BRICS: Kỳ vọng và ảo mộng (K1): Giấc mơ BRIC

(ĐTTCO) - Tháng 9 năm nay đánh dấu tròn 10 năm bộ trưởng ngoại giao các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) họp mặt lần đầu tiên, mở màn cho các cuộc họp cấp cao sau đó của khối này. Khối này ra đời với những kỳ vọng rất lớn từ chính các thành viên lẫn những nhà đầu tư quốc tế, tuy nhiên liệu kỳ vọng đó đang thành hình, hay dần biến thành ảo mộng?

(ĐTTCO) - Tháng 9 năm nay đánh dấu tròn 10 năm bộ trưởng ngoại giao các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) họp mặt lần đầu tiên, mở màn cho các cuộc họp cấp cao sau đó của khối này. Khối này ra đời với những kỳ vọng rất lớn từ chính các thành viên lẫn những nhà đầu tư quốc tế, tuy nhiên liệu kỳ vọng đó đang thành hình, hay dần biến thành ảo mộng?

Tháng 10-2003, đại gia ngân hàng toàn cầu Goldman Sachs có một báo cáo với tựa đề: “Mơ cùng BRIC, con đường đến năm 2050”, trong đó vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng cho 4 nước BRIC. Báo cáo đã có tác động rất lớn đến dòng tiền đầu tư, khi các nhà đầu tư tin lời Goldman Sachs đua nhau đổ tiền vào BRIC để đón đầu cơ hội.

1 tay bơm thổi

BRIC ngày nay đã phát triển thành BRICS (thêm Nam Phi vào năm 2010) và đã là một khối các nước đang phát triển với tiềm năng kinh tế và chính trị to lớn. Tuy nhiên, công bằng mà nói khối này có thể tập hợp lại như ngày nay cũng nhờ công rất lớn của đại gia Ngân hàng Goldman Sachs, cụ thể hơn là Jim O'Neill, Chủ tịch bộ phận quản lý tài sản của Goldman Sachs trước đây. Năm 2001, Jim O'Neill lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ BRIC, khi dự báo đến năm 2050 thế giới sẽ có 6 thực thể kinh tế đơn lẻ lớn gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

BRIC dần trở thành thuật ngữ được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng của sự chuyển dịch quyền lực kinh tế thế giới từ nhóm nước G7 sang các nước đang phát triển. Các lãnh đạo BRIC (từ sau 2010 là BRICS) đều công khai bày tỏ những tham vọng mở rộng khả năng hợp tác cũng như ảnh hưởng của khối dựa trên cơ sở những ưu thế cạnh tranh của họ.

Trong đó, ông gọi 4 nước đang phát triển là “BRIC” và cho rằng đó là “4 viên gạch vàng” (BRIC đọc gần giống với brick - gạch trong tiếng Anh). Cho tới lúc đó, có thể nói các nước BRIC vẫn chưa có mối liên kết gì ngoài những điểm chung vốn có, như cùng thuộc nhóm ưu tú của các nước đang phát triển với dân số lớn, thị trường lao động giá rẻ và nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Goldman Sachs tiếp tục “bơm” các nước BRIC bằng những dự đoán có cánh trong báo cáo “Mơ cùng BRIC”. Trong đó, Goldman Sachs dự báo đến năm 2050, BRIC có thể trở thành một thế lực lớn hơn nhiều trong nền kinh tế thế giới. Sử dụng các phương pháp dự báo mới nhất dựa trên nhân khẩu học và một mô hình về vốn tích lũy và tăng năng suất, báo cáo cho rằng đến năm 2050 các nền kinh tế BRIC có thể đạt quy mô lớn hơn nhóm các nước G6 (6 nước công nghiệp lớn nhất thế giới). Gần hơn, vào năm 2025, BRIC sẽ đạt hơn 1/2 quy mô của G6, dù vào năm 2003 quy mô GDP các nước BRIC chỉ chưa bằng 15% G6. Dự báo chỉ ra vào năm 2050, BRIC sẽ chiếm tới 4 chỗ trong G6, và khi đó G6 chỉ còn lại 2 thành viên cũ gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tỷ giá hối đoái thực tế của các nước BRIC có thể tăng đến 300% trong vòng 50 năm tới (trung bình 2,5%/năm).

