Ngành nhựa: Cơ hội hàng nội đang yếu dần

Hàng ngoại chiếm lĩnh từ cao cấp đến trung bình

(ĐTTCO) -  Ngành nhựa gia dụng Việt Nam đã và đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều đối thủ ngoại từ phân khúc cao cấp đến trung bình. Và với ưu điểm công nghệ hiện đại, mẫu mã đa dạng, khối ngoại đang vượt lên trên trong cuộc đua này.

Hàng ngoại chiếm lĩnh từ cao cấp đến trung bình

Cứ mỗi đợt nhãn hàng Lock and Lock, thương hiệu gia dụng Hàn Quốc có chương trình giảm giá sản phẩm 30-50%, chị Nguyễn Thu Hà (quận Gò Vấp, TPHCM) lại cố gắng sắm thêm cho gia đình khá nhiều sản phẩm, trong đó nhiều nhất là hộp đựng thực phẩm. Theo chị Hà giá thành các sản phẩm của Lock and Lock khá cao nên đối với người có thu nhập trung bình thấp như chị muốn dùng hàng cao cấp phải đợi đến các đợt khuyến mại. Đến Việt Nam vào thời điểm 2007-2008, Lock and Lock đã nhanh chóng bành trướng và chiếm lĩnh phân khúc gia dụng cao cấp, trong đó quan trọng nhất là sản phẩm hộp bảo quản thực phẩm, một trong những ngách nhỏ trong nhiều sản phẩm gia dụng ít được doanh nghiệp (DN) nội chú ý.  

Do tiềm lực yếu, các DN nhỏ và siêu nhỏ đã xác định rõ phân khúc của mình là đi về khu vực nông thôn, địa bàn đòi hỏi về mẫu mã không cao và chuộng những sản phẩm có giá thành hợp lý. Còn số ít DN vừa và lớn đang có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam

Thực ra ý định ban đầu của nhà đầu tư Hàn Quốc khi đầu tư nhà máy tại Việt Nam là nhằm xuất khẩu sang các thị trường khác. Nhưng sau khi nhận thấy sức tiêu thụ ở Việt Nam có tiềm năng lớn, hãng này đã chọn đầu tư cả nhà máy lẫn hệ thống phân phối tại Việt Nam. Một trong những yếu tố mang đến thành công cho Lock and Lock dù ở phân khúc cao cấp, đó chính là những sản phẩm của thương hiệu này đánh vào tâm lý xem trọng sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Tính đến nay Lock and Lock đã có 4 nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Khởi điểm là nhà máy sản xuất nhựa tại Đồng Nai, được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2009, có diện tích 70.000m2. Tiếp theo là cụm 3 nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bao gồm nhà máy thủy tinh chịu nhiệt (150.116m2), nhà máy nồi chảo (35.000m2) và nhà máy nhựa (46.566m2). Sản lượng của các nhà máy này 20% phục vụ cho thị trường Việt Nam, 80% được hãng xuất đi 117 quốc gia trên thế giới. Ở phân khúc cao cấp còn một số nhãn hàng nhựa khác, nhưng có lẽ Lock and Lock là thương hiệu nằm trong tâm trí nhiều người tiêu dùng Việt, nhất là người tiêu dùng ở khu vực thành thị.

 Trong khi phân khúc cao cấp gần như hoàn toàn thuộc về khối ngoại, ở phần trung và thấp DN nội cũng chịu nhiều sức ép từ các sản phẩm đến từ Thái Lan. Tâm lý thích hàng Thái Lan đã in sâu trong tâm trí của người tiêu dùng Việt Nam từ nhiều năm nay. Sự tin tưởng về chất lượng và hài lòng về giá thành khiến hàng Thái đang ngày càng có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam, đặc biệt khi người Việt quay lưng với hàng Trung Quốc do những lo ngại về sức khỏe. Một hình ảnh quen thuộc tại mỗi kỳ hội chợ hàng Thái Lan ở TPHCM, đó là rất đông người tiêu dùng Việt Nam đến tham quan và mua sắm. Trong những giỏ hàng người người xách về có khá nhiều sản phẩm nhựa gia dụng. Tại một số quầy kệ ở các siêu thị hiện nay, nhóm ngành nhựa gia dụng Thái Lan đang chiếm vị trí đáng kể.

Không chỉ tận dụng ưu đãi về thuế quan đang giảm dần ở Việt Nam để đưa hàng vào, người Thái còn đang đẩy mạnh đầu tư nhà máy. Một trong những đại gia của ngành nhựa Thái Lan đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy tại Việt Nam là Srithai Superware PLC. DN này, với sản phẩm chính là đồ nhựa gia dụng và sơn, đã có 19 năm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư ban đầu từ mức gần 4 triệu USD hiện nay đã tăng lên 20 triệu USD, với 3 nhà máy ở khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương và đang tiến hành thủ tục xin thuê đất 50 năm mở thêm các nhà máy ở khu vực phía Bắc.

