Pokemon Go - Lợi bất cập hại

(ĐTTCO) - Những ngày qua, trên các đường phố, trụ sở cơ quan và các công viên, TPHCM luôn tràn ngập cảnh tượng các bạn trẻ tập trung tìm bắt Pokemon Go. Điều đáng quan tâm là ngoài tính chất giải trí, trò chơi này lại gây ra nhiều hệ lụy.

(ĐTTCO) - Những ngày qua, trên các đường phố, trụ sở cơ quan và các công viên, TPHCM luôn tràn ngập cảnh tượng các bạn trẻ tập trung tìm bắt Pokemon Go. Điều đáng quan tâm là ngoài tính chất giải trí, trò chơi này lại gây ra nhiều hệ lụy.

Phung phí thời gian

Tuy không phải ngày cuối tuần nhưng khắp các con phố tại TPHCM và các công viên như Tao Đàn, 30/4, phố đi bộ Nguyễn Huệ... có rất nhiều người đến đây, thậm chí túc trực từ sáng sớm đến tối. Trong đó, nhiều nhất là các bạn trẻ. Có mặt tại công viên Tao Đàn, quận 1, vào lúc 3 giờ chiều, tôi gặp rất nhiều bạn trẻ đang tập trung ở đây, có nhóm 3 người, có nhóm 5 người và rất nhiều bạn đi một mình. Cách đây khoảng 2 tuần, công viên chủ yếu có các bạn trẻ dạo chơi, chụp hình hay hoạt động ngoại khóa. Nhưng giờ đây, những hình ảnh này khá hiếm hoi, thay vào đó mọi người đều chăm chú vào màn hình điện thoại của mình, không để ý đến chuyện xung quanh. Và “nhân vật” khiến các bạn không thể rời mắt đó chính là Pokemon Go.

Đến gần bạn Nguyễn Văn Xuân, ngụ phường 7, quận Tân Bình trò chuyện, bạn cho biết đã có mặt tại công viên từ lúc 6 giờ sáng. Hiện Xuân đang là học sinh cấp 3, thời gian này mới đầu năm học nên có nhiều thời gian thong thả giải trí. Xuân cho biết mới chơi game Pokemon Go cách đây 5 ngày, bắt đầu chơi đã thấy ghiền. Không riêng bạn Xuân, số lượng người chơi trò này gia tăng một cách nhanh chóng. Theo chia sẻ của nhiều người, game Pokemon Go có đặc điểm tương tác ảo trên di động, cho phép người chơi tìm, bắt và huấn luyện, trao đổi các Pokemon ảo với nhau dựa trên thế giới thực. Những con Pokemon này còn có tên gọi là quái vật bỏ túi, có thuộc tính và năng lực khác nhau và được phân bố khắp thế giới. Theo đó, người chơi cần có một thiết bị di động thông minh có kết nối mạng và bật GPS để xác định vị trí của chúng. Đáng lưu ý, thay vì ngồi một chỗ các game thủ phải đi ra ngoài đường, tới công viên, trường học, bệnh viện… sau đó dùng quả cầu Poké Ball để tìm và thu phục những chú Pokemon trên đường đi.

Các game thủ tập trung ở công viên chơi Pokemon Go. Ảnh: N.NGHỊ

Các game thủ tập trung ở công viên chơi Pokemon Go. Ảnh: N.NGHỊ

Đáng chú ý là không chỉ những bạn trẻ tầm tuổi 25-26 mà ngay cả những ông bố, bà mẹ cũng bị khuất phục bởi trò chơi này. Tôi cũng đã từng chứng kiến một vài đồng nghiệp bỏ luôn cả giờ nghỉ trưa để quyết tâm “săn” cho bằng được các Pokemon ở các góc nhà, gầm bàn và ngay cả những cầu thang đi bộ vắng teo. Mọi người không để ý nơi đâu, miễn là ở đó có Pokemon xuất hiện.