Mượn gió bẻ măng

“Giấc mơ” do Goldman vẽ ra cho rằng vào năm 2050 bình quân đầu người của Trung Quốc tương đương với các nền kinh tế phát triển năm 2003 (khoảng 30.000USD/người). Ngay từ năm 2009, gia tăng chi tiêu hàng năm bằng USD của các nước BRIC có thể lớn hơn G6 và gấp đôi 2003. Đến năm 2025 mức tăng này có thể gấp đôi G6, và gấp 4 lần vào năm 2050. Danh sách top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trông hoàn toàn khác vào năm 2050. Những nền kinh tế có GDP lớn nhất có thể không còn là những nền kinh tế giàu nhất (có GDP/đầu người lớn nhất), điều này khiến lựa chọn chiến lược của các công ty trở nên phức tạp hơn. Sau đó, năm 2004 Goldman Sachs tiếp tục lôi cuốn sự chú ý của giới đầu tư bằng việc phát hành báo cáo theo dõi. Trong đó, họ tiếp tục đưa ra những dự báo màu hồng, như số người đạt thu nhập trên 3.000USD/năm sẽ nhanh chóng vượt 800 triệu người chỉ trong vòng 1 thập niên, tức giới trung lưu sẽ tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2025, dự báo có tới hơn 200 triệu người ở BRIC có thu nhập hàng năm trên 15.000USD.

Những dự báo có cánh của Goldman dành cho BRIC đã thu hút dòng tiền đầu tư đổ vào 4 nước này. Mượn gió bẻ măng, năm 2006, các lãnh đạo BRIC quyết định tổ chức họp các bộ trưởng ngoại giao 4 nước bên lề cuộc họp của Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York (Hoa Kỳ). Và đến năm 2009, họ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Yekaterinburg của Nga. Tại cuộc họp này, các lãnh đạo BRIC đưa ra tuyên bố kêu gọi xây dựng trật tự thế giới đa cực, dân chủ và bình đẳng. Cụ thể, họ thảo luận về việc 4 nước có thể hợp tác tốt hơn các hoạt động trong tương lai, đưa ra định hướng để BRIC có thể tham gia nhiều hơn trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời tuyên bố cần có một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới để chống lại sự bá quyền của USD.

Lãnh đạo các nước BRICS tại một cuộc họp thượng đỉnh.

Lãnh đạo các nước BRICS tại một cuộc họp thượng đỉnh.

Đối trọng phương Tây

Người ta kỳ vọng đến năm 2027 các nền kinh tế BRIC sẽ vượt qua nhóm G7 (7 nước công nghiệp lớn nhất). Trên thực tế, đã có những bước đi cụ thể theo định hướng trên. Chẳng hạn Bộ trưởng Nông nghiệp các nước BRIC đã thỏa thuận được về kế hoạch xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất nhằm giúp đánh giá được tình trạng an ninh lương thực trong khối. Cũng trong lĩnh vực kinh tế, BRICS kêu gọi phân chia lại ảnh hưởng và quyền lợi với những quốc gia công nghiệp phát triển tại những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Từ các chương trình nghị sự của BRICS trong những cuộc họp cấp cao, có thể rút ra 2 mục tiêu chiến lược chính của các nước BRIC: Đầu tiên là đấu tranh để tăng cường hơn nữa ảnh hưởng trên toàn cầu, không để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa các nền kinh tế mới nổi và những "ông chủ cũ" của thế giới. Mục tiêu thứ hai mang tính chính trị nội bộ nhiều hơn: Tăng cường các biện pháp hiểu biết lẫn nhau, nâng cao tính thống nhất, không để những bất đồng làm ảnh hưởng đến sức mạnh của khối, cũng như sự phát triển kinh tế của các nước thành viên.

Chẳng hạn, trong tuyên bố chung Tam Á (năm 2011), lãnh đạo 5 nước BRICS cho rằng cơ cấu quản lý các thể chế tài chính quốc tế cần phải phản ánh được những thay đổi của nền kinh tế thế giới, đồng thời tăng tiếng nói và sự đại diện của những nước đang phát triển và mới nổi. BRICS cũng bày tỏ sự lo ngại về vận mệnh của đồng USD, trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đang chìm trong thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Ngoài ra, lãnh đạo các nước BRICS cũng tái khẳng định sự cần thiết phải cải tổ LHQ, trong đó có Hội đồng bảo an, để tổ chức quốc tế này mang tính đại diện hơn, hoạt động tích cực và hiệu quả hơn nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

(Còn tiếp)

Các tin khác