Hàng nội bị đẩy vể nông thôn

Tính đến nay số lượng DN nhựa gia dụng Việt Nam có quy mô vừa và lớn chỉ khoảng 20-30 DN, trong khi số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ rất nhiều. Trước sức ép của hàng ngoại trong mảng nhựa gia dụng, nhiều DN nội đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng sức cạnh tranh, lấy lại thị trường. Theo đó, về máy móc công nghệ, trước đây các DN trong nước sử dụng nhiều máy móc Trung Quốc, nhưng nay những sản phẩm máy móc có chất lượng khá tốt và giá thành hợp lý từ Đài Loan, Ấn Độ được DN trong nước quan tâm sử dụng nhiều hơn. Đáng chú ý đã có nhiều DN đẩy mạnh đầu tư, nhập máy móc tiên tiến từ châu Âu.  

Việc DN Thái Lan ngày càng lấn sâu vào ngành nhựa gây áp lực lớn cho DN nhựa trong nước, viễn cảnh dễ thấy nhất là hàng nhựa Việt Nam sẽ từ từ bị đánh bạt vì người Thái vừa sản xuất, vừa có kênh phân phối, bán lẻ. Điều này buộc DN nhựa nội địa phải nhanh chóng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm nếu không muốn sớm bị thua trên sân nhà.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam

Ngoài máy móc, một số DN lớn trong mảng nhựa gia dụng còn không ngừng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để mang đến nhiều dòng sản phẩm mới. Vào thời điểm sản phẩm hộp nhựa Lock and Lock cao cấp tung hoành thị trường, nhựa Đại Đồng Tiến cũng nỗ lực nghiên cứu và tung ra dòng sản phẩm kháng khuẩn Sina. Hay nhựa Tân Lập Thành cũng tung ra dòng sản phẩm hộp đựng thực phẩm cao cấp Happy Lock. Tuy nhiên, cả Sina và Happy Lock đều chưa tạo được tiếng vang trên thị trường. Nguyên nhân chính được nhắc đến là sự thiếu đa dạng về mẫu mã và ngân sách dành cho quảng cáo, marketing thấp. Trước thực tế này, một trong những hướng đi của DN nội là liên hệ với các nhà sản xuất thuộc nhiều ngành hàng khác để đính kèm sản phẩm nhựa gia dụng của DN mình. Chẳng hạn thời gian qua một số sản phẩm thuộc Unilever khi bán có kèm hộp nhựa gia dụng của DN Việt Nam.

 Nếu trong mảng nhựa gia dụng cao cấp chủ yếu là hộp nhựa bảo quản thực phẩm là sân chơi của khối ngoại, thì ở mảng nhựa cấp trung và cấp thấp với rất nhiều dòng sản phẩm, một trong những lý do khiến hàng Thái đang ngày càng được tin tưởng đó là họ tung ra những sản phẩm xanh. Cụ thể, Thái Lan đã đón đầu xu hướng tiêu dùng của thế giới bằng cách hướng tới sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường. Đánh giá chung về xu hướng của người tiêu dùng và phản ứng của các DN, chuyên gia Robert Trần từng nhận định: “Qua việc người Việt sẵn sàng trả số tiền cao hơn để mua sản phẩm cùng loại của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cho thấy các nhà sản xuất nội luôn đi sau xu hướng tiêu dùng. Chúng ta luôn ở tâm thế làm hàng giá rẻ, phục vụ một thị trường dễ dãi, trong khi người tiêu dùng đang ngày càng tinh hơn, khó tính hơn, làm sao buộc họ đồng hành mãi với mình được”.

Thiếu trợ lực của Nhà nước

Trước hết phải khẳng định ngành nhựa của Việt Nam nói chung và nhựa gia dụng nói riêng rất tiềm năng. Bằng chứng, mức tiêu thụ nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh qua các năm. Nếu năm 1989 chỉ ở mức bình quân 1kg/người, đến năm 2008 đã đạt 22kg/người, năm 2010 là 30kg/người và năm 2013 là 35kg/người. Và theo dự báo của các chuyên gia ngành nhựa, mức tiêu thụ của người dân sẽ tăng lên 45kg vào năm 2020. Hẳn các DN trong nước cũng đã nhìn ra tiềm năng này, nhưng làm sao để chiếm thị trường lại là điều không dễ dàng.

Hàng nhựa gia dụng Việt Nam được giới thiệu tại hội chợ ở Campuchia, nhưng sản phẩm chủ yếu hàng cấp thấp và mẫu mã không đa dạng.
Hàng nhựa gia dụng Việt Nam được giới thiệu tại hội chợ ở Campuchia,
nhưng sản phẩm chủ yếu hàng cấp thấp và mẫu mã không đa dạng.

