Vốn hóa HOSE đạt 1,3 triệu tỷ đồng

(ĐTTCO)- Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM- tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) chính thức đi vào hoạt động. 16 năm qua, với nỗ lực thực hiện sứ mệnh tổ chức điều hành thị trường an toàn, công khai, công bằng và minh bạch, HOSE đã đạt được bước tiến dài cùng với những chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.

(ĐTTCO)- Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM- tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) chính thức đi vào hoạt động. 16 năm qua, với nỗ lực thực hiện sứ mệnh tổ chức điều hành thị trường an toàn, công khai, công bằng và minh bạch, HOSE đã đạt được bước tiến dài cùng với những chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Tính từ đầu năm đến ngày 20/7/2016, bình quân mỗi ngày có gần 133 triệu chứng khoán được giao dịch giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 2.396 tỉ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của HOSE hiện nay đã vượt qua con số 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và chiếm 28% GDP của cả nước. Trong suốt 16 năm qua, HOSE có những dấu ấn riêng gắn liền với sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng như của nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện.

Quy mô và chất lượng thị trường không ngừng gia tăng

Khởi đầu với 2 mã cổ phiếu, sau 16 năm hoạt động, các hàng hóa cơ bản của thị trường tại HOSE đã khá hoàn thiện với 309 cổ phiếu, 38 trái phiếu (gồm trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), 1 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang được niêm yết. Đã có trên 253 ngàn tỷ đồng được huy động trên HOSE thông qua các cuộc bán đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và các đợt phát hành thêm để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết.

Chất lượng thị trường cổ phiếu niêm yết tại HOSE tiếp tục được nâng cao, thể hiện ở chất lượng công bố thông tin được cải thiện rõ rệt, chất lượng công ty niêm tốt hơn, hoạt động quản trị công ty và minh bạch hóa theo thông lệ tốt đã bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp cũng như của xã hội.

Phương thức giao dịch và sản phẩm dịch vụ mới luôn được chú trọng triển khai

Đáng chú ý nhất là việc triển khai khớp lệnh liên tục vào năm 2007, giao dịch trực tuyến vào năm 2009, kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng lệnh thị trường vào năm 2012 đã cải thiện đáng kể thanh khoản trên thị trường.

Bên cạnh đó, HOSE đã tập trung các giải pháp phát triển thị trường cổ phiếu với việc thực hiện phân ngành các công ty niêm yết vào năm 2007 theo chuẩn VSIC và tiếp tục nâng chuẩn công bố chỉ số ngành theo chuẩn GICS của MSCI từ đầu năm 2016; tiên phong tính toán chỉ số bằng phương pháp dựa trên tỷ cổ phiếu tự do chuyển nhượng vào năm 2012 (VN30 Index) và năm 2014 (HOSE Index). Sản phẩm chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục ETF cũng được niêm yết và giao dịch đầu tiên trên Sở GDCK TP. HCM từ tháng 10/2014, cung cấp thêm công cụ và tiện ích cho nhà đầu tư trong quá trình tham gia giao dịch.

Hiện nay, HOSE đang xây dựng và hoàn thiện các điều kiện để triển khai đưa vào hoạt động sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành. Đây là một sản phẩm được giao dịch phổ biến tại 42/56 SGDCK thành viên của WFE, đặc biệt là thị trường Châu Âu và Châu Á.

Năm 2016, HOSE cũng được chọn là cơ quan điều phối dự án “Xây dựng năng lực về tài chính khí hậu cho Việt Nam” được tài trợ bởi Cơ quan hợp tác Hàn Quốc (KOICA) để triển khai các khóa đào tạo về Tài chính khí hậu cũng như Mô hình Giao dịch Phát thải khí carbon (ETS) với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm trong việc nghiên cứu, đào tạo và xây dựng mô hình thị trường cho hoạt động giao dịch quyền phát thải khí Carbon cho khu vực Đông Nam Á với giá trị ước tính lên đến 2000 tỉ USD vào năm 2020.

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại

Đối với một Sở GDCK, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và hệ thống công nghệ thông tin chính là cốt lõi trọng yếu trong việc vận hành và phát triển thị trường chứng khoán. Vì vậy, việc xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại cho thị trường chứng khoán với 3 cấu phần chính đã được HOSE chú trọng triển khai trong những năm vừa qua bao gồm: Tòa nhà văn phòng làm việc – Exchange Tower, Trung tâm dữ liệu dự phòng và Hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong đó, Tòa nhà văn phòng Exchange Tower và Trung tâm Dữ liệu dự phòng đạt chuẩn quốc tế đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo điều kiện hạ tầng để tiếp nhận hệ thống công nghệ thông tin mới.

Mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập

HOSE đạt được nhiều bước tiến trong công tác quan hệ công chúng và truyền thông cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. HOSE mở rộng quan hệ hợp tác song phương với … Sở Giao dịch chứng khoán và trên… tổ chức trong và ngoài nước; tham gia Hội nghị Tổng Giám đốc các SGDCK ASEAN và cũng là thành viên sáng lập của Sáng kiến Liên kết ASEAN năm 2007; trở thành thành viên của Hiệp hội các SGDCK châu Á và châu Đại Dương (AOSEF) từ năm 2008; chính thức làm thành viên của Hiệp hội các SGDCK Thế giới (WFE) từ cuối năm 2013; và trở thành đối tác của Sáng kiến các SGDCK bền vững (SSE) vào năm 2015.

Cùng với những thành tựu đã đạt được, HOSE đang tiếp tục tập trung vào việc củng cố và phát triển bền vững thị trường chứng khoán cơ sở, gia tăng quy mô, độ sâu, tính thanh khoản thị trường, rút ngắn khoảng cách so với các Sở GDCK trong khu vực, phấn đấu nằm trong top ASEAN 5 với quy mô giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt trên 60% GDP và giá trị giao dịch bình quân phiên đạt mức 250 triệu USD/ ngày vào năm 2020 thông qua các kế hoạch đang triển khai nhằm đa dạng hoá sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường và dự kiến ra mắt chỉ số phát triển bền vững cho các công ty niêm yết trong năm 2017.

Bên cạnh đó, HOSE cũng tìm kiếm các giải pháp nhằm đẩy mạnh quy mô niêm yết và thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong thời gian tới, khi hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, hiện đại từ nhà thầu KRX được HOSE triển khai vận hành đồng bộ cho toàn thị trường thì đây sẽ là nền tảng công nghệ để áp dụng các tiện ích mới và hiện đại về giao dịch, giám sát, công bố thông tin và phát triển các sản phẩm mới.

Ngoài ra, các sản phẩm mang tính hỗ trợ kết nối giữa các thị trường như chứng chỉ lưu ký toàn cầu (DR) và các sản phẩm giao dịch xuyên biên giới giữa các Sở GDCK cũng sẽ được đẩy mạnh nghiên cứu nhằm tạo cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết huy động vốn trên TTCK VN và doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn và niêm yết trên TTCK quốc tế.

Các tin khác