Trung Quốc rủi ro từ bơm tiền

(ĐTTCO)- Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo Trung Quốc phải khẩn cấp đề ra các biện pháp khắc phục tình trạng nợ của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Đồng thời thúc giục Bắc Kinh ngưng việc dựa trên tín dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế, vì nếu không tăng trưởng của Trung Quốc sẽ suy giảm liên tục.

(ĐTTCO)- Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo Trung Quốc phải khẩn cấp đề ra các biện pháp khắc phục tình trạng nợ của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Đồng thời thúc giục Bắc Kinh ngưng việc dựa trên tín dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế, vì nếu không tăng trưởng của Trung Quốc sẽ suy giảm liên tục.

Trong báo cáo thường niên, IMF đánh giá việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc khó khăn, phức tạp, có phần lộn xộn. Điều khiến tổ chức này lo ngại nhất là tình trạng các khoản nợ của các doanh nghiệp tăng vọt. Theo đó, trong năm 2015, nợ của các công ty xí nghiệp lên đến 120% GDP và có thể nhảy vọt lên 140% từ đây đến năm 2019. Với hoạt động kinh tế Trung Quốc chậm lại, các khoản nợ khó đòi đã tương đương 5,5% tín dụng hiện nay, nhưng có thể lên đến 15,5% và khiến Trung Quốc mất đi khoảng 7% GDP. Theo IMF, nếu không nhanh chóng chỉnh đốn tình hình, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị suy yếu một cách thường trực. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2015 chỉ đạt 6,9%, mức thấp nhất từ 25 năm nay, và có dấu hiệu hụt hơi thêm trong 6 tháng đầu năm 2016. Hồi đầu tháng 6-2016, trong một hội nghị tại Thâm Quyến, IMF đã  kêu gọi Bắc Kinh đẩy mạnh cải tổ kinh tế, bởi nhờ được nhà nước hỗ trợ viễn cảnh tăng trưởng trong ngắn hạn của Trung Quốc tương đối tốt, nhưng về trung hạn nước này sẽ phải đối mặt với nhiều bất trắc. Tín dụng tăng quá nhanh, khả năng sản xuất dư thừa, hệ thống ngân hàng không chính thức thiếu minh bạch, không phù hợp với thực tế là những mối đe dọa đối với tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong báo cáo hồi tháng 4-2016, IMF ghi nhận, tỷ lệ nợ khó đòi của các ngân hàng Trung Quốc đạt mức cao nhất từ 11 năm nay và có thể tương đương với 7% GDP của Trung Quốc. Riêng nợ của các doanh nghiệp, theo thẩm định đã tương đương với 145% tổng sản phẩm nội địa của nền kinh tế thứ 2 toàn cầu.

IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm.

IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm.

Hơn một nửa nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã được rót vào các tập đoàn do nhà nước kiểm soát trong lúc sản xuất của khu vực quốc doanh chỉ bằng 1/5 các hoạt động kinh tế toàn quốc. Thống kê về tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I-2016 cho thấy, GDP tăng 6,7% trong 3 tháng đầu năm. Thành quả đó có được nhờ trong 2 tháng 2 và 3-2016 Bắc Kinh đã bơm thêm 300 tỷ USD vào cỗ xe kinh tế. Nhờ vậy đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trong tháng 3-2016 tăng gần 11% so với cùng thời kỳ 1 năm trước đó.

 Một chuyên gia kinh tế ngân hàng Credit Suisse nhận định chính quyền Trung Quốc xưa nay vẫn dùng lĩnh vực địa ốc và đầu tư làm động lực tăng trưởng, mà không mấy thiết tha với mục đích cải tổ. JP Morgan Chase, chi nhánh Hồng Công cho rằng qua việc bơm tiền vào cỗ xe kinh tế, Trung Quốc đang đẩy núi nợ lên đỉnh cao và ai cũng biết một phần lớn các gói kích cầu nhằm duy trì sự sống cho nhiều doanh nghiệp nhà nước đã trong tình trạng chết lâm sàng.

Mặt khác chính sách bơm tiền của Bắc Kinh tiếp tục nuôi dưỡng quả bóng địa ốc. Tháng 3-2016 hoạt động trong ngành mua bán nhà đất tăng 60% so với cùng thời kỳ năm 2015. Giá 1m2 tại Thượng Hải trong 6 tháng đầu năm nay tăng 30%. Nhưng khác với Thượng Hải hay Bắc Kinh và một vài thành phố lớn, thị trường bất động sản ở những nơi khác không được năng động như vậy. Hậu quả kèm theo là ngân sách các chính quyền cấp tỉnh thâm hụt nặng, thất nghiệp gia tăng gây thêm rủi ro rối loạn xã hội. Trong khi các tỉnh mắc nợ nhiều hơn, lượng tín dụng ngân hàng cũng tăng vọt vì nhu cầu kích thích sản xuất của trung ương làm người ta e rằng Bắc Kinh đang bỏ tiền ra mua chịu một tương lai chưa chắc đã sáng sủa.

Các tin khác