Nhiều DN trong nước tâm huyết muốn đầu tư có sản phẩm riêng, cao cấp, đối trọng với hàng ngoại, nhưng đường đi không dài do vốn mỏng. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu cho DN, hỗ trợ lãi vay khoản nghiên cứu 0% hoặc mức lãi suất thấp nhất có thể để DN mạnh dạn đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại. Nhìn sang nước bạn Thái Lan, các DN ở Thái hiện chỉ vay vốn với mức lãi suất 1%, thậm chí 0%, trong khi DN Việt Nam phải vay với mức 6-7%, thậm chí cao hơn, đương nhiên sức cạnh tranh sẽ bị yếu đi.

 Không chỉ yếu trong khâu đầu tư trang thiết bị máy móc so với nhiều đối thủ ngoại, ngành nhựa Việt Nam đang tồn tại điểm yếu là nhập khẩu nguyên liệu quá nhiều. Việc phụ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến DN nội khó chủ động trong cạnh tranh, đặc biệt khi có những biến động tỷ giá. Vì thế, một lần nữa, chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành nhựa lại được đặt ra. Theo đó, cần có chính sách, cơ chế khuyến khích để huy động các nguồn lực xã hội tham gia khâu sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa. Bởi lẽ, ngoài tạo ra sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, ngành nhựa còn giữ vai trò hỗ trợ sản xuất cho các ngành khác.

Trong hành trình đi tìm lời giải bài toán cạnh tranh cho ngành nhựa gia dụng, vai trò chủ đạo của DN là hết sức quan trọng, bởi DN biết rõ thị trường và khách hàng là ai, nhu cầu như thế nào. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi thế phát triển, các DN nhựa Việt Nam phải thúc đẩy nhanh khâu cải tiến, đầu tư công nghệ mới, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện DN xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp. Có như vậy mới giúp DN bắt kịp nhu cầu phát triển trong tiến trình hội nhập.

Còn dư địa cho doanh nghiệp nội

Thanh Dung (thực hiện)

Theo ông TRỊNH CHÍ CƯỜNG, Tổng giám đốc Công ty nhựa Đại Đồng Tiến, mặc dù ngành nhựa nói chung chịu nhiều sức ép, nhưng với mảng nhựa gia dụng vẫn còn dư địa để DN nội phát triển. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Cường.

PHÓNG VIÊN: - Nhiều ý kiến cho rằng ngành nhựa gia dụng Việt Nam đang chịu nhiều sức ép từ hàng ngoại, nhất là hàng Thái Lan. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông TRỊNH CHÍ CƯỜNG: - Nhìn vào bức tranh chung của ngành nhựa, có thể thấy thời gian vừa qua Tập đoàn SCG của Thái Lan là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Với lợi thế sở hữu khá nhiều nhà máy lọc dầu ở khu vực Đông Nam Á, SCG có thế mạnh rất lớn về nguồn vốn và nguồn nguyên liệu trong ngành nhựa. Trong năm 2015, SCG đã rót vốn và thâu tóm khoảng 20 DN nhựa trong nước. Nhiều DN trong số đó bị SCG nắm đến 80% cổ phần. Song song đó là việc tiến hành mua hàng loạt chuỗi siêu thị hiện đại trong  nước của DN Thái Lan khiến đất dành cho hàng Việt ở kênh bán hàng này nói chung và ngành nhựa nói riêng sẽ khan hiếm hơn trong thời gian tới.

Thực trạng này cho thấy bức tranh ngành nhựa Việt Nam khá u ám, tuy nhiên tôi cho rằng thị trường nhựa gia dụng vẫn còn dư địa cho DN trong nước phát triển. Về khách quan, tính đến nay người Thái mới mua lại DN nhựa Việt Nam hoạt động trong ngành bao bì mềm, ống nước. Chưa có thông tin chính thức về việc các công ty nhựa gia dụng trong nước bị thâu tóm bởi người Thái. Bên cạnh đó, đặc thù sản phẩm ngành nhựa là chiếm diện tích nên chi phí vận chuyển cao, từ đó khiến giá thành khó có thể cạnh tranh với hàng trong nước cùng chất lượng, dù đã bỏ hàng rào thuế quan. Về chủ quan, với riêng Đại Đồng Tiến, chúng tôi đã chuẩn bị cho việc hội nhập từ giai đoạn 2010-2011. Công ty hiện sở hữu 1.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Để đối phó với việc có thể bị đẩy hàng ra khỏi các kênh bán hàng hiện đại, chiến lược trong thời gian tới của chúng tôi là tập trung vào thị trường nông thôn.

