lý nhà nước. Chức năng của ủy ban là cơ quan thực hiện quyền sở hữu đối với DNNN, nó chỉ khoanh lại một việc là thực hiện quyền sở hữu chứ không còn làm các công việc khác, không giống như các bộ hiện làm 2 việc một lúc hiện nay. Sự khác biệt sau khi thành lập ủy ban so với hiện nay là hiện nay các DNNN phải báo cáo về nhân sự với Văn phòng Chính phủ, báo cáo tiền lương với Bộ LĐ-TB-XH, báo cáo chuyên môn với bộ chủ quản, báo cáo tài chính với Bộ Tài chính và báo cáo với Bộ KH-ĐT về chiến lược, kế hoạch phát triển, đầu tư các dự án lớn. Tổ soạn thảo đã khảo sát, tất cả các DNNN đều muốn báo cáo duy nhất một cơ quan với vai trò là DN được giao những việc đó, hàng tháng, hàng năm chứ không phải báo cáo 5, 6 bộ như hiện nay.

Bình đẳng các loại hình DN

Ủy ban có quản lý tận công việc hàng ngày DNNN không? Khẳng định là không. Ủy ban sẽ quản lý trên cơ sở ra bản hợp đồng, ở đó thỏa thuận về chiến lược phát triển của công ty, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm theo định hướng, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cho DN. DNNN chỉ tham gia cung cấp dịch vụ công mà khu vực tư nhân không có khả năng cung cấp, không đủ tiềm lực cung cấp, hoặc không hấp dẫn tư nhân tham gia. Để tập trung nguồn lực hữu hạn của Nhà nước vào các chiến lược phát triển lớn, như đầu tư cầu, cống, sân bay, bến cảng, đường sá, hay giáo dục, y tế ở nông thôn…

Việc thành lập ủy ban thời gian tới không phải làm cho DNNN bé đi, mà chỉ thu hẹp, làm bé ở phần DNNN không cần tham gia, nhường sân lại cho khu vực tư nhân họ tham gia. Hơn nữa, trong tương quan GDP cả nước lớn dần, tỷ trọng DNNN trong GDP giảm đi, khi đó DNNN chiếm khoảng 17% GDP. Điều này không có nghĩa khu vực DNNN bé đi mà tạo điều kiện để khu vực tư nhân lớn lên, tham gia vào phát triển kinh tế. DNNN sẽ đặt hiệu quả lên trên hết, đặc biệt là 10 tập đoàn, tổng công ty đang sở hữu 80% vốn, tài sản nhà nước.

 

Bộ hay siêu bộ là tính trong tương quan nền kinh tế của ta, nếu quy mô khoảng 230 tỷ USD thì trên thế giới có nhiều tập đoàn quy mô gấp đôi, gấp 3 lần. Vấn đề đặt ra là quản lý thế nào và có minh bạch hay không. Còn có can thiệp chính trị sẽ không thể can thiệp trái pháp luật từ bất cứ cơ quan nào vào DNNN. Dù đâu đó vẫn có người mong muốn can thiệp, nhưng cơ hội can thiệp là rất thấp, hầu như không có. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan này dựa vào các cơ quan kiểm toán độc lập, đúng với quy trình kế toán, kiểm toán để đảm bảo sự khách quan và công khai cho xã hội biết.

Các tin khác