Kiểm toán cũng năm bảy đường

(ĐTTCO) - Ai cũng biết ý kiến của kiểm toán đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với BCTC của các công ty. Nhưng nếu nhìn vào cách sử dụng dịch vụ kiểm toán của các công ty, suy nghĩ về tầm quan trọng có thể sẽ khác.

(ĐTTCO) - Ai cũng biết ý kiến của kiểm toán đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với BCTC của các công ty. Nhưng nếu nhìn vào cách sử dụng dịch vụ kiểm toán của các công ty, suy nghĩ về tầm quan trọng có thể sẽ khác.

Muốn kiểm toán phải có lợi

“Chấp nhận toàn phần”, “Chấp nhận từng phần”, “Từ chối” và “Không chấp nhận” là 4 loại ý kiến của kiểm toán viên (KTV) đối với BCTC của doanh nghiệp (DN). Đối với các công ty niêm yết, phần nhiều ý kiến đều chấp nhận toàn phần, số ít chấp nhận từng phần, còn từ chối và không chấp nhận là cực kỳ hiếm hoi. Bởi ngay cả với ý kiến chấp nhận từng phần, BCTC của công ty niêm yết cũng có thể bị mổ xẻ khá nhiều. Tuy nhiên, liên tiếp những sự việc xảy ra tại Gỗ Trường Thành (TTF), Ntaco (ATA), NĐT đang phải tự hỏi về giá trị thực của các loại ý kiến kiểm toán.  

Sau khi tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc CTCK, có lẽ cũng phải tiến hành tái cấu trúc cả công ty kiểm toán để nâng cao chất lượng minh bạch, hàng hóa cho TTCK.

Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia CK

Đối với KTV, việc đến kiểm toán cho một doanh nghiệp, chỉ ra hàng loạt lỗ hổng, rồi sau đó doanh nghiệp cảm ơn và… mời công ty kiểm toán khác về làm là bình thường. Nguyên nhân vì các ý kiến của công ty kiểm toán có thể quá thực, thực đến nỗi công ty bất lợi, trong khi công ty kiểm toán khác có cách để giải quyết các vấn đề mềm dẻo hơn và có thể ý kiến của KTV cũng “nhẹ nhàng” hơn. Câu chuyện này có thể khó xuất hiện với các công ty niêm yết, vì BCTC sẽ bị soi khá kỹ từ cơ quan quản lý tới cổ đông, báo chí... Nhưng công ty dưới sàn xác suất xảy ra cao hơn. Lợi thế cạnh tranh gần như duy nhất của các công ty kiểm toán nhỏ, ít tên tuổi chính là phí, phí thấp cần có số lượng lớn bù lại, và khi đã chạy theo số lượng thì chất lượng không dễ gì được đảm bảo.

 Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đổi công ty kiểm toán với lý do đơn thuần là để tiết kiệm chi phí, hay gay gắt hơn do không thích hoặc làm việc không hợp nhau là bình thường. Nếu doanh nghiệp minh bạch, công ty kiểm toán nào cũng sẽ cho ra kết quả, ý kiến tương tự nhau. Nhưng nếu doanh nghiệp thay đổi kiểm toán nhằm “giảm tiêu cực” hoặc “tăng lạc quan” cho BCTC lại là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện không có một cơ chế về công bố thông tin nào, đặc biệt với doanh nghiệp dưới sàn, nên muốn tìm hiểu phải đi hỏi công ty kiểm toán, mà kiểm toán vốn rất thận trọng, kín tiếng. Tuy nhiên, với các công ty niêm yết, cơ hội làm rõ là có, nhưng phần lớn cổ đông đều không quan tâm, có thể vì không muốn, không để ý, hoặc có khi không cần.

Cổ đông cứ nghĩ đã kiếm toán là chính xác

Trong các tờ trình đại hội cổ đông hàng năm, vấn đề lựa chọn công ty kiểm toán đều được đem ra biểu quyết rất rõ ràng. Tuy nhiên, có lẽ đại hội thường chú ý đến các vấn đề nóng hơn như kế hoạch kinh doanh, tỷ lệ chia cổ tức, nhân sự… nên vấn đề lựa chọn công ty kiểm toán thường bị chìm khuất. Hiếm có đại hội nào có được sự thảo luận chi tiết như vì sao lựa chọn công ty kiểm toán A, không chọn B hay C; hoặc vì sao năm ngoái chọn A làm kiểm toán mà nay chọn B. Nguyên nhân phổ biến nhất nằm ở chuyện có lẽ các cổ đông tin vào công ty kiểm toán, nghĩa là A, B hay C gì cũng sẽ công tâm; hoặc cũng có thể cổ đông tin (hoặc tạm tin) doanh nghiệp minh bạch. Vậy nên doanh nghiệp có giữ hay đổi công ty kiểm toán và giải thích lý do gì, phần lớn cổ đông đều chấp nhận.

Nhưng trong thực tế vẫn có thể xuất hiện nhiều lý do khác. Chẳng hạn, nếu công ty kiểm toán A vì đề cao sự thận trọng mà tăng cường nghiệp vụ, yêu cầu doanh nghiệp làm rõ số liệu, sổ sách, do năm nay đã ký hợp đồng nên DN chấp nhận, nhưng có thể đến sang năm sẽ trình đại hội thay đổi công ty kiểm toán, lý do thay đổi cũng không khó để tìm ra. Ngược lại, DN có thể ký hợp đồng với công ty kiểm toán trong nhiều năm có thể vì 2 bên hiểu nhau, công ty kiểm toán đưa một mức giá tốt, nhưng có khi cũng vì công ty kiểm toán khá “dễ chịu” trong việc đưa ra các ý kiến. Nói đơn cử, trong nghiệp vụ kế toán-kiểm toán, sẽ có những vấn đề có thể xuất hiện nhiều cách đánh giá khác nhau, công ty kiểm toán này có thể gay gắt thận trọng, nhưng đơn vị khác lại linh hoạt, mềm dẻo hơn, và tùy vào quan điểm mà doanh nghiệp sẽ chọn công ty kiểm toán nào có lợi cho mình. Và nói doanh nghiệp chọn, nhưng thực ra HĐQT mới đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những điều trên chỉ ra một thực tế: Doanh nghiệp thay đổi công ty kiểm toán sao cho có lợi cho mình dễ như… thay áo. Đồng nghĩa với việc NĐT phải đối mặt với nhiều rủi ro và tính chính xác, minh bạch trên BCTC của doanh nghiệp cũng tiềm ẩn những vấn đề. Vậy sau những vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính, những dấu hỏi về chất lượng kiểm toán, cổ đông sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Chắc chắn tự thân công ty kiểm toán từ nay sẽ phải thận trọng hơn khi làm việc nhằm tránh những rủi ro có thể xảy đến.

 Chuyện cổ đông có thể chất vấn sâu hơn về công tác kế toán, kiểm toán xem chừng là không dễ dàng, bởi lẽ nếu doanh nghiệp có chủ đích giấu công ty kiểm toán cũng rất dễ bị qua mặt. Có lẽ, giải pháp ở đây là công ty kiểm toán sẽ phải bớt đi sự cả nể, đồng thời việc cạnh tranh bằng giảm giá, giảm phí sẽ phải chấm dứt, dịch vụ kiểm toán phải được thực thi theo đúng tiêu chí “tiền nào, của đó”.

Các tin khác