Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Trung (K2): Sức mạnh tương quan?

(ĐTTCO) - Trong bàn cờ địa chính trị ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở cả biển Đông và biển Hoa Đông, nhiều người đặt vấn đề về tương quan sức mạnh giữa Bắc Kinh và Washington.

(ĐTTCO) - Trong bàn cờ địa chính trị ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở cả biển Đông và biển Hoa Đông, nhiều người đặt vấn đề về tương quan sức mạnh giữa Bắc Kinh và Washington.

Thế mạnh Hoa Kỳ?

Chúng ta có thể tìm được câu trả lời sau khi xem xét các mặt quân sự, kinh tế và thậm chí văn hóa, cũng như tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo ở cả 2 quốc gia. Về quân sự, không ai có thể phủ nhận được rằng quân đội Trung Quốc vẫn đứng sau Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực. Một vài con số để so sánh: Trung Quốc hiện có 2,35 triệu quân nhân chính quy so với 1,4 triệu ở Hoa Kỳ, nhưng quy mô khí tài quân sự của Hoa Kỳ vượt xa Trung Quốc. Máy bay quân sự các loại 13.000/3.000 chiếc; máy bay trực thăng 6.000/800; máy bay trực thăng tấn công 957/200; máy bay chiến đấu  2.308/1.230 chiếc; máy bay vận tải 6.000/782 chiếc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vượt một chút so với Hoa Kỳ về số xe tăng, với 9.150 chiếc so với 8.848 xe và nhiều hơn Hoa Kỳ 6 lần về pháo binh. Tuy nhiên, pháo binh là loại tài sản không đáng kể trong chiến tranh hiện đại, trong khi xe tăng chủ lực của Hoa Kỳ, M1 Abrams, chưa bao giờ bị phá hủy vì hỏa lực của đối phương. Về số tàu, Trung Quốc vượt trội với 2.030 tàu thương mại, so với Hoa Kỳ chỉ 393 tàu. Cần nhớ rằng Trung Quốc thường không sử dụng Hải quân ở biển Đông và Hoa Đông, mà thường dựa vào lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá, tàu thương mại để thực hiện các chính sách ngang ngược của mình.

Trung Quốc có 68 tàu ngầm, chủ yếu là động cơ diesel-điện, so với 75 tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ. Đáng lưu ý, tàu ngầm của Hoa Kỳ gồm tàu ngầm tấn công, tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tên lửa hành trình, tất cả đều vượt trội rất xa so với Trung Quốc. Tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ thuộc diện có công nghệ cao nhất trên thế giới, có thể đưa các đội đặc nhiệm SEAL vào khu vực kẻ thù, phóng tên lửa đạn đạo, bắn hạ tàu và tàu ngầm đối phương, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và cứu hộ, phục vụ như một nền tảng cho vũ khí hạt nhân. Sức mạnh thực sự của Hoa Kỳ về khí tài quân sự chính là tàu sân bay. Hoa Kỳ có 19 tàu sân bay hạt nhân, trong đó 10 tàu được xem là siêu tàu sân bay. Tàu sân bay của Hoa Kỳ rất lớn và có mã bưu điện riêng. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay Liêu Ninh cũ kỹ tải trọng 55.000 tấn (chỉ bằng 1 nửa kích thước tàu lớp Nimitz của Hoa Kỳ) chạy bằng dầu diezel. Giới quan sát gọi tàu sân bay của Trung Quốc "hổ giấy" vì tàu sân bay duy nhất của họ hiện nay, cũng như những con tàu sân bay đang được đóng, không chiếc nào có cùng độ choáng nước cũng như công nghệ hiện đại như tàu của Hoa Kỳ.

Hơn nữa, ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ lên tới gần 600 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với ngân sách 155,6 tỷ USD của Trung Quốc. Nhưng con số chỉ là một phần của câu chuyện. Công nghệ và kinh nghiệm cũng là thế mạnh của Hoa Kỳ. Và dù công nghệ vũ khí của Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng vẫn ở sau Hoa Kỳ ít nhất 1 thế hệ. Hơn nữa, trong khi quân đội Hoa Kỳ thường xuyên tham gia các chiến trường trong gần 2 thập niên qua, quân đội của Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu hiện đại. Lần cuối cùng nước này tham chiến trong mặt trận lớn là chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên 1950. Do đó, cách huấn luyện của quân đội Trung Quốc cũng bị cho đã lạc hậu.