- Đại Đồng Tiến được biết đến là một trong những DN nội tiên phong trong việc tham gia lĩnh vực nhựa gia dụng cao cấp. Đến nay con đường đó ra sao, thưa ông?

- Đúng là thời gian đầu, sản phẩm nhựa gia dụng cao cấp của Đại Đồng Tiến gặp nhiều khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, trong kinh doanh, điều quan trọng là biết chấp nhận thất bại, bước qua nó để đi tới, không phải ngồi để than thân trách phận. Không có cái gì hoàn hảo, chỉ có làm tốt hay không. Để người tiêu dùng thấy được cái lợi sản phẩm mang lại cần phải có thời gian. Điều đó đồng nghĩa phải kiên trì, nhẫn nại và tâm huyết. Nhờ kiên trì với tiêu chí chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu, thị phần hàng nhựa gia dụng cao cấp trong nước của Đại Đồng Tiến đã có chỗ đứng khá vững chắc. Hồi tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm gia dụng mới như tủ đựng áo quần làm bằng nhựa PP, ABS, bền, chắc nhẹ, chống ẩm, chống mối mọt, không cong vênh. Bình đựng nước, ly, hộp đựng thực phẩm, xô, rổ… làm bằng 100% nhựa chính phẩm.

Cùng với đó, chúng tôi đang chuyển trọng tâm sang thị trường xuất khẩu. Đến thời điểm hiện tại, Đại Đồng Tiến đã có trên 200 mẫu mã nhựa trong sinh hoạt, công nghiệp… theo tiêu chuẩn an toàn. Có hơn 30% sản phẩm được xuất sang Australia, châu Âu và Trung Đông.

- Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là điều cần, nhưng không phải DN nào cũng đủ điều kiện thực hiện. Ở Đại Đồng Tiến việc này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Cũng như phần lớn DN hiện nay, Đại Đồng Tiến luôn quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho bộ phận nghiên cứu và phát triển, cũng như đầu tư trang thiết bị hiện đại. Một thí dụ thành công của việc triển khai đầu tư bộ phận R&D là đưa ra dòng sản phẩm công nghệ kháng khuẩn Sina. Tôi khuyến khích phát triển công tác R&D, không gò bó bộ phận này trong việc sáng tạo và tạo ra khung pháp lý để họ có thể sáng tạo. Đến nay, dù chỉ 80% sản phẩm mới của Đại Đồng Tiến thành công khi đưa ra thị trường, nhưng theo tôi đây là con số khả quan, bởi sản phẩm mới thường luôn gặp rủi ro. Trong chiến lược phát triển, chúng tôi luôn quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất đáp ứng hàng hóa cho thị trường và tạo ra những sản phẩm bắt kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Thực tế, làn sóng thâu tóm các DN ngành nhựa Việt Nam từ phía các đối thủ Thái Lan thời gian qua dường như không làm Đại Đồng Tiến lo ngại. Thậm chí chúng tôi còn xem đây là cơ hội, bởi nhiều kế hoạch đã được bắt đầu từ cách đây 4 năm.

- Theo ông trong bối cảnh hội nhập hiện nay các DN nhựa gia dụng Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì?

- Về thuận lợi, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt các FTA thế hệ mới, DN nhựa gia dụng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những ưu đãi thuế quan để thâm nhập và mở rộng thị trường, cơ hội đổi mới và nâng cấp công nghệ, tăng quy mô sản xuất từ làn sóng đầu tư và liên doanh với nước ngoài. Tại 2 thị trường tiềm năng được hướng đến là châu Âu và Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhựa của nước ta mới chiếm 2% thị phần và đang được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Trong khi, sản phẩm cùng loại từ các nước khác nhập khẩu vào thị trường này đang bị đánh mức thuế rất cao 10-30%. Mặt khác, sản phẩm nước ta không phải cạnh tranh với sản phẩm nội địa do các DN sở tại có xu hướng đóng cửa hoặc chuyển đổi sản xuất, do giá thành nhân công cao, chính phủ các nước châu Âu và Hoa Kỳ cũng có xu hướng khuyến khích nhập khẩu thành phẩm từ những nước khác.

Về khó khăn, khi hàng rào phi thuế quan xóa bỏ DN sẽ chịu nhiều sức ép. Trong khi đó, ngành nhựa ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã có trình độ sản xuất cao hơn, như Thái Lan hướng tới sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường, Malaysia là nơi cung cấp màng kéo nhựa polyetylen. Xét về góc độ cạnh tranh, các DN nhựa hiện vẫn bị lép vế do nguyên liệu sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, 70% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Chính vì thế nhu cầu về vốn để đầu tư sản xuất là rất lớn. Do đó DN cần có giải pháp tài chính hiệu quả, đáp ứng  nhu cầu thiết thực về vốn để mở rộng sản xuất, chủ động về nguồn nguyên liệu…

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác