PAN đủ lực làm nông sản sạch?

(ĐTTCO) - CTCP Tập đoàn PAN là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp. Chủ tịch HĐQT PAN - ông NGUYỄN DUY HƯNG (ảnh), đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - là một cái tên đã quá quen thuộc trong ngành tài chính, chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ câu chuyện về việc đầu tư cùng lúc cả lĩnh vực tài chính và nông nghiệp, ông Hưng cho biết:

(ĐTTCO) - CTCP Tập đoàn PAN là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp. Chủ tịch HĐQT PAN - ông NGUYỄN DUY HƯNG (ảnh), đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - là một cái tên đã quá quen thuộc trong ngành tài chính, chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ câu chuyện về việc đầu tư cùng lúc cả lĩnh vực tài chính và nông nghiệp, ông Hưng cho biết: 

Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm trở nên nóng bỏng bởi tâm trạng lo lắng của người tiêu dùng khi mà "ăn cũng chết, không ăn cũng chết”. Chính vì nhu cầu chính đáng về một bàn ăn sạch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú ý hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp này đang trong quá trình tạo ra những nông sản sạch, có chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Và ý tưởng chuyển hướng sang đầu tư nông nghiệp của tôi bắt nguồn từ bức xúc khi thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có xu hướng tăng lên một cách đáng báo động: Rau củ quả, thịt, cá với đơn lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh vượt quá hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép. Người tiêu dùng phải đối mặt với vấn đề đáng lo ngại là làm sao được sử dụng thực phẩm chất lượng, an toàn, rõ nguồn gốc vì thế hệ hiện nay và các thế hệ tương lai.

 Rất nhiều người hỏi tại sao từ một nhà đầu tư tài chính, SSI lại đầu tư cả vào lĩnh vực nông nghiệp? Tôi cho rằng với bất cứ một doanh nhân, điều họ nhìn để quyết định có đầu tư hay không đó là cơ hội. Ở một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, nhu cầu thị trường quốc tế như hiện tại (theo tính toán của Tổ chức Lương thực thế giới, đến năm 2050 nếu chúng ta đầu tư vào nông nghiệp như hiện nay, thế giới sẽ thiếu nghiêm trọng lương thực và thực phẩm), với một nhà đầu tư tài chính, khi nhìn thấy cơ hội và nghiên cứu khả thi thấy một tiềm năng tốt, chúng tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

PHÓNG VIÊN: - Hiện nay, PAN đã có một số sản phẩm chất lượng giới thiệu ra công chúng như gạo Ban Mai. Để có được những thành công bước đầu như vậy, trong quá trình thực hiện ông thấy có những khó khăn gì?

Ông NGUYỄN DUY HƯNG: - Để triển khai được dự án kinh tế khả thi cần có một số yếu tố. Thứ nhất, nếu chỉ làm như truyền thống đang làm sẽ rất khó tạo sự đột phá, nên việc đầu tiên là phải có giải pháp về khoa học. Khi có giải pháp về khoa học sau đó phải có giải pháp về kinh tế, trong đó một điều hết sức quan trọng là vấn đề thị trường. Cuối cùng là vấn đề pháp lý và triển khai thực tiễn. Đó là những việc không hề dễ dàng.  

Cách đây 3 năm, khi tôi nói về nông nghiệp, chẳng mấy ai quan tâm, còn bây giờ đã có rất nhiều người đầu tư vào đó. Ở một quốc gia 80% dân số liên quan đến nghề nông, làm một điều gì đó có ý nghĩa để phát triển ngành này là một sứ mệnh xứng đáng để theo đuổi. Điều này vượt khỏi câu chuyện kinh doanh kiếm tiền đơn thuần và bây giờ tôi có đủ lực để theo đuổi nó.