Siêu tàu sân bay USS John C. Stennis (trái) của Hoa Kỳ có tải trọng tới 100.000 tấn.

Siêu tàu sân bay USS John C. Stennis (trái) của Hoa Kỳ có tải trọng tới 100.000 tấn.

Ưu thế cờ vây?

Từ thực tế, có thể khẳng định Trung Quốc vẫn không thể theo kịp với quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường toàn cầu. Bắc Kinh thiếu chuyên môn, học thuyết và thiết bị quân sự để làm điều đó. Một vấn đề nhiều người đặt ra là tại sao Hoa Kỳ vượt trội về sức mạnh quân sự như vậy nhưng cho tới nay vẫn chọn cách đứng nhìn Trung Quốc hung hăng chiếm đất, chiếm đảo, xây đảo nhân tạo, xây sân bay ở biển Đông và thiết lập khu vực xác định phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông. Theo giới quan sát, không phải Hải quân Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn, mà do sự kìm hãm của Washington. Vào tháng 4, tờ Thời báo Hải quân Hoa Kỳ đưa tin người đứng đầu quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, đề xuất “một phản ứng cơ bắp” đối với hành vi xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc, có thể bao gồm đưa máy bay và tiến hành các hoạt động quân sự cách các hòn đảo nhân tạo chỉ trong vòng 12 hải lý. Nhưng tại sao Nhà Trắng lại do dự trong việc tận dụng lợi thế quân sự để chống lại sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc?

Thứ nhất, trong khi Hoa Kỳ có lợi thế về khí tài quân sự, những khí tài này lại phân bố quá rộng trên khắp thế giới, còn Trung Quốc đang tập trung ở trong nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù Hoa Kỳ có lực lượng lớn hơn và hiện đại hơn, họ sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn trong việc bỏ những trận tuyến khác để tập trung vào Trung Quốc. Thứ hai, chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn khác xa so với Hoa Kỳ. Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động một cách bài bản, chậm chạp và kiên nhẫn. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ kiêm chuyên gia về Trung Quốc, TS. Henry Kissinger, đã có đánh giá khá thú vị trong cuốn sách năm 2011 của ông về Trung Quốc: "Trong khi phương Tây đánh giá cao các cuộc đụng độ quyết định và nhấn mạnh những kỳ công của chủ nghĩa anh hùng, Trung Quốc nhấn mạnh sự tinh tế, gián tiếp và sự tích lũy kiên trì từ những lợi thế tương đối".

Điều này có thể nhìn thấy qua trò cờ vua của phương Tây và trò cờ vây của Trung Quốc. Cờ vua có mục tiêu cuối cùng là đạt tới chiến thắng tuyệt đối bằng cách bắt vua của đối phương. Tuy nhiên, cờ vây ở Trung Quốc không nhắm tới một chiến thắng tuyệt đối, nhưng chiến thắng bằng cách bao vây chiến lược. Trong trò chơi, nhiều sự đối đầu đồng thời diễn ra tại các khu vực khác nhau trên bàn cờ. "Sự cân bằng của các lực lượng thay đổi theo từng nước đi, khi các kỳ thủ triển khai chiến lược và phản ứng với các nước đi của đối thủ. Nếu cờ vua là một trận chiến quyết định, cờ vây là một chiến dịch kéo dài" - Kissinger viết. Và chính chiến dịch kéo dài này mang lại cho Trung Quốc lợi thế so với Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ biển Đông và Hoa Đông, cho đến việc đối phó với các đối thủ trong khu vực cũng như trong thương mại. Vì vậy, có thể thấy nếu càng kéo dài thời gian, Hoa Kỳ càng mất lợi thế trong việc đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông.

Các tin khác