Sân bay TSN: Giải pháp cũng chỉ chắp vá

(ĐTTCO) - Gần đây, các tuyến đường cửa ngõ Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN - quận Tân Bình, TPHCM) liên tiếp xảy ra các vụ kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ. Thậm chí trong khung giờ thấp điểm, tình trạng quá tải cũng diễn ra, khiến người dân rất khốn khổ khi lưu thông qua khu vực này. Trong khi đó, sân bay TSN vẫn đang phải gồng mình chịu cảnh quá tải ít nhất 9 năm nữa, cho đến khi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) hoàn thành giai đoạn 1 theo dự kiến.

(ĐTTCO) - Gần đây, các tuyến đường cửa ngõ Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN - quận Tân Bình, TPHCM) liên tiếp xảy ra các vụ kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ. Thậm chí trong khung giờ thấp điểm, tình trạng quá tải cũng diễn ra, khiến người dân rất khốn khổ khi lưu thông qua khu vực này. Trong khi đó, sân bay TSN vẫn đang phải gồng mình chịu cảnh quá tải ít nhất 9 năm nữa, cho đến khi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) hoàn thành giai đoạn 1 theo dự kiến.

Quá tải từ trong ra ngoài

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong năm 2015, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế TSN (viết tắt theo tiếng Anh là TIA) đạt 26,3 triệu lượt khách, trong khi công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/năm (vượt quy hoạch điều chỉnh của Bộ Giao thông Vận tải - GTVT - 1,3 triệu khách). Cũng theo dự báo của ACV, đến cuối năm 2016, lượng hành khách thông qua TIA khoảng 32 triệu lượt/năm. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2017 sẽ vượt ngưỡng 30 triệu lượt khách/năm và cuối năm 2018, TIA dự kiến phục vụ 40 triệu lượt khách/năm. Mốc này được cho là ngưỡng của sân bay. 

Ách tắc dưới mặt đất đã dẫn đến ách tắc trên trời và gây ra nguy cơ cao về mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Sân bay Long Thành nếu làm được sớm cũng phải đến 2025 mới có thể đưa vào sử dụng. Do đó sẽ phải có ngay giải pháp khắc phục, đáp ứng nhu cầu, bảo đảm an toàn bay trong ít nhất 10 năm tới. Nếu không làm, đây sẽ là nút thắt lớn cho TPHCM, cho cả nền kinh tế. Trước mắt Bộ GTVT chỉ đạo Cục HKVN và các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp trong điều hành bay nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với tất cả các chuyến bay; phối hợp với UBND TPHCM để có giải pháp tổ chức giao thông ra-vào sân bay hợp lý hơn, hạn chế ách tắc; phối hợp với Bộ Quốc phòng đưa ra phương án tối ưu nhất để nâng cấp, mở rộng sân bay TSN.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc TIA, cho biết với tốc độ tăng trưởng hành khách hơn 15%/năm, cùng với đó sân bay TSN sẽ phải chịu áp lực quá tải kéo dài ít nhất 9 năm nữa cho tới khi Sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Do đó, giải quyết tình trạng quá tải này đang là bài toán không đơn giản. Tình trạng quá tải còn thể hiện ở tần suất chuyến bay hàng ngày. Hiện mỗi ngày có khoảng trên dưới 600 chuyến bay cất, hạ cánh tại sân bay TSN. Cao điểm dịp hè vừa qua, sân bay TSN tăng lên đến trên 700 chuyến cất, hạ cánh/ngày. Trong khi hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được cải thiện tương xứng, các hãng thiếu cửa (Gate) ra tàu bay, thiếu phòng chờ cho hành khách.

 Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), trong 6 tháng đầu năm 2016, các hãng HKVN thực hiện gần 130.000 chuyến bay nhưng có đến gần 20.000 chuyến bay chậm, chiếm hơn 15% số lượng và tăng 0,8 chuyến so với cùng kỳ năm 2015. Số chuyến bay hủy gần 800 chuyến, chiếm 0,6% và cũng tăng so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ chậm, hủy chuyến ở từng hãng cụ thể tại Vietnam Airlines tỷ lệ hơn 15%, Vietjet hơn 16% và Jetstar Pacific gần 21%. Cũng 6 tháng đầu năm, khi áp dụng điều phối giờ cất, hạ cánh (Slot), ngày cao điểm có thể đạt tới 42 chuyến/giờ, dẫn tới việc các chuyến bay phải bay chờ trên vùng trời tiếp cận tăng cao, với hơn 200 lượt chuyến bay chờ hơn 30 phút, thậm chí, có chuyến phải bay chờ hơn 60 phút. Và nếu tính cả số chuyến bay chờ trên 15 phút số lượng này còn nhiều hơn.

