Tín dụng tăng cao nhưng có “thực chất”?

(ĐTTCO) – Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 – 20% năm 2016 sẽ không phải là chuyện khó khăn đối với các ngân hàng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chuyện vốn đổ vào nền kinh tế có thực chất, hiệu quả, kích thích tăng trưởng doanh nghiệp hay không?

(ĐTTCO) – Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 – 20% năm 2016 sẽ không phải là chuyện khó khăn đối với các ngân hàng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chuyện vốn đổ vào nền kinh tế có thực chất, hiệu quả, kích thích tăng trưởng doanh nghiệp hay không?

Tín dụng tăng trưởng lạc quan

Theo số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 19/8, tín dụng tăng 8,78% so với cuối năm 2015; cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. So với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng từ đầu năm là khoảng 18 – 20%, có thể thấy tín dụng đang có những bước tăng trưởng đầy khả quan.

 

Thông thường, tín dụng tăng mạnh hơn vào những tháng cuối năm, vì vậy, những tháng còn lại bình quân mỗi tháng tăng 2% có lẽ cũng không quá khó. TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng cũng khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái và với tốc độ như vậy hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Sở dĩ tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan từ nay đến cuối năm và có thể đạt mục tiêu đề ra, bởi, thứ nhất, các cơ chế, chính sách (Nghị quyết 35, Nghị quyết 19, Thông tư 06 và 07) bắt đầu đi vào cuộc sống; thứ hai, tính chu kỳ tín dụng thường tăng mạnh vào 2 quý cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo trong khi nợ xấu cũ đang được xử lý, các ngân hàng phải thận trọng trong cho vay, đưa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Có là “thực chất”?

Tuy nhiên, vẫn có một số ít ý kiến lo lắng về “thực chất” của tín dụng khi doanh nghiệp vẫn khó vay vốn và có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, thông tin từ phía NHNN cho thấy, các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của NHNN, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Khẳng định số liệu là thực chất, tại phiên họp “Thông tin hoạt động ngân hàng 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016” diễn ra hồi đầu tháng 8, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, con số tăng trưởng tín dụng tăng 8,54% (sau 7 tháng) so với với cuối năm 2015 là toàn bộ tín dụng cho nền kinh tế, không bao gồm các tổ chức tín dụng mua trái phiếu Chính phủ trong thời gian vừa qua. “8,54% là mức tăng trưởng dư nợ, có nghĩa là dư nợ tăng thêm được mức đó so với dư nợ của cuối năm 2015. Sau khi lấy số dư nợ của năm 2015 cộng với doanh số cho vay, trừ đi doanh số thu nợ thì có được con số 8,54%” – Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích thêm.

Theo thống kê sơ bộ của các đơn vị chức năng NHNN, trong những tháng đầu năm, doanh số cho vay và doanh số thu nợ vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng cho thấy, dòng tín dụng là lưu động có cho vay, có thu nợ. Đối với những vấn đề liên quan tới cho vay, gia hạn nợ… các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện theo các quy định của NHNN.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD vẫn tương đối ổn định trong thời gian qua. Từ cuối tháng 4/2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

Về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế, theo các chuyên gia kinh tế, GDP thấp hơn dự kiến đã được phân tích kỹ. Song, nếu nói việc doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng tác động tới tăng trưởng kinh tế là có phần chưa chính xác. Bởi theo phía ngân hàng thì việc các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về năng lực tài chính, thông tin không minh bạch khó tiếp cận vốn đã diễn ra nhiều năm trước chứ không phải bây giờ mới diễn ra.

Tăng trưởng tín dụng năm 2016 phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế và doanh nghiệp. Và suy cho cùng, quan trọng hơn nhất là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy. Điều cần nhất là tạo ra cơ chế tốt hơn để cho cả kinh doanh và tăng trưởng tín dụng đều đạt được “thực chất”.

Các tin khác