Tiện ích phải đi đôi an toàn

(ĐTTCO) - Thanh toán không dùng tiền được xem là xu hướng phát triển trong tương lai và nằm trong mục tiêu phát triển tổng thể thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2020. Tuy nhiên sau những vụ việc mất tiền trong tài khoản NH gần đây, nhiều câu hỏi đặt ra tính tiện ích có đi đôi với sự an toàn để người dân yên tâm thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt.

(ĐTTCO) - Thanh toán không dùng tiền được xem là xu hướng phát triển trong tương lai và nằm trong mục tiêu phát triển tổng thể thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2020. Tuy nhiên sau những vụ việc mất tiền trong tài khoản NH gần đây, nhiều câu hỏi đặt ra tính tiện ích có đi đôi với sự an toàn để người dân yên tâm thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt.

Thị trường lớn

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 vừa được Chính phủ phê duyệt vào ngày 8-8 đề ra mục tiêu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Đặc biệt, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. 

Các NH cần phải nâng cao hơn nữa trình độ bảo mật, có như vậy mới có thể thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vì vấn đề an ninh hay tâm lý sợ mất tiền trong tài khoản, trong thanh toán trực tuyến.

Mục tiêu một nửa dân số thành thị không dùng tiền mặt trong thanh toán được các chuyên gia nhìn nhận có thể đạt được, bởi hiện nay các dịch vụ NH điện tử được nhiều nhà băng chú trọng đầu tư, nhu cầu sử dụng của người dùng cũng tăng lên đáng kể. Theo số liệu trong báo cáo TMĐT 2015 của Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin, với dân số 91,3 triệu người, trong đó 45% sử dụng internet, 62% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Theo thống kê của Carlisle & Grallagher Consulting Group, có đến 55% dân số 92 triệu người ở Việt Nam sử dụng smartphone và truy cập mạng bình quân 2 giờ mỗi ngày.

 Ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của 1 người trong năm 2015 là 160USD và doanh số thu được từ TMĐT B2C (doanh nghiệp-người tiêu dùng) năm 2015 là 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo khảo sát của Cục TMĐT, dù số lượng người dùng thanh toán mua hàng trực tuyến bằng tiền mặt khi nhận hàng vẫn còn lớn, nhưng các hình thức thanh toán hiện đại đã tăng lên đáng kể so với năm 2014. Cụ thể, thanh toán qua chuyển khoản NH đạt 48% so với mức 14% năm 2014; thanh toán bằng thẻ 20% so với mức 7%.

Ở Việt Nam, công nghệ và thiết bị di động đang liên tục được cập nhật và sử dụng tương ứng như ở nước ngoài. Theo đó các NH cũng liên tục đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ để đáp ứng tiện ích cho người dùng. Đến nay đã có hơn 45 NH triển khai dịch vụ mobile banking (trong khi internet banking là 42 NH). Các dịch vụ của mobile banking phát triển nhanh chóng tại Việt Nam với 45 NH triển khai SMS banking; 25 NH triển khai dịch vụ mobile application và 13 NH triển khai dịch vụ Sim Toolkits.

Rủi ro cao

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu các NH đang hướng đến. Tuy nhiên, trong bài nghiên cứu về “Hướng phát triển dịch vụ mobile banking cho các NH Việt Nam”, các tác giả đã chỉ ra những rủi ro khi sử dụng dịch vụ này bên cạnh các lợi ích. Đó là tội phạm công nghệ không ngừng gia tăng mà khách hàng có thể phải đối mặt với các rủi ro như cloning (sao chép thông tin xác nhận từ điện thoại này qua điện thoại khác), hijacking (tấn công kiểm soát giao dịch), malicious code (một loại giống như vi rút có thể lấy cắp thông tin), phishing (hình thức ăn cắp thông tin nhạy cảm của khách hàng) và nhiều dạng lừa đảo, tấn công khác.

Vụ việc một khách hàng có tài khoản tại Vietcombank bị hacker đến nay vẫn chưa có cơ quan xác định lỗi thuộc về NH hay khách hàng. Ngoài 300 triệu đồng khách hàng được trả lại sau khi NH khoanh lại, đến nay khách hàng vẫn đang bị mất 200 triệu đồng dù khẳng định không thực hiện bất cứ giao dịch chuyển tiền nào. Trước đó cũng đã xảy ra một số vụ mất tiền tương tự tại các NH khác. Chẳng hạn 1 cặp vợ chồng đã mất gần 200 triệu đồng tại 2 NH khác nhau dù không thực hiện bất cứ giao dịch chuyển hoặc rút tiền nào. Gần như các vụ việc liên quan đến mất tiền trong tài khoản NH đến nay vẫn chưa được xử lý rõ ràng và thông thường 2 bên sẽ tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên phần thiệt vẫn nghiêng về phía người dùng nhiều hơn khi không có cơ sở để chứng minh lỗi là từ phía NH.

Rõ ràng bên cạnh sự thuận tiện, nhanh chóng, “con dao 2 lưỡi” của dịch vụ NH hiện đại tiềm ẩn những rủi ro cho khách hàng. Đến nay các NH đã đồng loạt đưa ra các cảnh báo với khách hàng khi cung cấp thông tin cá nhân và thông tin giao dịch cho các địa chỉ giả mạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo các luật sư, người dân có quyền khởi kiện để đòi lại quyền lợi nếu chứng minh được lỗi thuộc về phía NH. Tuy nhiên những lỗi liên quan đến cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, trong đó có hệ thống bảo mật và các chính sách bảo mật nội bộ của NH vẫn còn khá mơ hồ và khó chứng minh.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đến việc tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông. Trong hệ thống này, NH được xem là một trung tâm thanh toán, mọi hoạt động trao đổi hàng hóa dịch vụ đều được kết thúc bằng thanh toán, nên quan hệ thanh toán liên quan tới tất cả mọi hoạt động trong xã hội, trong toàn bộ nền kinh tế. Cũng vì vậy các chuyên gia cho rằng tiện ích cần phải đi đôi với sự an toàn.

Các tin khác