Phá sản hay nuôi nợ?

Hơn 1 năm trước đây, vào thời điểm công bố quyết định chuyển đổi mô hình của VNCB thành NH TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh đã công bố cần 40.000 tỷ đồng để tái cơ cấu NH này, trùng khớp với tổng nợ phải trả của VNCB. Cụ thể, tại thời điểm giữa năm 2014, tổng nợ phải trả của VNCB gồm 34.000 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, 3.400 tỷ đồng tiền vay các TCTD và NHNN, 1.200 tỷ đồng nợ khác.

(ĐTTCO) - Bản cáo trạng tại tòa xét xử vụ án Ngân hàng (NH) Xây dựng (VNCB) khiến nhiều người ngỡ ngàng. Một câu đặt ra là vai trò của các cơ quan quản lý đến đâu để mà VNCB đi quá xa như vậy. Một NH bị giám sát đặc biệt, lại xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến thua lỗ lớn và NHNN buộc phải tiếp quản với giá 0 đồng, nhưng thực chất là ôm cục nợ từ khoản thua lỗ lớn của NH này.

Hơn 1 năm trước đây, vào thời điểm công bố quyết định chuyển đổi mô hình của VNCB thành NH TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh đã công bố cần 40.000 tỷ đồng để tái cơ cấu NH này, trùng khớp với tổng nợ phải trả của VNCB. Cụ thể, tại thời điểm giữa năm 2014, tổng nợ phải trả của VNCB gồm 34.000 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, 3.400 tỷ đồng tiền vay các TCTD và NHNN, 1.200 tỷ đồng nợ khác.

 Một chi tiết khác là Phạm Công Danh thông qua các cá nhân và tổ chức đã rút 18.637 tỷ đồng, tương đương với số tiền NH này huy động được. Ngoài ra, theo định giá của đơn vị độc lập, cơ sở để mua lại giá 0 đồng do VNCB lúc đó có giá trị thực âm hơn 80.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tham luận “Nhìn lại các sự kiện tái cơ cấu NHTM Việt Nam”, TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận định nếu TrustBank được tái cơ cấu theo hướng cho phá sản ngay trong năm 2012, hay để Nhà nước tiếp quản lúc đó rồi tập trung thu hồi nợ, thanh lý tài sản và không cho NH huy động thêm tiền gửi của người dân, thiệt hại cũng chỉ là khoản âm vốn chủ sở hữu 5.600 tỷ đồng. Trách nhiệm bảo lãnh tiền gửi lúc đó cũng chỉ 11.100 tỷ đồng, thay vì con số 40.000 tỷ đồng. Bài học rút ra là một NH yếu kém hay trên bờ vực phá sản luôn có động cơ hoặc đầu tư rủi ro theo kiểu đánh bạc để nếu thắng sẽ mong thoát chết, hoặc là lừa đảo theo kiểu rút ruột NH. “Xử lý dứt điểm hiệu quả hơn là nuôi một khối ung thư theo kiểu bề ngoài nói là không phải tốn tiền Nhà nước, nhưng thực ra đã bơm tiền để giữ nó khỏi đổ vỡ mà không thấy đường ra” - TS. Thành nói.

NHNN muốn tìm một nguồn lực tài chính để tái cấu trúc TrustBank, trong khi Tập đoàn Thiên Thanh do ông Danh sở hữu phần lớn cổ phần đang được đánh giá là lớn mạnh. Nhưng thực tế, Phạm Công Danh đã rất chật vật với đề án tái cơ cấu TrustBank. Trước khi TrustBank về tay ông Danh nó ôm một đống nợ khổng lồ. Chủ cũ của TrustBank là bà Hứa Thị Phấn nắm quyền kiểm soát NH này tới 84,92% cổ phần, vượt nhiều lần giới hạn tỷ lệ sở hữu theo luật định. Ôm một NH với khoản nợ lớn, đã có lúc ông Danh muốn “trả lại” NHNN. Nhưng rồi bản thân đã không chiến thắng được lòng ham muốn sở hữu một NH dù không am hiểu lĩnh vực kinh doanh nhiều đặc thù này.

Sự sa lầy của Phạm Công Danh tại VNCB làm liên tưởng đến 2 NH 0 đồng khác là OceanBank và GP.Bank. Thực chất đây là những tổ chức kinh tế đã bị phá sản với vốn chủ sở hữu âm. Nhà nước phải lãnh trách nhiệm hoàn trả toàn bộ tiền gửi và các nghĩa vụ nợ khác của NH. Qua đó cho thấy rất nhiều lỗ hổng trong việc quản lý tại các NH và trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Một người hoàn toàn không có chuyên môn về NH lại lao vào mua NH đang thua lỗ âm vốn chủ sở hữu hy vọng sẽ tái cấu trúc thành công. Đặc biệt mục đích của việc sở hữu NH lại nhằm để cấp vốn cho doanh nghiệp sân sau của mình. Ông Danh đã bất chấp các quy định của pháp luật để sở hữu NH và cho vay vốn NH. Đối với cơ quan nhà nước đã để lộ quá nhiều sơ hở, vì ngay cả khi NH này đang nằm trong diện kiểm soát vẫn được huy động vốn mà không có sự kiểm soát nào, dẫn đến liên tục vi phạm các quy định. Về bản chất, NHNN đã chọn phương án dùng sở hữu chéo mới thay cho sở hữu chéo cũ để tái cơ cấu một NH không chỉ yếu kém mà đã thực sự phá sản.

Nhìn lại thời điểm cuối 2011 nếu Nhà nước mạnh tay tiếp quản ngay các NH đã âm vốn chủ sở hữu rồi thanh lý dần, thậm chí cho phá sản, giá trị nợ phải trả lúc đó thấp hơn nhiều so với nghĩa vụ nợ tiềm ẩn vào năm 2015. Vì thế, việc để cho các NH âm vốn tiếp tục hoạt động, gia tăng huy động tiền gửi từ người dân, cho dù đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, là đã tạo điều kiện để các NH này tham gia canh bạc mới với xác suất thắng rất nhỏ. Thực tế, việc tái cấu trúc NHTM yếu kém, dù theo hình thức nào như tự tái cấu trúc, hợp nhất, sáp nhập tự nguyện hay bắt buộc, nhưng tiền thực mới không có để tăng vốn, nên có phù phép như thế nào trên giấy cũng không thể lành mạnh hóa được các tổ chức tài chính yếu kém.

Các tin khác