Pokemon Go được phát triển bởi hãng Niantic, ra mắt lần đầu tiên tại Australia và New Zealand từ những ngày đầu tháng 7. Tuy nhiên, cơn sốt Pokemon Go xuất hiện và bùng nổ mạnh mẽ nhất chỉ khoảng 1 tuần nay, khi trò chơi này chính thức được cài đặt và có phiên bản tại Việt Nam.

Bất chấp tính mạng

Cơn sốt Pokemon Go không chỉ dừng lại ở những chủ đề bàn luận hay chơi ở một số điểm thông thường, hiện nay trên các trang mạng đều tràn ngập thông tin về trò chơi này. Trên facebook không ít fanpage dành cho những game thủ của Pokemon Go, trong đó phải kể đến trang diễn đàn Pokemon Go Việt Nam với gần 200.000 người thích. Mỗi bài đăng tải trên trang này đều thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn game thủ. Hay trang web pokemon.vn thường xuyên cập nhật thông tin, vấn đề liên quan đến game cũng nhận được sự quan tâm và tương tác của đông đảo người dùng. Tuy nhiên, không như các game thông thường, Pokemon Go nhanh chóng tạo cơn sốt trong cộng đồng thế giới, đồng thời kèm theo đó là những hệ lụy. Bên cạnh việc giúp người chơi vận động nhiều hơn, việc quá chú tâm vào trò chơi đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Trong đó, trường hợp nhiều người gặp phải nhất là bị cướp giật điện thoại ngay trên tay. Hiện tình trạng này xuất hiện khá nhiều, đặc biệt tại các công viên, đường phố. Nguyên nhân do người chơi mải mê với game không để ý xung quanh, do vậy không đề phòng. Chính sự lơ là, bất cẩn này vô tình đã tạo cơ hội cho cướp giật hoành hành. Nhiều trường hợp bị mất túi xách, balo mang theo mà không hề hay biết.

Thậm chí trên xe máy cũng không thể bỏ sót.

Thậm chí trên xe máy cũng không thể bỏ sót.

Gần đây, trên đường không ít cảnh tượng vài người vừa chạy xe vừa cầm điện thoại săn Pokemon. Do mải mê dò tìm đã đụng vào người phía trước. Chưa hết, để bắt bằng được Pokemon nhằm tăng số lượng Pokestop - khu vực người chơi nhận các vật phẩm miễn phí nhưng cần thiết như bóng Poke Ball hay các loại đá hồi phục sức lực cho Pokemon - nhiều người chơi còn tự tạo các vị trí mới và di dời nhiều địa danh có trên bản đồ Google Maps Việt Nam. Hành động này khiến các địa điểm thực nằm sai vị trí, còn những địa điểm ảo xuất hiện dày đặc khiến người dùng khó nhận biết được. Sự bát nháo này khiến Google Map Maker Việt Nam phải đăng lời kêu gọi người chơi Pokemon Go dừng việc chỉnh sửa vị trí trên Google Maps để bảo vệ nguồn dữ liệu bản đồ Việt Nam mà nhiều người tâm huyết dày công gây dựng.

Có thể thấy, chưa bao giờ một trò chơi ảo trên di động lại có thể gây bão và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và tâm lý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ như hiện nay. Điều đáng nói những ảnh hưởng này ẩn chứa nhiều mặt tiêu cực và liên lụy đến nhiều người. Thực tế cho thấy, hiện tượng a dua theo phong trào, nhiều người vẫn chưa có chính kiến của mình và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi. Chơi games là nhu cầu giải trí, sự lựa chọn của mỗi người, tuy nhiên bất cứ hành động hay việc làm gì cũng nên có giới hạn. Và quan trọng hơn nữa sự lựa chọn của mình không làm ảnh hưởng về sức khỏe, tính mạng và tương lai của bản thân. Đừng để đến khi thấy hậu quả rồi mới nghĩ đến chuyện giải quyết và giải pháp đề phòng.

Các tin khác