Cuối năm 2015, Bộ GTVT đã công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết TIA giai đoạn năm 2020, định hướng đến 2030. Theo quy hoạch, sân bay TSN có 82 vị trí đỗ máy bay, gồm 54 vị trí của hàng không dân dụng và 28 vị trí của hàng không lưỡng dụng. Thế nhưng đến nay nhu cầu về điểm đỗ đã lên hơn 80 điểm, trong khi chỉ đáp ứng 50 điểm. Vì thế, nhiều chuyến bay đã hạ cánh nhưng phải chờ trên đường lăn vì không có bãi đậu, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách và tác động dây chuyền đến những chuyến bay tiếp theo. Tại cuộc họp gần đây, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục HKVN, thừa nhận dù có nhiều nỗ lực trong các giải pháp nhưng tỷ lệ chậm, hủy chuyến của ngành hàng không nước ta vẫn ở mức cao, với tỷ lệ trung bình gần 16%, gấp đôi so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... “Tình trạng các chuyến bay bị chậm và hủy đang là câu chuyện dài tập. Cố gắng lắm, hết năm 2016 tỷ lệ này cũng chỉ giảm còn 15%" - ông Thanh thông tin.

Ở ngoài khu vực sân bay, các tuyến đường bao quanh cũng rơi vào tình trạng quá tải. Cụ thể, liên tiếp những ngày đầu tháng 8 đã có ít nhất 3 vụ kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ. Thậm chí, vào khung giờ thấp điểm, các tuyến đường quanh khu vực sân bay đều bị ngưng trệ từ khoảng hơn 11h30 trưa đến gần 14h chiều. Hàng ngàn phương tiện ô tô và xe máy nối đuôi nhau xếp hàng cây số dưới cái nắng oi bức trên các tuyến đường như: Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hoàng Minh Giám, Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, nút giao thông Lăng Cha Cả và cầu vượt bằng thép ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Thậm chí, tại đường Trần Quốc Hoàn và Trường Sơn (nối thẳng sân bay), dòng xe gắn máy đi chen lẫn vào dòng xe ô tô khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng. Kinh hoàng hơn, tại vòng xoay Lăng Cha Cả, hàng ngàn phương tiện đổ ra và xung đột với nhau, khiến nút giao này không khác gì “tấm mạng nhện” khổng lồ.

Bế tắc phương án cứu TSN

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết đã đề nghị Khu quản lý giao thông đô thị số 1 nhanh chóng phối hợp với chính quyền quận Tân Bình, lực lượng cảnh sát giao thông để phân luồng giao thông hợp lý, mở rộng làn đường, tăng cường các biển báo hướng dẫn, đèn tín hiệu, bảng điều khiển giao thông điện tử… để người dân có thể lưu thông các con đường nhánh khác, hạn chế tối đa xe cộ qua đường Trường Sơn giờ cao điểm. Sắp tới, Sở GTVT sẽ đẩy nhanh việc giám sát bằng camera, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xác định các điểm nguy cơ ùn tắc, để kịp thời đưa ra các tình huống xử lý. Về lâu dài, ông Cường cho biết TPHCM sẽ xây thêm 2 cầu vượt tại khu vực sân bay (trên đường Trường Sơn) và ngã Bảy Gò Vấp, để giải quyết tình trạng ùn tắc vào sân bay.

Tuy nhiên, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc ACV, khẳng định để giải quyết triệt  để tình trạng trên phải chờ sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, đồng nghĩa sân bay TSN phải chịu cảnh sống chung với quá tải nhiều năm nữa. Cũng theo ông Bình, việc phân luồng giao thông hay điều chỉnh lộ trình di chuyển trên các tuyến đường chỉ là giải pháp tạm thời. Các giải pháp đầu tư xây dựng nút giao thông hay cầu vượt cũng không khả thi, bởi quanh khu vực sân bay chưa có các tuyến đường kết nối, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh. “Muốn sân bay Long Thành hoàn thành sớm giai đoạn 1 cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương cũng như các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để thúc đẩy nhanh việc xây dựng dự án” - ông Bình nói.

Các tuyến đường quanh sân bay TSN luôn trong tình trạng kẹt cứng.

Các tuyến đường quanh sân bay TSN luôn trong tình trạng kẹt cứng.

Hiện nay ACV đang tiến hành mở rộng nhà ga nội địa hiện hữu, xây dựng nhà để xe ô tô và xe máy; đồng thời, đề nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Quốc phòng để bàn giao một phần đất (khoảng 21ha) quốc phòng tại khu vực TIA cho ACV để xây dựng thêm 1 nhà ga nội địa, cũng như được sử dụng các bến đậu quân sự cho mục đích dân sự. Mới đây, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục HKVN giảm tần suất các chuyến bay trong khung giờ cao điểm. Do đó, ACV đề nghị các hãng hàng không đề xuất trình Cục HKVN cấp phép cho các chuyến bay mới vào khung giờ khác. Cụ thể, tại sân bay TSN trong khoảng thời gian từ 23h khuya đến 5h sáng hôm sau không có các chuyến bay nội địa nào khai thác.

 Trong khi đó, theo ACV, dự kiến đến tháng 4-2021 có thể khởi công dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Theo tuần tự của luật pháp hiện hành, các bước chuẩn bị cho việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng gồm: Tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách; đấu thầu lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và sau đó lập báo cáo nghiên cứu khả thi; khi được phê duyệt sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật và tiến hành thiết kế kỹ thuật cho dự án; tiếp đến sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục nào đã được thu xếp và phân bổ nguồn vốn; cuối cùng là khởi công công trình.

Các tin khác