Rồi những khó khăn khác nữa là làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm qua các quy trình từ lúc mới bắt đầu sản xuất cho đến khi ra thành phẩm, đóng gói, vận chuyển, đến tay người tiêu dùng… là bài toán khó đối với các doanh nghiệp. Các yếu tố liên quan đến vốn, công nghệ, con người cũng là những thách thức khiến nhiều doanh nghiệp làm nông sản loay hoay, chưa tìm được lời giải. Bên cạnh đó, có sản phẩm rồi cũng chưa chắc được người tiêu dùng tiếp nhận ngay, bởi yếu tố về giá - lúc này đã cao hơn rất nhiều so với những thực phẩm thông thường được bán ở chợ truyền thống. Niềm tin cũng là một yếu tố quan trọng, vì sau những sự cố liên quan đến thực phẩm không sạch, người tiêu dùng đã khó tính hơn rất nhiều.

 - Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng thị trường này?

- Khi nói đến chuyện kinh doanh, điều quan trọng nhất là nắm bắt được nhu cầu của thị trường, tức khách hàng. Vấn đề là tìm giải pháp để chuyển đến người tiêu dùng và làm cho họ có lòng tin. Theo đó, giá sản phẩm đưa ra phải phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng và khi họ chấp nhận, tức sản phẩm đó đã bước đầu chiếm lòng tin người tiêu dùng. Khi vấn đề sản phẩm không sạch trở thành nỗi lo ngại của người tiêu dùng, một thị trường cho các sản phẩm nông sản sạch tất yếu phải có và sẽ được người tiêu dùng đồng hành, ủng hộ. Từ đây, không có lý do gì việc cung cấp sản phẩm sạch lại không thành công.

Thực tế, khi chúng tôi xác định có thị trường tiêu thụ, việc triển khai để đưa sản phẩm ra thị trường được tập trung thực hiện, kết hợp với các giải pháp về công nghệ, tài chính để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, sau một quá trình triển khai, có thể nói bước đầu sản phẩm chúng tôi đưa ra đã được thị trường, người tiêu dùng chấp nhận và mang lại hiệu quả.

- Vậy còn cơ hội và thách thức của việc đầu tư vào nông nghiệp?

- Về ngắn hạn, đầu tư vào nông nghiệp là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất. Nếu đưa giải pháp công nghệ cao vào, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn nhiều so với bình thường. Nếu không kiếm được thị trường xuất khẩu để tự cân bằng được bài toán tài chính, việc dựa hoàn toàn vào thị trường trong nước là điều khó khăn. Việc xuất khẩu sẽ vừa đảm bảo nguồn thu, vừa là minh chứng cho nông sản có chất lượng cao.

Đầu tư vào nông nghiệp có nhiều giai đoạn: canh tác, chế biến, lưu kho, phân phối. Chỉ khi nào làm tốt các công đoạn này câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm mới có câu trả lời. Cái khó nhất khi đầu tư vào lĩnh vực này là làm sao có một đội ngũ con người trong lĩnh vực nông nghiệp. Thách thức cũng rất nhiều, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và công nghệ đóng gói, cho tới tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tất cả đều phải được xử lý hàng ngày. Ngoài ra, đầu vào nguồn cung ứng nguyên liệu bị rải rác, trong khi doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm chất lượng đầu ra ổn định.

Ở đây cũng cần nói thêm rằng chúng ta chỉ có thể gọi là thị trường rau quả sạch khi các sản phẩm bán ra được công bố rõ tiêu chuẩn trồng trọt, tiêu chuẩn chế biến, các chứng chỉ được cấp và quan trọng nhất là có thể truy xuất được nguồn gốc. Sản phẩm chỉ sạch khi người tiêu dùng cầm mớ rau có thể biết được do ai trồng, trồng ở đâu, trồng theo tiêu chuẩn gì, thu hoạch vào lúc nào, được sơ chế và đóng gói ở đâu, cơ sở có đạt chứng chỉ an toàn nào hay không, do tổ chức nào cấp…

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác