Trung Quốc chi tiền bóp méo sự thật

(ĐTTCO) - Chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị theo chiến thuật và chiến lược “đánh phủ đầu” thông tin, dù sai lệch, nhằm tuyên truyền khắp thế giới về “chủ quyền rõ ràng” của mình trên Biển Đông.

(ĐTTCO) - Chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị theo chiến thuật và chiến lược “đánh phủ đầu” thông tin, dù sai lệch, nhằm tuyên truyền khắp thế giới về “chủ quyền rõ ràng” của mình trên Biển Đông.

Đó là một đoạn video ngắn nhưng gây chú ý dư luận thế giới. Gây chú ý bởi nó không những nói về một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay là tranh chấp tại Biển Đông ở châu Á, mà nó còn được chạy liên tục tại biển quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời lớn nhất thế giới ở Mỹ.

Với tần suất phát 120 lần/ngày, trong nhiều ngày liên tục tại quảng trường Thời Đại ở thành phố New York, chi phí cho công tác tuyên truyền này được báo chí ước tính từ 300.000 - 400.000 USD/tháng.

Có lẽ trừ chất lượng hình ảnh và vị trí đặt để của đoạn quảng cáo, nội dung của đoạn quảng cáo không có gì mới.

Với mục tiêu xoáy vào lập trường của Chính phủ Trung Quốc tại Biển Đông, đoạn video đưa ra những điểm cốt lõi lập trường của nước này như Trung Quốc là quốc gia đầu tiên khai phá và quản lý Biển Đông, nước này sở hữu các cơ sở pháp lý “vững chắc” tại vùng biển này, đồng thời đoạn quảng cáo cũng không quên nhắc lại “tính bất hợp pháp” của phiên Tòa trọng tài xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Tuyên truyền quy mô toàn cầu

Video clip trên chắc chắn không phải là một hành động đơn lẻ, mà nằm trong tổng thể mặt trận thông tin mà Trung Quốc phát động cả trước và sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague (Hà Lan).

Trong vòng 2 tháng trước ngày 12-7 - ngày Tòa trọng tài ra phán quyết, đại sứ Trung Quốc tại hơn 30 quốc gia ở khắp các châu lục đã xuất bản các ấn phẩm liên quan Biển Đông trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn ở các nước mình đang hoạt động.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), nội dung của hơn 30 ấn phẩm trên tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Một là, khẳng định chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hai là, chứng minh sự tuân thủ của Trung Quốc với luật pháp quốc tế thông qua các phân định lãnh thổ song phương một cách hòa bình giữa Trung Quốc với 12/14 quốc gia láng giềng, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng đối với các điều ước đa phương và quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết.

Hơn 2/3 lượng ấn phẩm được khảo sát có nhắc đến điều 298 của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) về quyền miễn trừ của Trung Quốc.

Ba là, chỉ có đàm phán và tham vấn song phương mới có thể giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay.

Bốn là, Trung Quốc không chủ ý gây căng thẳng trong khu vực (20/33 ấn phẩm còn kết luận Trung Quốc chỉ là “nạn nhân” bị các cường quốc khác quấy nhiễu).

Và cuối cùng là những lập luận cho rằng tất cả các tham vấn song phương giữa Trung Quốc và Philippines trước đây đều không hiệu quả do sự bất hợp tác của Philippines, nên Philippines là bên vi phạm các thỏa thuận, đơn phương đệ đơn kiện ra Tòa trọng tài làm tình hình thêm phức tạp (26/33 ấn phẩm).

Tờ China Daily của Trung Quốc khoe hình ảnh chiếu video clip tại New York trong khi các du học sinh Trung Quốc chụp lại clip này.
Tờ China Daily của Trung Quốc khoe hình ảnh chiếu video clip tại
New York trong khi các du học sinh Trung Quốc chụp lại clip này.

Tăng quy mô sau phán quyết

Sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết, cách tuyên truyền phát triển theo một kịch bản tương tự, nhưng với các mặt trận đa diện hơn. Như The World Post đăng đoạn phim tuyên truyền cho lập trường Biển Đông của Trung Quốc lên YouTube.

Sau đó những nhóm người tẩy chay hàng hóa của Mỹ, Philippines ở Trung Quốc xuất hiện. Cũng ngay sau ngày 12-7, cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc đã dấy lên phong trào “Trung Quốc - Một chút cũng không thể thiếu”.

Phong trào này đã dẫn đến hiện tượng các sao Hoa ngữ đồng loạt sử dụng mạng xã hội để khẳng định ủng hộ lập trường chống phán quyết của Tòa trọng tài của Chính phủ Trung Quốc.

Mặt trận “mỗi đại sứ là một nhà xã luận”cũng được khởi động ở các nước bằng việc đăng bài chê bai phán quyết do Tòa trọng tài công bố trên các tờ báo lớn hoặc tổ chức họp báo quốc tế về phán quyết.

Những lập luận của các vị đại diện ngoại giao Trung Quốc vẫn lòng vòng, không đi khỏi quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Lúc này, 5 luận điểm chính thức của các đại diện ngoại giao Trung Quốc tập trung vào:

Thứ nhất, hệ thống lại các phản ứng rõ ràng của Trung Quốc trong quá trình thành lập và tiến hành thụ lý vụ kiện của Tòa trọng tài.

Thứ hai, khẳng định Philippines đơn phương tiến hành vụ kiện, do đó vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), UNCLOS và các quy tắc trong luật quốc tế.

Thứ ba, tòa đã phân xử các nội dung liên quan đến phân định biển và phân định chủ quyền, mà Trung Quốc đã tuyên bố miễn trừ theo điều 298 của UNCLOS.

Thứ tư, phán quyết của tòa vì thế không ảnh hưởng đến Trung Quốc. Và thứ năm, Trung Quốc luôn nhắc lại rằng họ tuân thủ đúng Hiến chương LHQ và các quy tắc luật pháp quốc tế.

Có điều là các luận điểm trên (một phần hay toàn bộ) đã bị Tòa trọng tài bác bỏ qua phán quyết ngày 12-7.

Những quan điểm mở rộng hay có liên quan ít nhiều từ phán quyết diễn dịch theo kiểu Trung Quốc cũng đã được các học giả Mỹ, Anh, Úc, Singapore và Việt Nam làm rõ và phản bác theo nhiều cách khác nhau.

Như mọi lần, điểm yếu lớn nhất của phía Trung Quốc sau tất cả vẫn là sự thuyết phục của lý lẽ. Vì vậy, dù có chi ra nhiều tiền để tuyên truyền cũng không thể che lấp được sự thật mà Tòa trọng tài đã xác nhận: yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là vô giá trị.

Các tin khác